Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Mưa đầu mùa





Đêm về sáng, nằm nghe mưa. Mưa nhẹ. Chắc là đủ ướt mấy gốc cây bông hoa trên sân thượng. Tuần trước, cơn mưa đầu mùa xuất hiện vào buổi chiều, sau những đám mây vần vũ, mưa ào ào, xối xả... thỉnh thoảng có tiếng giông, đâu đó có gió lốc và Saigòn bị ngập trên vài con đường... Rồi mưa đầu mùa xuất hiện thường xuyên hơn vào chiều tối, về đêm làm cho buổi sáng Sàigòn trở nên mát mẻ dễ chịu. Có lẽ vì thế mà tâm trạng con người cũng nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

***

Mới được ĐDN cho xem bài diễn thuyết của một học sinh lớp 12 trên mạng. Theo mình thấy thì hơi có phần trình diễn, dù không phủ nhận em ấy có khả năng ăn nói, thu hút, biểu cảm .v.v. trong một-góc-học-tập là căn phòng đầy đủ tiện nghi, sang trọng của một học sinh rất-đủ-điều-kiện! Nội dung thì vẫn là những chỉ trích, phê phán việc dạy nhiều, học nhiều, vô bổ, đối phó với thi cử... Chưa biết đúng sai thế nào nhưng cũng làm cho mình phải suy nghĩ. Ờ, suy nghĩ thì cũng có từ lâu và nhiều lắm rồi. Cái suy nghĩ cụ thể từ thực tế của trải nghiệm giáo dục mấy mươi năm đứng trên bục giảng chứ không phải cái-sự-mơ-hồ-lãng-đãng của thời mới ra trường:

"Có nói chi với học trò không,
Lòng tôi xanh như mắt em trong.
Hay qua bao nỗi nhiêu khê cũ,
Mắt bỗng dưng vương thoáng lạnh lùng!"

Nhưng rõ ràng là mình cũng thấy lúng túng nếu học trò của mình là những-kẻ-lười-biếng-biết-trăn-trở, có đặt câu hỏi gì về giáo dục. Biết trả lời sao đây? Thôi, tự cho là mình không đủ tư cách có ý kiến! Mà cũng không đủ thiệt! Hơn nữa, quan niệm về  cái-sự-học thời tuổi trẻ tụi mình không còn phù hợp với lớp trẻ thời nay. Hình như mọi giá trị đều thay đổi và ý thức về việc học của mỗi học sinh bây giờ có vẻ  phân hóa quá. Thật khó!

Mấy năm nay, về nhà quanh quẩn vô ra. Chăm sóc góc sân cây hoa khiêm tốn. Ngắm mây bay qua khung cửa sổ. Nhìn dòng xe cộ chen chúc trên đường từ balcon. Vui với tuổi già chứ không có điền viên để thú. Mong là học trò cũ ghé thăm đừng hỏi những câu khó trả lời.

***

Bạn mình vừa mới giã từ phấn trắng bảng đen (cũng có thể thời nay dùng viết xanh bảng trắng!). Lại có chút tâm tư... Bạn ấy có cả khoảng sân rộng bao la tràn ngập lá vàng để múa nhiều đường chổi. Có vườn tược cần bàn tay chăm bón. Có những luống hoa luôn tươi tắn đón chờ lúc bạn nghỉ tay làm vườn để được nghe độc tấu vài khúc nhạc. Và, có người bạn đời tri âm tri kỉ... Dù bạn còn đang độ tài năng chín muồi, mình nghĩ, vui thú điền viên cũng là một trong những lựa chọn đúng đắn xiết bao!

Buổi sáng cuối tuần trời mát dịu, Sàigòn có những khoảnh khắc yên vắng thanh bình thật hiếm hoi! Chợt nghĩ những cơn mưa chuyển mùa đột ngột, ầm ỉ cũng như chút xáo trộn trong tâm trạng tụi mình khi "chuyển giao công nghệ". Rồi mưa cũng trở nên bình thường, êm đềm và nhẹ nhàng hơn...

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Thơ của Thuần-Lòng Mẹ như lòng biển

                         
                                                    "Lên non mới biết non cao
                                                 Nuôi con mới biết công lao mẫu từ"
                                                                                              (Ca dao)

       
Ngày còn bé thuộc lòng ca dao Mẹ
Hiếu lời ru nhưng chưa thấm tâm hồn
Khi khôn lớn sống xa nhà đằng đẵng
Thấy nhớ nhiều tình mẹ thương con...
***
Đi tiếp quãng đời và con làm mẹ
Cũng trang trải lòng bao nỗi gian nan
Mới thấm thía tình yêu thương của mẹ
Để ngậm ngùi khi sống cách xa nhau
***
Nay tóc bạc,con làm bà với cháu
Cũng nâng niu từng chân bước trẻ thơ
Mới thấu hiếu tấm lòng mẹ ngày trước
Tấm lòng bà dành cho cháu ngày xưa
***
Có phải chăng mưa trên cao rơi xuống
Như nước mắt nào chỉ biết chảy xuôi
Va lòng mẹ khác đâu lòng biển rộng
Mãi mãi ngàn năm sóng vỗ không thôi...

                                                           Kính dâng Mẹ hiền
                                      Thân tặng các bạn Việt Hán 2-Những bạn đang và sẽ là Bà
                                      của các cháu Nội,cháu Ngoại đầy thương yêu.
             
                   Luyện Thị Mây Ngàn   Tháng4/2013  


Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Văn nghệ... văn gừng



Nhắc lại hình ảnh Bà Bu và Cún làm cho những trái tim của nhà VH2 rung lên nhiều cung bậc cảm xúc. Có trái tim rộn ràng náo nức, có trường hợp thổn thức lắng sâu, có người lặng yên trầm tư suy tưởng... Ở góc độ nào cũng là tâm-hồn-của-VH2! Một vài bạn vì lí do tế nhị của lịch sử đã "đứt phim" một đoạn phần sau - mình nghĩ - cũng đang lặng lẽ dõi theo và chia sẻ niềm vui hoài niệm của bạn bè. Đó chính là cái-tình-của-VH2! Trong bài viết hôm trước, mình không nhớ rõ "sự tích" Bà Bu và Cún nên đã nhờ các bạn  nhắc giùm. Thế là nhà VH2 xôn xao kể chuyện văn nghệ văn gừng ngày ấy:

***

Chuyện kể thứ nhất:

Như Mai ơi, Bà Bu và Cún là một vở kịch do Thầy Mục đạo diễn. Thầy bảo Vân đóng vai bà Bu dắt thằng Cún Thuần đi học ở nhà Thầy Đồ (mà ai đóng Vân không nhớ, chắc là anh Quyền). Món quà đi tạ lễ cho Thầy Đồ là một con gà trống thiến. Khi đưa lên mới hay là con gà mái (!) làm các bạn cười quá trời! Bà Bu và Thằng Cún từ đó mà ra. Sau này Vân còn làm các bạn, nhất là Thủy Nguyễn (Úc) nhớ mãi khi mặc áo bà ba đen đóng vai cô gái làm đường trong "Soi bóng". Trước 75 Vân và Trà Ngọc Thủy còn múa chung bài "Bông hồng Trung quốc". Có biết múa làm sao đâu, cũng cười muốn chết khi phải cầm cái quạt mà xoay xoay, đã thế cái áo hết sức vướng víu dưới chân... Sau đó là hoạt cảnh "Trăng sáng vườn chè", Ông Ninh Ông Nang có Hà Ngọc Khanh chân nhấc lên nhịp xuống, lưng gù gù, nách cặp cái ô và mép thì đeo râu giả... Thoáng đó mà đã xa lắm rồi... Bánh "quấn" là vì Vân không nói được từ bánh "cuốn" cho mãi đến bây giờ. Cám ơn Mai đã đốt lò hương cũ.

Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân (12/4/2013)
***

Hồi ức thứ hai:

... Khanh nhớ vở kịch, của tụi mình trong 2 đêm văn nghệ về diễn ở sân khấu trước thư viện trường cũ, vì lúc đó đã về học chính trị bên Vạn Hanh rồi. Vở diễn nói về giáo dục thời phong kiến. Bà Bu dắt Cún đến nhà Thầy Đồ xin học ít chữ Thánh Hiền nên phải làm lễ ra mắt con gà trống thiến. Hình ảnh Vân nhớ Khanh lưng gù, cắp ô ở nách, đeo râu giả là ông Đồ chứ không phải Ông Ninh Ông Nang. Anh Quyền không có khả năng văn nghệ nên không đóng kịch và không hát được nên bị mọi người chọc hoài Vân nhớ không? Hôm Bà Bu dắt Cún đến Thầy Đồ, Cún không chịu vào, cứ cuốn lấy mẹ và chạy vòng vòng quanh sân khấu, tếu lắm! Còn Vân lấy miếng vải thun may quần đen quấn lại bên cao bên thấp làm cái váy, bước đi nhún nhảy. Hai mẹ con làm Thầy Đồ rất khổ sở mới nín cười được, đã vậy, cứ sợ cái râu giả rớt nửa chừng!... Hồi đó Ý Đức cũng phải phụ giúp đi tìm những đồ phụ tùng cho vở kịch nữa. Còn vở kịch "Soi bóng" do Đỗ Duy Ngọc làm đạo diễn. Khanh đóng vai thanh niên xung phong cùng Vân. Ngọc khó tính la tụi mình dữ lắm... Ngọc còn làm đạo diễn vở "Cái chết của người chào hàng", hình như có Liễu đóng thì phải. Khanh chỉ nhớ chừng đó, khi nào nhớ nữa sẽ kể tiếp. Ai thấy không đúng chỗ nào thì cứ chỉnh nghe.

Hà Ngc Khanh (12/4/2013)

Ý kiến thứ ba:


... Thuần nhớ "Con gà trống..." hơi khác chút xíu. Vở kịch có 3 hồi ứng với vấn đề giáo dục trong 3 giai đoạn lịch sử:

  1. Thời phong kiến học với Thầy Đồ: Bà Bu dắt thằng Cún đến nhà Thầy Đồ xin học chữ Nho....
  2. Thời Pháp thuộc... :
  3. Thời Cách mạng:.. :
Hình như do Liễu biên kịch và đạo diễn...
Kỉ niệm đầy ắp, biết nói đến bao giờ cho hết!

Luyn Th Thuần (12/4/2013)

***

Từ rất xa, Thủy Finley ngậm ngùi nhắc lại kỉ niệm xưa:


Thuần có nhớ tập múa ở nhà mình không? Có cả Nông Thị Ngọc Liễu nữa, cô nàng biên đạo và chị Mai của Vân hóa trang cho tụi mình. "Bông hồng Trung quốc" mặt mày phấn son lòe loẹt, cưỡi ngựa sắt Honda chạy vù vù trên đường Cộng Hòa. Các bạn có nhớ anh Tín VH1 làm thầy bói trong hội chợ ở ĐHSP không? Không biết những người muôn năm cũ ấy bây giờ ở đâu!?

Trà Ngc Thủy (15/4/2013)

***
Mỗi người gom lại một mảnh, cùng ghép lại thành trái tim Việt Hán 2. Thương quá! Trong lòng ai cũng có hình ảnh của bạn bè và kỉ niệm. Xin mượn mấy câu thơ của Thuần viết tặng nhân lúc về lại trường xưa mà không còn hình ảnh cũ... Thôi kệ, cảnh vật đổi thay là qui luật cuộc đời, tình không thay đổi mới là điều đáng quý:

"Cánh hoa nào rơi xuống giữa trang thơ,
Ép vào đấy một chút tình để nhớ"

Và Thuần đã từng tưởng tượng:


"Rồi một mai em có về trường cũ
Cây dầu cao vẫn lặng lẽ đợi chờ
Ghế đá nằm im dưới tàn phượng vĩ
Lớp học ngày nào chợt tỉnh giấc mơ"    

                       Luyn ThMây Ngàn

Lớp học đang mơ gì không biết, nhưng những bà già VH2 thì đang mơ mộng như thời còn đi học. Nhớ lại những kỉ niệm của một thời áo trắng đã xa. Ai cũng có một thời để nhớ... Thôi, nhớ chút xíu cho đời vui rồi trả tuổi mộng mơ về cho con cháu nhé.

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Góp nhặt lá cỏ...


Nhớ hồi đó...
Sau thời gian sinh hoạt chính trị - được phân theo từng tổ - trong mỗi tổ có sinh viên hợp lại từ nhiều trường, nhiều lớp, ví dụ Việt Hán 2 có một số ở tổ này, một số ở tổ khác nên không thấy tên vài bạn được nhắc đến ở tổ 9 - nhà trường lên danh sách chia lớp vào học văn hóa, bổ sung kiến thức chuẩn bị ra trường. Có những sự nhầm lẫn, thiếu sót cũng binh thường thôi, nhưng trong thời điểm đó thật là... khủng hoảng! Bạn Nguyễn Do đã viết với giọng văn hóm hỉnh:

... 

Lại chuyện đi nghe báo cáo xếp lớp, sau  khi tổ 9 đã đạt kết quả về văn nghệ là "giựt vải" hạng tư. Hôm đó chúng ta nghe báo cáo tại Hội trường Vạn Hạnh để biết lớp rồi học văn hóa. Chẳng là thế này, hắn xin kể chị nghe (vì hôm ấy chị bận không đến được!). Trời ơi, khi nghe xong về báo cáo xếp lớp, trong danh sách không có tên mình, cô Cún cổ mới cún lên, nước mắt chảy quanh: "Sao thân tôi bạc bẽo như thế này?" Cô ta mới chạy lại bên vú nuôi của cổ than rằng: " Vú ơi, con sụt lớp rồi!". Bà vú cũng nghẹn ngào trả lời: "Con ơi, Vú cũng một lời như con". Thằng Dô-dếp thấy vậy, nói:



                                  "Mẹ con nước mắt nỉ non,
                                  Lon ton dắt đến, lon ton dẫn về!"

Vái Trời, đứa nào mà chọc người ta, nó sẽ té xuống giếng cạn mà chết đuối.
Thế rồi hai mẹ con lại dắt nhau đi kiện. Đến trước công đường ngồi chờ ở chiếc ghế dài than thở cho thân phận hẩm hiu của mình, hai mẹ con nước mắt lại ràn rụa. Đến khi "công chúa" chạy ra gọi vô thì sợ, hai mẹ con lại dẫn về dưới sự dòm ngó của mọi người chung quanh. "Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc. Ngó chi tui đồ cỏ dại hoa hèn..." "Thôi kì quá hà, không nói nữa mô!" Hắn không biết bây giờ vú con nhà ấy ra sao và đã phiêu bạt nơi nào rồi. Không ai biết cả!...

Chị Mai, nếu đấy là những kỉ niệm thì hắn đã nhặt và gửi chị giữ dùm. Chắc chị một phần nào bằng lòng. Nói như thằng Dô-dếp mà đúng với bọn mình "Chuyến xe thời gian nhỏ bé lại phải chuyên chở quá nhiều tình cảm và kỉ niệm của chúng ta". Vì thế hắn chỉ nhớ lại một phần và viết cho chị. Nói hết thì chắc không bao giờ hết. Thôi bây giờ "lượng"  không tăng mà "chất" cũng không đổi, chẳng biết có "mâu thuẩn" hay trái với "qui luật" gì không? (Trời ơi, danh từ triết học một thời làm khổ cái đầu lãng đãng của tui, không hiểu chi hết - Mai nói). Ngày mai xa trường buồn thật. Tạm biệt chị và bạn bè nhưng cứ tin rằng bọn mình sẽ gặp nhau.
(Viết tại Lê gia trang, dưới sự chứng kiến và lập vi bằng của Thừa phát lại Dô-dếp a na na.
Ngày 24/6/1976)

Năm ngoái 4B có họp sau 36 năm ra trường, liên lạc được với bạn nhưng cận ngày quá không thể về kịp. Vẫn với cách nói dí dõm, bạn hẹn vào dịp vui sau.
***
Lật từng trang viết của bạn bè ngày ấy như thấy hiện ra trước mắt những-trang-đời. Chừng ấy năm tháng trôi qua, nét bút chì của Tâm vẫn còn rất rõ (24/7/76). Tâm viết: 

"... Quả là một biến cố của VHII vì bây giờ Như Mai mới có dịp để gần gũi với ngọn-cỏ-của-hồn-ta vì trước kia chắc Mai không biết chi về" ngọn cỏ" ấy và lại càng không dính líu gì đến" hồn ta" cả. Còn nhớ hôm nhóm bạn tổ 9 kéo tới nhà Tâm, mọi người cứ nói chuyện về Võ Hồng mãi rồi nói về chia ly, đoạn tuyệt... Trong câu chuyện có cả tiếng cười và tiếng khóc nên Thảo và Tuyết tức quá, chạy ra sân cười cho hả! May mà mọi người dừng lại chứ nói nữa chắc Tâm khóc quá, không biết vì đau lòng hay đau tay (đừng cho Tuyết xem vì thế nào T cũng nói đau lòng). Đọc bài Do viết vui và dễ thương ghê. Có lần Do làm bài thơ cảm hứng về trăng ngay tại tổ 9. Lúc ấy không khí thảo luận đang nghiêm trang mà Do cứ dí bài thơ bất Tâm đọc, buồn cười quá nên Tâm cứ cười, không mắc mớ chi phải nhịn. Và thế là cả bàn xúm vào cười, cười đến nghẹn thôi! Bây giờ Tâm mới biết những ngày ấy, bọn mình chỉ ngồi làm thơ! Nhất là Dĩnh, suốt ngày vẽ và viết thơ, riết rồi tưởng ai cũng giỏi như mình... "

Tâm nói khi gấp những trang giấy này và gửi lại cho Mai, mình bỗng thấy buồn thật chứ không buồn giỡn nữa. Buồn mà cũng có thật và giỡn! Đúng là tính cách Tâm hồi đó. Hình như mọi thứ đối với Tâm đều như đùa, nhẹ hều, thoải mái bên cạnh Xuyến. Tâm ơi, ba mươi mấy năm, nói như Thuần là "lên thác xuống ghềnh", cuộc đời mỗi đứa đều có những khúc quanh, giờ lòng Tâm cũng lại nhẹ tênh vô chấp vô cầu. Qua chuyện trò với nhau, có thể nói mình hiểu bạn, đó là đạt đạo! Còn Xuyến Khương, cặp bài trùng với Tâm, lúc đó (12/8/1976) thì viết: 

"... Viết cho Mai trong lúc tinh thần thật bất ổn, người ở đây mà hồn phách tận nơi nao? Buồn thật, con người ta là những hạt bụi tình cờ đan dính vào nhau rồi tơi tả từng hạt... Có thật nhiều cái để tôi nhớ về bạn bè, từng khuôn mặt, từng nụ cười, từng ánh mắt... Tất cả đều là kỉ niệm, một loại kỉ niệm mà ai muốn nhớ thì nhớ, ai không muốn nhớ thì thôi...." Và Xuyến đã nhớ tới bạn bè thật nhiều dù ở cách xa nơi đang lưu giữ kỉ niệm thời sinh viên của bạn đến nửa vòng trái đất. Xuyến đã luôn tìm kiếm bạn bè, nâng niu kí niệm, nhất là khi liên lạc được với Tâm, giống như Minh Hải gặp lại Thuần, những-con-tim-đã-vui-trở-lại..."

***

Hôm qua, mail của Thuần gửi bạn bè:  

GỬI HƯƠNG CHO GIÓ... BAY ĐI.
Lang thang vào vườn cỏ sao thấy lòng bâng khuâng, hồn lắng đọng... Nhớ về một thời đã xa nhưng lại rất gần. Chỉ tiếc là chúng mình đã "lạc mất nhau" khá lâu... nhưng nay tìm về mái nhà xưa cũng chưa đến nỗi muộn màng. Sau những năm tháng " lên thác xuống ghềnh" giờ đây cuộc sống mọi người đã tạm ổn định. Thì thôi hãy yêu người, yêu đời, như một nhà thơ đã viết :

                                 "Cám ơn đời,mỗi sớm mai thức dậy
                                  Ta có thêm ngày mới để yêu thương"

GỬI GIÓ CHO MÂY NGÀN... BAY.

Vậy thì Thuần cứ gửi hương rồi gửi gió cho bay đi..., bốn phương tám hướng nhé, còn mình thì góp nhặt lá cỏ, vun vén khu vườn hoài niệm để bạn bè dạo bước chân vui.




Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

"Dô-dếp A-na-na"

Trong tổ 9 còn có Lê Hưng Quang là bạn thân của Do, có anh Bùi Đăng Trường được xem như đàn anh của tổ vì đã có gia đình. Anh Trường ở Tân Quy - Nhà Bè. Nhà Bè hồi  đó còn vắng vẻ, hoang sơ vùng sông nước. Một lần nhóm bạn tổ 9 đến chơi nhà, phải qua chuyến đò và đường đi rất khó khăn,  nhưng đến nơi cảnh nhà vườn rất thú vị... Xin tiếp tục gom góp những kỉ niệm từ trang viết của bạn Do. Ngôn từ và danh xưng trong này đều của bạn ấy, mình giữ y nguyên.

*****
Tổ 9 còn có anh kép Papa, trời ơi, anh ta xuống mấy câu vọng cổ nghe rất... mùi. Còn có cái bật lửa và gói thuốc rê dời qua dời lại của thằng Dô-dếp A-na-na, thằng cha này là vũ sư quốc tế, không thuộc được nhạc Việt Nam nhiều nên chỉ biết mỗi bài "Nhạc rừng" cúc cu ...cúc cu...cúc cu... Đến đây chắc có thắc mắc tại sao thằng a-na-na lại có tên Dô-dếp? Bởi vì nó đã cho biết nó là a-na-na (NhưMai giải thích: Hồi đó Quang kí tên chữ q đầu và chữ g cuối không có nét kéo xuống mà ngắn nối liền nhau nên đọc thành a na na), ở tổ 9, chúng tôi thấy vậy thêm chữ J vô phía trước để cho nó thành người ngoại quốc hoàn toàn: Joseph Anana! Mà phiên âm bây giờ thành như vậy. Còn nhiều nữa ở tổ 9 mà hắn (Do tự xưng "hắn" trong bài viết này) không nhớ hết - xin lỗi các bạn ấy - và có hắn đang viết cho chị đây.

***

Đó là phần tổ 9 có gì. Còn nếu có ai hỏi tổ 9 giống gì? - Xin trả lời tổ 9 giống Chí Phèo. Vì con số 9 giống người say rượu (liên tưởng quá ư phong phú!), trên đầu to và nặng, chân thì không cân bằng với đầu, muốn lảo đảo như say rượu. Tổ 9 lại "quê hương không có, cửa nhà cũng không", sống bên đuòng người qua kẻ lại, đúng như thằng "ngộ ngộ" nó viết "màn trời chiếu đất", giống hoàn cảnh  của
anh Chí ơi - là anh Chi "lại say nữa rồi!" ( Thằng ngộ ngộ đó là Nguyễn Ngọc Dĩnh, ĐH Dalat sáp nhập, rất giỏi thơ chữ Hán, viết như rồng bay phượng múa, chỉ Thuần mới so tài với Dĩnh, còn tụi mình thi ngồi coi! - Dĩnh cũng có viết: ... Ban chiều, đứng chờ mưa tạnh ở hành lang, chị nhắc tới những ngày cũ ở tổ 9 - cái tổ trụ nơi chân cầu thang, thật là màn trời chiếu đất!! Nhưng chị bảo tổ  9 thật dễ thương, thật thoải mái. Tôi đi về, phảng phất trong đầu hình ảnh tổ cũ. Bây giờ vẫn còn mưa! Mà nhớ lại, bầy chim đã đốt tổ bay đi tán loạn... Sự ra đi nào cũng mang ít nhiều xa vắng, hụt hẫng, phải không chị Mai? Tôi ghi lại đây bài thơ hôm nào, cùng bạn hũu vịnh trăng lơ mơ. Đang là thanh thiên bạch nhật nhưng buồn ngủ quá vì giờ học dài lê thê, cứ ngỡ mặt trời là mặt trăng!

                                  "Con trăng sáng tỏ tựa ban ngày
                                                 Không uống rượu mà ta nghe say  
                                                 Thụ hạ kinh tâm khan tử nguyệt
                                                  Ô! Đất trời ngăn cách khôn khuây!"

Còn thật nhiều kỉ niệm với tổ 9. Hy vọng rằng, sau này, chị cũng như tôi, khi nhắc lại những đoạn đời êm ả cũ, sẽ nhớ đến tổ 9. - Quyển lưu bút thật dễ thương, thật xinh xắn, chẳng lẽ tôi cầm nhầm luôn?! Nên chi ra đứng sau cùng xem như mình được cả quyển... Chắc chị đã hiểu cho cái sự "lạc hậu" của tôi rồi nhé!...  
(Phật lịch 2519, Lan Nguyệt. - Phần chú thich của NhưMai).
***

Còn gì nữa - NDo viết tiếp - Chẳng có ai nhắc tuồng. Thôi nhắc lại những kỉ niệm rải rác vậy. Chủ nhật rồi không đi phát hành báo được, thật tiếc, không biết chị có đi, hắn vì "long thể bất an". Không đi nhưng cũng có chuyện làm là "quan lớn 4B" đi phát hành báo ngang qua nhà hắn gọi cho một tờ. Cầm tờ báo nhớ lại, như kiểu "đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa". Nhớ lần đi phát hành báo, vô nhà anh "Cẩm-xí-phồn" ở Chợ lớn, anh ta đang đứng cạnh cái giường, mình mời anh mua báo Đảng mà anh nói "không có chỗ nằm coi". Trời ơi, hết chỗ nói, phen mô chớ phen ni chắc muốn độn thổ!... Nhưng "khi nên Trời cũng chiều người ", sau đó mình gặp "món bỡ" thế là xong, đường ta rộng thênh thang ta bước, ra tìm anh chàng Ngọc Dĩnh và cô "nước đá" lưu lạc phương nào rồi....
***
Đến chuyện thi văn nghệ của tổ, thật mắc cười muốn chết! Hôm ấy có chị nữa đấy, anh em văn nghệ sĩ lão thành của tổ chúng ta hăng-hái-đến-độ-thụt-lùi! Theo lời bà Phó 1 lên diễn đàn "múa gậy vườn hoang"... Đến bài gì mà " ...nầy hò dố...dố...dố...", văn nghệ sĩ đều cười nghiêng ngửa trên sân khấu, chỉ trừ có người-em-vườn-Thúy cố nhịn, ráng mím môi, nghiêm trang tiếp tục hát. Hắn đứng hàng sau, nhìn thấy vậy càng nôn ruột, thêm phần bên cạnh thằng Dô-dếp A-na-na nó không thuộc bài, nó chỉ nhóp nhép theo anh chị văn nghệ sĩ chúng ta... càng làm cho hắn không thể nào nhịn cười  được nữa!....

***

Ờ, tổ 9 dễ thương thiệt! Đôi khi ngồi nhớ lại cái thời xa xưa ấy thấy dễ thương gì đâu, thấy ngu ngơ gì đâu... Có cả những nỗi bàng hoàng che dấu nữa! Và rồi đã có những thân tình hoàn toàn... nhân bản. Nhiều bạn bè nói về tổ 9 và cả vị trí địa lý mà "số phận an bài " cho tổ nữa. Đỗ Duy Ngọc đã viết: "... Khoảng trống kê 4 bàn dài xúm xit nhau, 4 chiếc ghế mảnh thắng góc nhau chứa hăm mấy đứa. Những đứa đã lớn? Hay đã già? Không ai xác định được trên những khuôn mặt. Những con mắt bần thần, đuôi mắt chạy kéo dài ra màng tang. Những đôi mắt tròn xoe, nếp nhăn chạy dài trên trán. Chịu. Không biết làm sao định tuổi được những người đến đây, ghé lại một khoảng trong quãng dài của đời sống, thở cùng không khí đầy "mùi hương thạch thảo" ở chân cầu thang..." Những khuôn mặt giống nhau ở điểm ấy, quanh lại với nhau bằng vòng dây và nhớ mãi. Bạn bè đã đến, nắm chặt vòng để lần ghi những kỉ niệm vội vã. Tổ 9 đó. Và bạn bè chúng ta đã gặp nhau ở đó. Thân ái tình cờ, kỉ niệm thật ngắn nhưng kéo dài suốt cả đời. Tôi biết chị trong thời gian ngắn đó và mang theo với những hình ảnh của đám bạn bè trong những mai sau dù ở nơi xa lắc nhất. Chắc có lẽ những giây phút sống với hình ảnh cũ là giây phút hân hoan nhưng cũng tiếc nuối nhất của chúng ta... (18/6/1976)
***
Bây giờ nhớ lại và cảm thấy vui vì bạn bè đã trải qua đươc những chặng đường "quá độ" của mỗi cuộc đời. Đã có hai thế hệ ra đời kể từ buổi ấy. Những chàng trai cô gái khi xưa giờ đã lên chức Ông Bà. Cuộc sống vốn dĩ quay đều không nghĩ ngơi, chúng minh hãy vun vén kỉ niệm để những năm tháng tuổi già luôn đậm đà hương vị và tâm hồn vẫn ngát màu xanh.



Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Bà Bu, Cún và "bánh quấn"


Trong cuộc đời, không có gì hạnh phúc bằng bên nhau đến răng long đầu bạc với người bạn đời tri-âm-tri-kỉ. Việt Hán 2 của tụi mình có được nhiều cặp như vậy. Xin được chung niềm vui và sẻ chia hạnh phúc ấy với bạn bè. Một trong những cặp tuyệt vời ấy là Tuyết & Bình. Khu vườn lá cỏ mà chúng ta đang dạo chơi đây là tác phẩm nghệ thuật của Bình. "Trung quân có lúc vui vầy", Tuyết đã thỏ thẻ thế nào mà Bình chịu thiết kế cho "Chị Mai" một nơi chốn thật bình yên để bạn bè cùng hoài niệm về những tháng ngày xa cũ mà vẫn thấy như mới hôm qua. Phải là yêu quý và đồng cảm với một-nửa-của-mình-lắm mới hết lòng như vậy!

*****
.
Mùa hè cuối cùng của thời còn cắp sách, còn là sinh viên trên ghế giảng đường của tụi mình hồi đó thật đặc biệt. Là giai đoạn chuyển tiếp, một số bạn bè Vh2 đã xa vắng, khoảng trống ấy không thể gì bù đắp. Bằng chứng là Thuần đã từng viết lúc sắp ra trường: "...Thuần nhớ Mai, nhớ Tuyết, nhớ Vân rồi Mai Nguyễn, Thảo, Bông, Phạm Lan, Ý Đức... Rồi cả Nhung và Minh Hải nữa... Gần 4 năm học với nhau đến bây giờ mới biết tiếc thương nhiều..."

"Mấy hôm nay xe hư không đến với Mai, với bạn bè được. Nhớ quá-nhớ đến bữa thi Triết, Ngôn ngữ học, Giáo dục học... nhớ những bữa cơm, đến nồi chè đầy thân tình và giọng Huế êm đềm của ai đó. Nhớ cả cây lá trăng sao ở Vạn Hạnh. Nhớ luôn những tháng ngày Sư Phạm cũ với lan hoàng hậu, hoa sứ trắng... nhớ bạn bè, nhớ người yêu (mình ko biết là ai, chắc Minh Hải quá!- Như Mai nói), nhớ em bé bán cà rem, nhớ bà hàng quà, nhớ những giận dỗi, nhớ tiếng cười, nhớ tiếng khóc... và nhớ tất cả... đong đầy gần 20 năm làm học trò."....

Thế nhưng có những người đồng hội đồng thuyền trong "chuyến tàu cuối năm ấy" cũng trở thành những người bạn thân thương.

*****

Hồi đó, Cẩm Vân đã rất khéo tay và tỉ mỉ. Vân tìm đâu những tờ giấy pelure màu xanh dịu dàng, đóng thành  cuốn tập lưu bút rất dày và đẹp tặng Như Mai. Nhờ đó, mình có quyển lưu bút trở thành báu vật này đây. Xin trich ra đây những  trang lưu bút của các bạn ngày xưa ấy cho bạn bè hôm nay hình dung cái "thời kì quá độ" của tụi mình.

Nguyễn Do, một trong số những người bạn mới hồi ấy viết (xin lỗi bạn, xin vi phạm bản quyền để bạn bè được thưởng thức sự hóm hĩnh, dễ thương của bạn ngày xưa ;-)  )
...
"Chị Mai, chúng mình một bọn từ bốn phương gặp nhau ở tổ 9 (như tố chim), cái tổ mà bạn bè thường nhắc khi viết cho chị đấy - Tổ 9 như là một kỉ niệm không rời của bọn mình, êm đềm, thoải mái, vui vẻ... lại hiền lành nữa. Có lẽ bạn bè đã nói đến tổ 9 nhiều cũng đã đủ cho chị nhớ...", nhưng hắn cũng muốn xía vô một chút cho vui. Hắn nhớ đến cái "chiến thắng huy hoàng..." với bài "Cả nước" (Như Mai giải thich: Đó là bài hát mới do Bich Thuận dạy cho tổ hát, có một câu luyến láy rất khó hát mà mỗi khi Th cất giọng cho cả tổ hát theo là cười nghiêng ngữa, không thể nào hát đươc.) Tổ 9 còn có Trăng (tên là Nguyệt), cái đặc biệt là tổ 9 một tháng 30-31 ngày đều có Trăng, bởi vì Trăng biết nói, suốt ngày réo gọi anh Dĩnh ơi là anh Dĩnh làm người ta tỉnh mấy cũng dần dần "đỏ mặt, thẹn thùng". Có người con gái thành Huế dịu hiền, khác hẳn với những người con gái thành Huế khác mà mọi người đã gặp, có lẽ cô này lai!

Tổ 9 còn có ông cụ, bà cụ ở tiểu tổ 3, có ông tây bà đầm, có nàng họ Vũ, có loài cỏ hoang sớm nắng chiều tươi, có người-em-vườn-Thúy (nước đá) siêng năng thơ giỏi hát hay. Nước đá hợp với loài cỏ hoang sớm nắng chiều tươi mà lại còn sớm Nam chiều Bắc (Thảo), song ca thì nhất.
.
Tổ 9 còn có bà phó I, có cô gái Soi bóng (Cẩm Vân đóng vở kịch ấy-nhưmai), có ông già Lâu mân (Đỗ Duy Ngọc), có ông Bùi Minh Cận, có nàng "Văn Chương", có anh say rượu của em khi tan trường về... Tí nữa thì quên cô Cún của bà Bu (Cún còn là con nuôi của vú Thành nội  nữa đấy), cô này thật là "vai năm tấc rộng, lưng mười phân cao", đường đường là một bậc văn nhân, thi bá! Cô có tiếng thét "như sấm vang cõi ngoài". Tại sao không đặt cho cô ấy cái tên là Cuốn đi, để hợp với Bà Bu hay ăn bánh quấn cho rồi! Xin đừng cho bà Bu ròm ấy biết, bả cự hắn chừ vì nhại "tiếng địa phương" của Bu. Thật ra hắn nhắc để nhớ chung trong bọn mình chớ hắn không có ý ấy. (Hương hồn Bu ròm có đọc được mấy dòng này xin đùng vặn cổ hắn, tha cho...)".....

***
...
Không nhớ vì sao Vân lại có biệt hiệu Bà Bu và Thuần là Cún trong thời gian ấy. Ngoài cái sự thích ăn bánh cuốn của bà Bu bên trường cũ ở đường Cộng Hòa, hình như hồi ấy có diễn văn nghệ gì nữa mà mình không nhớ. Hôm qua,Vân có mail cho Thuần hỏi Cún có nhớ Bu không? Bu nhìn con gà mái ra gà trống thiến! Mình còn lờ mờ không nhớ chi về "sự kiện" này. Bạn nào nhớ, vui lòng nhắc lại rõ hơn nhe.

Trong bộn bề lo toan của cuộc sống thường ngày, đôi khi làm cho tâm hồn già nua của chúng minh hơi-bị-oải. Xin gợi lại chút-quá-khứ-hồn-nhiên-xưa như ly nước mát giữa trưa nắng gắt để còn bước tiếp với niềm vui sóng sánh trong lòng.



Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Dòng sông xưa




Người già thường sống với hoài niệm!


Điều nay quả đúng với mình, với tụi mình. Tối qua đọc mail của Thuần và mấy dòng của Cẩm Vân nhắc về Bà Bu và Cún. Rồi nói chuyện với Mai Nguyễn tới gần 11g. Biết bao bồi hồi... Cả đêm không ngủ được.



Là thế đấy, Thuần bảo mới ngày nào tóc còn xanh mà nay đã phai màu...thuốc nhuộm! Mới ngày nào còn lãng đãng, lơ mơ mà nay đã làm Bà Nội, Bà Ngoại... Đúng đó Thuần ơi, thời gian qua đi, tuổi đời chồng chất, biến vi tang điền hay biến vi siêu thị thì cũng là" biến vi" thôi!



Hôm nhìn thấy bài thơ Biển Sáng viết tặng Mây Ngàn và cuốn tập ép hình hoa lá đã ố màu thời gian xưa cũ, mình bâng khuâng hết mấy ngày (may mà bây giờ không phải soạn giáo án và chấm bài mới có thời gian để bâng khuâng như rứa!)


Gần bốn mươi năm rồi, từ thuở tuổi hai mươi cho đến bây giờ ngồi đây ôn lại kỉ niệm xưa, biết bao nhiêu là thay đổi! Nhớ lúc sắp ra trường SP, bọn mình có cả một khoảng thời gian đầy lo âu trăn trở... Có những nỗi buồn không căn cứ, có những suy nghĩ mơ hồ...

***.
Chép lại cho Thuần bài thơ, viết trong những khoảnh khắc ngồi học tại hội trường Vạn Hạnh  nghe ôn thi môn Triết (!).


Dòng sông mệt mỏi



Chớm Thu sao nắng nhạt rồi,
Để trên cao đám mây bồi hồi bay?
Buổi chiều ! - Tôi vẫn không hay,
Cứ ôm kỉ niệm trên tay thở dài...
Rồi qua đêm, có ngày mai,
Hay đêm vẫn mãi đêm hoài hút sâu!
Ngày vui nào chẳng qua mau,
Mắt buồn cũng bởi ướt màu chia ly!

Có nhiều khi, có nhiều khi,
Tôi nghe tôi gọi những gì đã xa.
Không! Trời không có mù sa!
Sao tôi cứ ngỡ tôi là dòng sông?
Dòng sông mệt mỏi vô cùng,
Chảy xuôi theo những khúc quanh cuộc đời.


Chiều đang rơi. Chiều đang rơi!
Sóng vàng sông động giữa trời qụanh hiu...


                                                   Cuối tháng 7/1976  Tặng LTThuần



 Mình cũng trích lại mấy dòng lưu bút của Thuần viết trong những ngày tháng ấy: "...Thuần cũng thấy một sự mất mát, buồn bã nào đó. Cổng trường khép. Hàng cây đứng im ắng, trống trải và mình thì thẩn thờ. Chưa gì trong bọn đã có kẻ lên ngược về xuôi, chia tay nhau một cách hụt hẫng, có bâng khuâng, có ngẩn ngơ, có luyến tiếc và có cả sầu muộn... Và, khờ khạo hơn nữa là chẳng hiểu mình đang mang tâm trạng gì...! Rồi một mai, dưới  mái trường lạ ở một nơi nào đó - Thuần đứng trên bục giảng với bảng đen phấn trắng nhìn xuống đám học trò ngơ ngác, trẻ dại để biết rằng mình đã là cô giáo, đã qua đi một thời vàng son xưa cũ...Thuần nhớ 4 câu thơ Dĩnh viết:


              "Hôm nay giờ tan học
               Cô giáo bỗng trầm ngâm
               Đôi mắt nhìn xa xăm
               Cổng trường cây điệp nở..."


mà thấy thấm thía kỉ niệm với hiện tại, tương lai... Và bài thơ trong buổi liên hoan của Mai lại làm Thuần đau hơn nữa... "Nếu một mai có phôi pha, có lãng quên thì Thuần mong những kỉ niệm ở bạn bè vẫn đẹp và êm ái, ngủ ngoan ở góc cuộc đời của mỗi người...."


***


Xin cám ơn cuộc đời cho chúng ta còn có lúc ngồi lại với nhau kể-chuyên-ngày-xưa như thế này đây. Cái dòng sông mệt mỏi ngày ấy không "được" mệt mỏi mà đã bôn ba bươn  chải, tuôn tràn về khắp mọi nơi: Ngược lên Sông Bé, về dưới Hậu Giang, chảy qua Tiền Giang, Bến Tre,Thạnh Phú... nên mới có người dạy môn Sinh xách nước cho cô giáo dạy Văn rồi đơm hoa kết trái, hai cô con gái ghép họ Cha Mẹ Trần Luyện. Có người dạy Toán tìm cơ hội đến nhà Bà Ngoại gánh bắp nấu cho Bà để cưới được người- em-vườn-Thúy tài hoa...



*****
Vậy đó Thuần, mười mấy năm  tụi mình dạy học từ tỉnh xa, về thành phố gặp nhau nhưng chưa có được những phút giây ngồi lại bên nhau kể chuyện bạn bè. Cuộc sống và công việc chưa cho tụi mình thảnh thơi nhắc về kỉ niệm.


.Giờ đây "còn gặp nhau thì hãy cứ vui".






Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Mới được tin Thầy



Sài gòn lúc này nóng lắm.Không dám ra đường vào buổi trưa.Đang đọc báo thì có tin nhắn của Bích Thuận.
Tin nhắn đầu tiên là:
INSTITUT  UNIVERSITAIRE  DE  GERIATRIE  DE  
MONTREAL
5325,AV VICTORIA #  422. MONTREAL(QC).
    H3W-2P2, CANADA.

Tel: (514) 484-5901

Đọc tin nhắn ,không hiểu chi hết,bạn cũng nhắn qua số di động mới nên không biết của ai.Im luôn.Lát sau có tin nhắn mới,bảo đó là địa chỉ và điện thoại của Thầy LÊ HỮU MỤC Thầy đã 
yếu lắm,lúc tỉnh,lúc quên...

Mới bảo Thuận gửi mail cho các bạn biết với thì Thuận nhắn
tin lại,giao nhiệm vụ cho mình.

Xin gửi tin này đến bạn bè,những ai có thể liên lạc được thì
gọi đến thăm Thầy.

Vẫn nhớ như in hình ảnh Thầy trong những giờ học chữ Nôm
và buổi học cuối cùng trong một ngày tháng tư nóng bức,oi nồng dưới mái trường Đại học Sư Phạm SG.

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Tình già




                      



Sáng, trưa, chiều, tối bên mình
Vào ra quanh quẩn như hình bóng thôi!
Chén cơm, viên thuốc chào mời,
Chuyện trò chia sẻ... với người-tri-âm.
Thương yêu, chăm chút ân cần,
Nghe hương nguyệt quế đêm rằm quanh đây...
                                



3/4/13 phanthinhumai







                 
                   

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Người về đầu non...


Võ Hồng-Nhà giáo-nhà văn đã về đầu non giữa chiều 31/3/2013 tại Nha Trang,để lại trong
tâm hồn thế hệ độc giả chúng ta niềm tiếc thương sâu sắc,dù biết rằng điều ấy sẽ phải đến ,không thể nào tránh được.

Tôi có cơ duyên được đọc tác phẩm Võ Hồng từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ trước nhờ các bậc đàn anh ở Huế vào học Sư Phạm Qui Nhơn. Họ đem về cho đoc  Hoài 
Cố nhân,Con suối mùa xuân.....khai mở tâm hồn tôi bằng lối văn giản dị,gần gũi với những
xóm làng ,con người Việt Nam chân chất môc mac đáng yêu biết mấy....

Lớn lên một chút,1968,tôi vào học cấp 3 ở cao nguyên. Có thêm bạn bè. Có vài người quê Đồng Xuân,Phú Yên (miền đất đi vào nhiều tác phẩm của Võ Hồng)tự hào có người Thầy
dạy môn Quốc văn là bạn thân của Võ Hồng.Họ thường được gặp và nghe ông nói chuyện.
Họ rất yêu kính Võ Hồng và tình yêu đó càng làm cho tôi thêm ngưỡng mộ nhà văn,nhà giáo ấy.Còn nhớ kì thi Tú tài bận học rất nhiều môn (hồi đó hoc bao nhiêu môn là thi hết bấy nhiêu,điểm thi tính theo hệ số của ban theo học) vậy mà vẫn không thể rời  Nhánh rong phiêu bạc,Như cánh chim bay nếu chưa đọc hết!...Bạn bè chúng tôi còn tặng nhau những
tác phẩm nhỏ xinh Áo em cài hoa trắng,Một bông hồng cho cha,Nửa chữ cũng thầy....như những gởi trao tâm tư sâu lắng....

Lớn hơn một chút,học đại học ở Sàigòn,có dịp đến chơi với các chị bạn ở Đại học xá Trần
Quý Cáp.Gặp con gái lớn của Võ Hồng cũng ở đó,tự nhiên thấy có gì gần gũi,thân thương.
Yêu kinh,ngưỡng mộ nhà văn nên cũng thấy yêu mến con cái của ông,những nhân vật
thường xuất hiện trong tác phẩm với tình cảm ấm áp của người Cha.(Sau này,được biết
các con của Thầy lần lượt đi du học...)

Tôi đã được đọc rất nhiều trong số tác phẩm của ông.Được nghe nhiều về ông trong cuộc 
sống đời thường,kính trọng,yêu mến nhân cách khoan hòa,bao dung, khiêm tốn ấy.

Chưa được học Thầy một ngày.Chưa được gặp Thầy một lần.Nhưng với tôi,Võ Hồng là người Thầy kinh yêu và thân thiết.

Kính chúc Thầy ung dung thanh thản ở đầu non....