Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Buổi trưa chơi lẻ...



Mấy hôm trước dự tính bạn bè trong lớp gặp nhau nhân dịp Khanh về, nhưng
rồi không thực hiện được vì Khanh bận quá! Bạn ấy còn phải đi từ Nam ra Bắc
để thưởng ngoạn vẻ đẹp của quê hương đất nước như trong mấy bài ca dao tụi
mình dạy học hồi xưa. Chưa về lại Sài Gòn, Khanh đã có kế hoạch ra thăm xứ
Huế mộng mơ vào tuần tới. Không biết có ý định ngắm cảnh đẹp hay người đẹp
nào ở chốn sông Hương núi Ngự ấy mà coi bộ Khanh lên kế hoạch thiệt kỹ càng.



Nghe ngóng được thời-khóa-biểu của bạn kín-giờ như vậy nên mình và Vân thấy 
khó lòng tập trung đông đủ lớp như lần trước (và mình chợt nhớ câu "không bao
giờ tắm hai lần trên một dòng sông " quá đúng! ). Hai đứa bèn bắt cóc Khanh và
vài bạn, nhân có Tuyết lên chơi. Ngay trong buổi sáng, hẹn 10g mà 10g15 mới a-
lô cho Thuần. Mấy lần định gọi Bông nhưng nghĩ tới đoạn đường từ quận 9 lên
xa quá mà bắt Anh Nhiệm đi giữa trưa nắng trong giờ cao điểm đầy nghẹt xe cộ
thì thật là ái ngại ! Cho nên thôi, được-nhiêu-hay-nhiêu (cách nói dân gian có
nghĩa là được bao nhiêu thì quý bấy nhiêu )! Năm, sáu,bảy...cũng được. Mong là
có dịp các bạn gặp nhau sau. Giờ đành chơi-lẻ vậy.!



Gọi cho Thuần thì gặp anh Danh, Thuần đang ở đâu đó sau nhà. Anh Danh bảo lát 
nữa gọi lại nhe. Mình vội vàng nói ngay mục-đích-yêu-cầu và dặn nhớ tới nhà hàng
ở Lê thị Riêng. Anh Danh ok và nhắc lại quận 1 ha! Mình cãi: quận 3 chớ
Mở mail cho Tuyết coi hình họp lớp kỳ trước xong, gọi cho Vân rồi hai đứa bắt đầu đi 
vì Vân nói các bạn đã đến lâu rồi. Hành trình từ quận 5 ra quận 3 vào giờ cao điểm
nên đầy nghẹt xe cộ. Qua bùng binh ngã sáu, Tuyết ngồi sau xe im re, nín thở...Tới bùng 
binh ngã bảy, tiếp tục kẹt xe, nhích từng chút một...Ra được Điện Biên Phủ, mình bắt
đầu vừa đi vừa nói chuyện. Nhớ Vân nói số 96/1 Lê thị Riêng nhà hàng Cuốn giấy Bạc
phía sau BV Mắt nên mình tự tin nghĩ đó là quận 3 và rẻ vào đường Lê Ngô Cát, con
đường nhỏ, nằm đối diện Saint Paul. ( Trời ơi, trong đầu mình cứ nghĩ Lê thị Riêng là
Nguyễn thị Diệu! Ai dè hai đường đó khác nhau! Hoho!!!).Vì thế Tuyết ngồi sau ôm hờ 
eo bà bạn già, thì thầm "đường L N C" như để nhắc cho mình kẻo sợ mình không đọc 
thấy.



Quẹo xe lại ra đường ĐBP nhưng không dám rẻ trái vì xe đang đông nên tấp vô đường 
ngang là Nguyễn Thông chờ hết đèn đỏ. Chạy xe bọc ra sau bv Mắt là đường Hồ Xuân 
Hương, đâu thấy L t Riêng nào đâu! Vậy là ra Cách Mạng Tháng Tám hướng về NTM
Khai, trên đường đi, liếc bên trái thấy Ng Thi Diệu! Ồ, đúng là mình nhầm giữa hai tên
này nên lộn xộn thế chứ! Vậy mà vẫn bao lên NTMK rồi rẻ qua Trương định đầy tự tin!
Vừa chạy xe vừa giải thích cho Tuyết và nói sẽ dừng lại gọi cho Vân, thế nhưng vẫn ung
dung bao quanh một hình vuông nữa! Dừng lại quá ngã tư ĐB Phủ -Trương Định, tấp 
lên lề mới móc đt ra gọi cho Vân mà bắt Tuyết phải đứng xớ rớ canh sợ bị giựt! Bây giờ
ngồi viết nhớ lại giây phút ấy và đang cười một mình. Gọi cho Vân mới được biết Lê thị 
Riêng Quận 1, bên bùng binh Phù Đổng Thiên Vương. Trời đất ! Con đường đi hoài mỗi
khi ra chợ B Thành về quận 5 mà bỗng dưng quên! Đã già nên lẩm cẩm hay vì chở bạn già
nên hồi hộp quá mà quên tuốt tên các con đường!
Cuối cùng rồi cũng tới! Tìm ra  nên vui quá, tấp vô bãi giữ xe của người ta để gửi dù nhà 
hàng ngay phia trước. Nên Tuyết ngạc nhiên hỏi sao mình không vô bãi xe nhà hàng luôn?
Hai bạn già nhìn nhau qua nón bảo hiểm và khẩu trang nhưng đều biết cả hai đang...cười!
Gặp các bạn, Vân Khanh, Anh Việt và Ngọc, còn anh Điệp không tới được vì có việc nhắn
tin lại. Ai cũng nói chờ lâu. Vân bảo có viết là  ở quận 1, Mai không đọc hả? Chỉ biết cười
trừ vì cái tật lướt qua.( Chắc vậy mà hồi xưa đi thi không chịu đọc kỹ đề...)


Tới nơi rồi mới lo Thuần và anh Danh có đi lộn như mình không nên vội gọi. May quá, 
đang trực chỉ quận 1.Như vậy là mình bớt thấy có lỗi vì cái tội tam-hơ-tam-hất (dân gian 
dùng để ám chỉ cái sự ẩu tả, thiếu chín chắn...)



Không khí ấm áp hẳn lên khi có mặt vợ chồng Thuần. Những món ăn lạ, ngon. Những câu 
chuyện vui buồn một thời được kể lại cho nhau nghe thật xúc động. Niềm vui gặp bạn đầy 
dần lên cùng với những tiếng cười dòn tan sau mỗi câu pha trò, dí dõm của Ngọc nói về 
Thuần. Những món ăn cứ được dọn ra liên tục làm cho ai cũng kêu no quá. Lại đùa nhau 
"một bữa no" của Nam Cao. Mà no thật! No tình bạn bè trong tâm hồn của mỗi người! No 
đầy tiếng cười suốt từ 10am cho đến hơn 5pm mới lưu luyến đứng dậy ra về.



 Chủ nhà hàng 
là nhân viên cũ Dzoãn Vân ngày xưa nên quý Cô Vân mà tiếp đãi nồng hậu. Lúc đầu các 
bạn vừa thưởng thức món ăn vừa nghĩ sau đó phải qua cà phê Thềm xưa để còn ngồi lai 
chuyện trò và nghe nhạc. Nhưng những món ăn, thức uống liên tục được mang lên...Sau 
những câu chuyện cũ, chuyện mới được sẻ chia..., khi thấy các em tiếp viên lại mang nước 
trà lên, Thuần buột miệng hỏi"cái gì nữa đây ?!" làm cho Ngọc có dip trêu "muốn thêm gì 
nữa hả?" làm cả bọn có dịp cười vang bởi vì ai cũng no đến nổi không thể nếm thêm một 
chút gì nữa cả!

Các bạn ra về, lại hẹn nhau có dịp là họp mặt. Đường phố giờ cao điểm buồi chiều tối, 
xe cộ đông nghẹt trên đường. Rồi cũng tỏa về muôn hướng.
Hai bà bạn già chen giữa dòng người, xe trên đường ngược về hướng Chợ Lớn để Tuyết 
đến bến xe . Khi trưa, lúc tìm nhà hàng, chạy tới chạy lui, bạn già tập trung chú  ý đọc 
tên đường nên buông lõng tay eo hờ hững. Giờ thì ôm chặt hơn xíu. Vì đường đông người 
hay vì sắp phải về lại Bến Tre....



Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Sáng nắng chiều mưa.





Cuối tuần, hôm qua được cà phê với bạn, vui quá chừng.
Vui ở đây không phải là được đến chơi nơi ồn ào nhộn nhịp, ăn uống sang trọng
gì, mà được ngồi lại chuyện trò với những người bạn thân thương từ xưa cũ cùng
một "gout" với nhau. Nói nôm na theo kiểu người xưa là tri âm tri kỉ. Và có thể
chia sẻ nhiều góc cạnh trong cuộc sống. Nên chỉ uống ngụm trà hoa cúc vẫn thấy
ngọt ngào, đầm ấm.


Kì này có người bạn xa về, dù sứ mệnh được giao phó  chưa cụ thể rõ ràng vì bạn
còn eo hẹp thời gian nhưng mình có vẻ "tài lanh".

Lần thứ nhất, cao hứng hứa hẹn sẵn sàng chạy-một-mạch về Bến Tre, bất chấp bạn
Tuyết đang bận rộn việc nhà cửa và chăm cháu Ngoại 7,8 tháng tuổi.Hí hửng thông
báo cho khổ chủ biết và khổ chủ cũng vui vẻ đón mời. Thế nhưng vài hôm sau, bạn
Kh gọi nói chuyện và cho biết qua phân tích của BThuận thì không nên đến vì làm
phiền bạn. Nghe cũng có lý nên ngọn lửa nhiệt tình tắt ngúm!

Lần thứ hai, đem chuyện ra bàn với mấy bạn thân, "hoạch định" "dự án" đâu ra đó,
chờ nhân vật trung tâm về, gật một cái là tiến hành. Trong lòng nôn nao niềm vui sẽ
có dịp bạn-già-lớp-cũ-nay-còn-mấy được gặp nhau! Trưa mùa Thu Sài Gòn nắng dịu
dàng, ấm áp.  Dzoãn Vân đội nón lá, mặc áo bà ba như  thôn nữ miền Tây ôm cái eo
bà già chạy xe.  Đường đi thì quanh quẹo qua trái qua phải mà hai bà già cứ tíu tít nói
chuyện, tới cổng nhà cũng không thèm biết! Cũng cái tật cao hứng trong khi lòng vui,
nên về nhà là vội vàng email thông báo cho nhân vật chính.... Thế rồi, tối nằm vắt tay
lên trán suy nghĩ sao mình lanh chanh quá vậy! Đôi khi cũng đã có ý kiến làm mình
trăn trở mà không bỏ cái tật!
Hihi...thôi kệ...

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương có nói:

                    Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
                    Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
                    Lợi danh như đám mây chìm nổi
                    Chỉ có tình thương để lại đời...

Vậy cho nên có hay thay đổi suy nghĩ, có nao núng chút xíu, có sáng nắng chiều mưa gì
thì cái tật lanh chanh nó cũng đã thành tật rồi! Cả ngày nay đợi Dzoãn Vân đi họp mặt
với học sinh già NK 1978, mong về để sẻ chia tâm trạng. Biết bạn vừa về và đang bị mắc
mưa... Còn Mai Nguyễn chắc đã về lại Canada rồi nên thấy cái chấm  vàng  nhấp nháy  ở
Calgary! Khanh thì đang khám phá Sapa, thăm đủ các thứ chợ ở vùng cao xinh đẹp ấy!!!

Sài Gòn hôm nay sáng nắng chiều mưa...



Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Một ngày an lạc




Sáng sớm, 6g30 phải vội vàng làm các việc trong nhà rồi chạy qua Chùa dự lễ an vị 
bức tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Sau đó, một số Phật tử ở lại tu một ngày Thọ 
Bát Quan Trai Tịnh khẩu. Lòng muốn ở lại quá! Nhưng lúc nãy dặn con gái 9g Mẹ 
về sẽ skype. Làm sao đây? Chùa không có wifi nên  đâu có nhắn tin viber được! Vậy 
là lại chạy về nhà, ngồi góc cầu thang chat chit với con một hồi, cả hai đều ủng hộ 
Mẹ. Lòng Phật tử này vui phới phới , đến Chùa làm tu-sĩ-một-ngày ( chữ của Thầy 
Trụ Trì ), không biết có đắc đạo nổi không đây! 

Rất nhiều  điều bình thường lắm mà  giờ mới biết hoặc biết rồi mà lãng quên  đi,
giờ bắt đầu làm lại hoặc tiếp tục những việc vẫn làm từ trước đến nay. Người con
của  Phật phải luôn luôn nhẹ nhàng, khoan thai, từ tốn, nhã nhặn...trong từng lời 
nói, việc làm, cử chỉ..Cái sự khoan thai chậm rãi thì thời điểm này mới khả thi đối 
với mình, chứ  trước đây làm sao thực hiện! Chỉ có 24 g trong  ngày, chỉ có 5 tiết 
dạy trong một buổi, làm sao vừa áo dài thướt tha lên lớp, luôn chỉn chu tươm tất 
trước mắt học trò, vừa có thể chợ búa cơm nước, chăm nom chồng ,nuôi dạy con, 
soạn bài, chấm bài v..v...Biết bao việc công, việc tư đang chờ trước mắt. Chỉ có "
tốc độ " mới hoàn thành mọi nhiệm vụ. Giữ  được bình tĩnh vui vẻ, sắp  xếp công 
việc, không cáu gắt hay làm  mất lòng ai là quý rồi, đâu dám mơ chi được như lời 
Phật dạy!



Lạy Phật, con còn có đươc duyên tu nên giờ mới học tập  được tịnh khẩu, tịnh tâm 
an lạc.... Nhớ hồi học12 trên Đà Lạt, ở nữ lưu xá sv Nhị Trưng do quý  Sư Cô  Huệ 
Phước (có tên đời Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh),đệ tử của Sư Bà Chùa  Linh Phong 
 làm quản đốc. ( Mô Phật, chắc tôn xưng là Sư Thầy nhưng vì hồi đó nôm na coi Sư 
Cô như là Mẹ, nên gọi Ngài Trụ trì Chùa Linh-Phong như Bà Ngoại - Sư Bà ).Sư Bà 
cũng có tên đời rất đặc biệt: Huyền Tôn Nữ Phù Dung. Mình rất tôn kính và ngưỡng 
mộ đức độ, tướng mạo của quý Ngài.

Hôm nay, được tu một ngày, nghe Quý Thầy Trụ trì giảng dạy, hiểu được những điều
mới mẽ nhưng cũng có những điều đã ăn sâu vào tâm thức và hành vi của mình từ
cái thuở được quý Sư Cô truyền dạy, đã quen thuộc như hơi thở.

Cuộc đời là những chuyến đi dài mà mỗi chặng dừng chân, được gặp gỡ, được thọ 
giáo, được kết thân bè bạn là một cơ duyên quý báu.

Buổi trưa, sau những vòng quanh kinh hành, bước nhẹ như gió, tay chấp hình búp 
sen thẳng đứng, chân bước hình chữ nhất, ngón cái nối gót chân...Sau 250 lạy...Mọi
người xuống nhà trai Thọ bát. Tập ngồi vào bàn, tập nâng bát tay trái bằng ba ngón
tay, tập bắt ấn tay phải và niệm. Tập gắp thức ăn bằng đũa, ăn bằng muỗng...mọi động
tác đều nhẹ nhàng, khoan thai...và tịnh khẩu.



Xế chiều, nắng bắt đầu nhạt dần, các-vị-tu-sĩ-một-ngày hoàn mãn khóa huân tu an
lạc, hoàn mãn 700 lạy Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Có một điều mình thấy rất dễ 
thương là mọi người già có trẻ có nhưng  nhìn chung đều hồn nhiên, ngoan đạo. 
Lúc sáng, Quý thầy giảng dạy, có khi đặt câu hỏi để thử "bản lĩnh tịnh khẩu" thì 
vẫn có những tiếng trả lời nhao nhao lên.Thầy nhắc tịnh khẩu sao được phép nói? 
Thế là có những tiếng thầm thì " Dạ quên !!!" Còn chiều về, sau khi làm lễ, Thầy 
hỏi về ý nghĩa của danh hiệu "Quán Thế Âm Bồ Tát" và cảm nhận về sự an lạc. Mọi 
người cứ chắp tay im ru! Thầy bảo được khai khẩu  rồi đó, sao không ai nói ?  Mọi 
người bỗng quay qua nhìn nhau tủm tỉm  cười, nụ cười hết sức hồn nhiên!  Bỗng 
dưng mình nghĩ đó chính là an lạc!...






                                                                        Ngày 12/10/2014- 19/9 Giáp Ngọ



Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Hồn xanh một thuở

                                  


"Ganh tỵ nhe, lúc nào Cô cũng nhắc C6, còn thiên vị bạn Công Minh nữa!"

Nghe là biết của học trò ngoài C6 rồi! Cô nghe và thấy vui vì cảm nhận như
học trò mình đang còn nhỏ, như những ngày xưa đi đào kênh ở Mỹ Phong, Cô
hay đến nghỉ giải lao ngồi chơi với C6 và bị mấy em lớp khác...giận :)

Vì vậy câu chuyện được viết tiếp về kỷ niệm.

***

Lớp học đông, hình như hơn bốn mươi em. Bước vào lớp lần đầu, nhìn lớp, bước
chân Cô luýnh quýnh, leo lên cái bục giảng bằng gỗ cứ sợ đôi guốc giẫm phải
ống quần rộng rồi vấp té (dù trước đây trong những lần thực tập đã được Thầy
dặn không được mang guốc cao gót để tránh tình huống gót nhọn mắc kẹt vào
khe hở của bục gỗ, dỡ khóc dỡ cười!) Nhưng mang gót bằng cũng dễ té như chơi!. 
Cho nên nhìn xuống bao nhiêu con người ấy đang im lặng hướng vào mình, Cô 
bỗng dưng "thị nhi bất kiến". Và vì vậy, đã có lúc "thao thao bất tuyệt"! Thời gian 
đầu đụng ngay một loạt bài trong"Bản án chế độ thực dân Pháp" rồi đến "Sống 
chết mặc bay" rồi biện pháp tu từ Ẩn dụ, Hoán dụ...! Trời đất ơi, về nhà thì bò ra 
mà soạn giáo án, tới lớp thì gồng  mình lên để "truyền đạt"! dạy xong một buổi về 
nhà vui buồn, mưa nắng tùy theo  tình hình ở lớp, ở mỗi lớp. C6 thân thương hơn
xíu nhờ cô học trò cán sự Văn nhỏ bé ngồi bàn thứ hai phía cửa ra vào và nhất 
là hai cậu học trò nhỏ nhất lớp ngồi đầu bàn nhất và nhì ngay trước bàn giáo viên.
Đây là hai cậu trò nhỏ học giỏi nhất lớp, năng động nhất lớp, trẻ con nhất lớp
nhưng tính cách lại hoàn toàn khác nhau (cả hai đều có thể đậu vào Bách khoa,
Y Dược nhưng không hiểu sao thích đi theo ngành Toán ĐH Tổng hợp thời đó và
ra trường cũng rẽ về hai hướng khác nhau...). Họ là những người góp phần giúp
Cô vui và tự tin hơn trong mỗi giờ dạy - Tất nhiên là cùng với nhiều nhiều bạn
trong lớp nữa (hihi) - vì thường hỏi bài và đồng tình với những gì Cô giải đáp,giúp
Cô nghĩ rằng mình đã có đồng minh.



Trong một lần giảng bài, bạn CM quay xuống bàn thứ hai, tình cờ Cô thấy vai áo 
bạn ấy sút chỉ một đường dài. Giờ chơi Cô hỏi khi hai cậu trò nhỏ đến bên Cô rằng
sao CM không nhờ Mẹ khâu lại cho. Bạn ấy bối rối chưa kịp trả lời thì QT nói Mẹ
bạn ấy sinh em bé, nên chưa khâu được Cô ơi . Thế là Cô bảo hôm nào đem đến Cô 
khâu cho. CM e ngại nhưng Cô bắt T phải lấy cho được đem Cô khâu giúp. Việc chậm
trễ vài hôm. Cô hỏi T thì được biết mỗi ngày buổi sáng M bận đạp xe đi bán cà rem,
không ghé nhà đưa áo được (hình như nhà M có sản xuất kem rồi bạn phụ giúp gia 
đình). Cuối cùng thì Cô Trò mình đã làm được việc.

Giữa mùa Xuân 1977, có nghĩa là các em sắp thi học kì 2 năm học lớp 11. Thuở ấy,
trường vẫn tham gia các hoạt động xã hội mà cụ thể là đào kênh thủy lợi ở Mỹ phong.
Nhớ lắm cái không khí oi nồng và hơi gió chướng mang vị mặn của biển xâm nhập 
vào nguồn nước uống ở Mỹ Tho mà gần mười năm ở nơi chốn này, đối với Cô đã
trở nên thân thuộc!
Một lần, trong lúc nghỉ giải lao, Cô với mấy bạn ngồi dưới bóng mát bụi chuối ăn mận,
ăn khoai mì luộc. Cô nói nhỏ với Tuấn:
- Hôm nào Cô nhờ em một việc.
-Việc gì vậy Cô?
-Cô muốn may cho Minh cái áo sơ mi đi học. Em làm sao mượn cho Cô cái áo nào vừa
nhất của bạn ấy để Cô đo ni.
Suy nghĩ một lát, Tuấn ngập ngừng:
- Em sợ bạn ấy ngại, không chịu đưa áo đâu Cô ơi!
Cô "bày mưu đặt kế" :
- Em nói đại hôm Tết thấy bạn mặc cái áo màu đẹp, cho Cô mượn coi kiểu và vải gì để
may cho cháu Cô.
Mưu kế này coi cũng hơi vô lý nhưng hai Cô Trò  thấy thích thú và bí mật hành động.

Trong vòng tuần lễ sau, Tuấn đưa chiếc áo kẻ sọc dọc màu vàng trắng của Minh cho Cô
và những ngày cuối tuần về nhà trong mấy tuần lễ sau đó, Cô may xong cái áo cho cậu
học trò nhỏ. Chiếc áo với những đường chỉ may không hề sắc sảo và vải được cắt từ áo
dài trắng bằng xoa Pháp. Áo dài này Cô may từ cuối tháng 3/1975, kiểu tà áo dài và rộng, 
chỉ mặc một lần và xếp cất cho đến lúc ra trường đi dạy thì không bao giờ mặc áo dài màu
trắng. 
Cái "sáng kiến kinh nghiệm" đó đã trở thành kỷ niệm nhớ đời của Cô. Sau này trong những 
phần thưởng tặng học trò, Cô cũng thích chọn những chiếc áo sơ mi đồng phục.


                                                                                              Ảnh minh họa
Trong cả cuộc đời dạy học của mình, lúc nào Cô cũng thương yêu học trò. Tình thương ấy
từ Cô lan tỏa đến cả Thầy và các em. Những ngày nghỉ lễ, Tết có dịp học trò đến chơi nhà,
lúc còn sinh thời, Thầy vui mừng đón tiếp, chuyện trò như không muốn cho về. Hồi còn khó
khăn, Tuấn ghé thăm và luôn động viên, nhắc khéo Thầy Cô đổi tivi đen trắng sang tivi
màu cho khỏi hại mắt và cho các em nhìn hình ảnh sinh động hơn. Học trò và gia đình Cô 
đã có những thân tình như thế đó... Những dịp 20/11, nhà Cô đầy ắp tiếng cười của học trò 
nhiều thế hệ.

***

Nhớ hồi mới ra trường, bạn bè  Cô lo âu tự hỏi nhau về con đường phía trước:
    
                           ...  Có nói chi với học trò không,
                               Lòng tôi xanh như mắt em trong...
                               Hay qua bao nỗi nhiêu khê cũ,
                               Mắt bỗng dưng vương thoáng lạnh lùng!    

Đã qua 38 năm rồi từ ngày đứng trên bục giảng. Đã nói nhiều với học trò nhiều thế hệ
rồi. Đã qua nhiều nỗi nhiêu khê trong cuộc sống. Nhưng hồn tôi vẫn xanh, mắt các em
vẫn trong và những tấm lòng mãi nồng nàn ấm áp. Đó là món quà vô giá mà cuộc sống
đã trao tặng chúng ta. Phải biết đón nhận và gìn giữ nâng niu.


                                                                    ***

P/S : Xin lỗi học trò Cô, nếu nhắc lại những kỷ niệm này có chạm vào tự ái của em.





Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Học trò xưa-kỷ niệm vàng



Cứ nghĩ mình  thuộc loại "bản lĩnh" vững vàng lắm chớ, ai dè cũng "mềm như bún"!
Mấy hôm nay tình cờ học trò xưa tìm gặp, một cuộc-hội-ngộ-không-nhìn-thấy-mặt
nhưng thấy tận tâm hồn nhau, đã làm mình bồi hồi nhớ những ngày đầu đứng trên 
bục giảng của thuở tuổi hai mươi. Những em học trò lần lượt tìm ra Cô làm cho Cô 
chới với trong niềm hạnh phúc...Chịu không nổi, bèn tạm khóa fb vài hôm và tìm chốn
ẩn mình, hồi ức...

Những lớp học đầu đời vẫn còn đó trong tâm trí. Cái tuổi đôi mươi rất háo hức với nghề
dù không biết nghề-dạy-học đầy gian nan thách thức như thế nào trong một hoàn cảnh vô
cùng mới mẽ. Hồi thực tập sư phạm là học sinh cấp 2( đệ nhất cấp) trong thời điểm 1973, 
1974 nhưng ra trường đi dạy là thời điểm 1976 với học sinh cấp 3 (đệ nhị cấp). Năm lớp
11 được phân cho cô giáo mới chập chững vào nghề,11 C1,C2,C3,C6,D1,D3. Vậy mà rất
hăm hở với công việc. Nó như một duyên nghiệp với Cô như hôm qua Thanh hỏi bộ Cô
yêu nghề lắm phải không Cô? Ờ, đúng vậy đó chớ! Phải có một tình yêu mãnh liệt lắm
với nghề nên Cô đã trụ lại ba mươi mấy năm với học trò và bục giảng, từ dạy cấp 3, cao
đẳng cho tới cấp 2. Mà nếu có kiếp sau, Cô cũng muốn được làm nghề dạy học!


Vẫn nhớ không gian lớp 11C6 ở dãy lầu phía tây nam trường Nguyễn Đình Chiểu, trưa 
nắng nóng của mùa hanh khô cuối tháng 11. Đụng ngay bài dạy đầu tiên "Varen và Phan 
Bội Châu", Cô mướt mồ hôi để dạy và Trò cũng mướt mồ hôi để học! Nhưng các em có vẻ
"trưởng thành " và thông minh lắm! Không hề mất trật tự và "bắt nạt" cô giáo mới ra 
trường! Rồi những giờ học cứ thế tiếp nối. Ở tất cả các lớp Cô dạy, các em đều có những 
câu hỏi, những phát-biểu-xây-dựng-bài. Cô cũng đã dần tự tin hơn. Cô cũng hẹn các em 
sẽ trả lời vào hôm sau những gì em hỏi mà Cô chưa nắm chắc. Thế là khoảng cách thầy
trò rút ngắn hơn. Cám ơn học trò đã hiểu Cô từ những ngày ấy...

Vẫn nhớ cậu học trò nhỏ Quang Tuấn giờ ra chơi đến gần trò chuyện với Cô, nhớ nhất 
câu nói "Cậu em nói dạy Văn phải hơn học trò một-cái-đầu".Câu nói như một khuyến cáo 
theo Cô suốt cuộc đời dạy học, nhắc nhở Cô phải luôn  học hỏi để hiểu biết hơn. Và đứa
học trò nhỏ ấy đã có rất nhiều kỷ niệm với Cô. Bạn ấy đã giúp Cô mượn  áo của Công
Minh để Cô đo ni tự cắt may tặng Công Minh chiếc sơ mi trắng vào năm học 12. Sau này
lên Sài Gòn bạn ấy cùng với một học trò cũ NĐC của Cô thế hệ sau, tìm những tàu dừa
giúp Thầy Cô làm cổng trong ngày cưới... Năm 1996, Cô và Mỹ Hằng có dự đám cưới
của bạn ấy...Rồi cuộc sống bận rộn, một lần bạn ghé thăm lúc có một bé gái, đến nay Cô
vẫn chưa gặp lại. Cô cũng gặp Hoa và Thành đến thăm trong dịp Tết hơn hai mươi năm
trước. Cũng một lần tình cờ con trai bạn Quân C3, học trò con nuôi Cô ở Mỹ Tho cùng 
mấy bạn học ở PT Năng Khiếu ghé chơi nhà mấy năm về trước. Cô biết được thế hệ thứ 
hai đã lớn lắm rồi!



Mấy hôm nay, gặp lai Thanh, vui như gặp lại tri kĩ, lại biết được tin của các học trò nhỏ
ngày xưa giờ đã lên chức Ông Bà Nội, Ngoại. Càng xúc động hơn khi học trò còn nhớ tới
Cô và những kỷ-niệm-vàng. Thanh gửi cho Cô trang lưu bút cũ và tấm hình hiếm hoi thời
ấy còn giữ được đã làm Cô ngập tràn hạnh phúc... Những hình ảnh học trò thời thơ trẻ ở
ngôi trường yêu dấu lại hiện về khi Yến Nhi , Hoa Mai, Bích Thủy C3 gửi cho Cô. Tất cả 
như mới hôm qua dù đã gần 40 năm thăng trầm trong cuộc sống và các em giờ đang ở
khắp mọi nơi trên thế giới. Cô vẫn nhớ các em, các lớp mà! Đôi khi nhớ luôn chữ viết. 
Như  Phạm Tường Hội từ A chuyển qua, chữ viết  nghiêng đều nét, nhưng Nguyễn(?) 
văn Nên  thì chữ hơi rối nét dù cùng ở lớp A qua. Còn Kim Long thì chữ viết cao cao 
giống người.....


***

Năm tháng qua đi, cuộc đời con người ta dần ngắn lại. Những trải nghiệm trong cuộc 
sống làm cho chúng ta quý trọng tình cảm đối với nhau biết bao! Và cũng làm cho tâm
hồn chúng ta trở nên bao dung độ lượng. Quên đi những dư vị đắng chát của đời để giữ
được những kỷ-niệm-vàng cũng là cách đem lại cho lòng mình những-chút-an-vui. 

Có phải không, những học trò xưa của Cô.






Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Sinh nhật pha lê







Tối thứ tư, mới đi Chùa về, vội vàng chạy qua nhà Nga-vừa là bạn hàng xóm thân
thương vừa là phụ huynh khoảng mười năm trước- để vừa xin lỗi vừa cám ơn.Cám
ơn vì mấy hôm nay cô bạn người Canada của Ngọc có tours du lịch VN, ở lại nhà.
Nhưng Mẹ thì lõm bõm tiếng tây tiếng u nên bắt Nga phải làm thông dịch rồi làm
" chính tài ", đèo Amanda Giesbrecht quanh thành phố và mỗi ngày đến chỗ tập
trung để bắt đầu tour...



 Vậy mà tối nay còn mời ăn tối nữa! Tốt quá như vậy làm sao trả ơn đây Trời! :)) 
Còn xin lỗi vì dự thời Kinh Dược Sư rồi Kinh Lương Hoàng Sám tới 7g mới mãn, 
còn đứng nghe quý Thầy Trụ Trì" giáo huấn" về "chữ lễ" vì có mấy vị Phật tử tư 
thế nghênh ngang qua lại trước mặt Thầy (đặc biệt hôm nay Thầy cho mang chuông 
mõ xuống cuối chánh điện để Thầy xướng kinh dẫn chúng đồng thời quan sát và kịp 
thời uốn nắn...) 
Nên hẹn về lúc 7g mà hơn 7g30 mới tới, phải xin lỗi thôi, dù đã dặn mọi người cứ 
tiến hành trước còn mình hôm nay ăn chay.
Mọi người vui vẻ, hỉ xả cho cái việc "bán cái" của mình. Đang rộn-ràng-ríu-rít thì
có điện thoại. Số này lúc nãy có thấy lưu nhưng số lạ nên mình không bắt máy. Giờ
thì â lô. Hả, Khanh hả! Khanh về rồi hả? Hihi... Sáng mai bạn sẽ đến chơi và thắp
hương cho Anh Hạ, sẽ đi xe buýt và mình sẽ đến đón.


Sáng thứ năm.
Hình như chưa 8g. Điện thoại reo và mình biết số của Khanh. Đang ăn sáng để Nga
làm tài xế chính chở Amanda ra Chợ Bến Thành tập trung cho tour cooking. Mọi 
người "ai lo việc nấy"! Mình lật đật chạy ra đón Khanh. Vui quá! Ôm một cái rồi
cho mượn cái eo của bà già đi một vòng ra chợ. Khanh mua hoa và trái cây. Về nhà
mới nghe bạn nói có món quà nầy biết là Anh Hạ rất thích! Một bình cắm hoa pha lê
xuất xứ Praha! Trời ơi, bạn đã "bảo vệ" trên bao chặng đường xa để nguyên lành 
không bị trầy xước. Cám ơn bạn hiền.
Gặp nhau ,biết bao là chuyện để nói, để kể...Chuyện xưa, chuyện nay...Chuyện của 
Thầy Cô, bạn bè, con cái... Lan Trần gọi cho Khanh rồi mình gọi cho Dzoãn Vân 
mới biết Vân đang ở Đà Nẵng. Bạn của tui làm việc không mệt mỏi và giọng như 
reo vui khi nghe Khanh về, kể có gặp Ngọc Anh ở ngoài ấy vui lắm.Hẹn ngày thứ 
ba nào đó về SG sẽ gặp Khanh...Mình gọi cho B Thuận mà không được, bạn này
chăm chỉ dạy học nên ít khi liên lạc được, trừ khi bạn ấy chủ đông. Gọi cho Tuyết
Bến Tre, gặp được cả hai vợ chồng. Tuyết vui mừng nói chuyện với Khanh. Ngay
lập tức, mọi người có ý định về BT thăm Tuyết. Bạn ấy đang bận rộn nhưng cũng
rất đồng tình, sẵn sàng tư thế đón bạn bè đến chơi, nhất là lúc này có Khanh, hai 
lần trước họp mặt có Khanh, Tuyết đều không "họp" được!..

Trời mưa.
Mưa lớn kéo dài từ trưa đến khoảng 2g chiều. Nói chuyện về "Sinh nhật tháng mười"
Tháng nào Mai Nguyễn cũng mở đầu lời chúc sinh nhật các bạn. Kỳ này sinh nhật
bạn ấy và Khanh nên phải có ai đó làm  thay mới được! (Sáng nay ngủ dậy đã đọc
thấy Nhung, Bông và Lê Lan trong group líu lo chúc mừng hai bạn, thiệt là...đồng
thanh tương ứng... cần ai nhắc, tự trong lòng đã thuộc rồi ha!)

Mưa tạnh.
Hai bà già ngồi nói chuyện hoài không biết mệt. Rủ Khanh đi ăn cơm sườn để nhớ
hương vị sườn nướng. Lại cho mượn cái eo bà già tiếp tục chen chúc trên đường
phố Sài Gòn. Lần này thì Khanh ôm chặt hơn vì đường đông người và sau cơn mưa
mọi người chạy xe hơi vội vã xíu!
Hỏi Khanh muốn đi đâu nữa không nhưng bạn bảo phải về (giống như hồi nhỏ đi
với ai đó, nói phải về kẻo Mẹ la. Hihi). Cũng có cớ để bắt ngồi lâu hơn chút nữa sau 
xe khi mình đi vòng vòng tìm bến buýt. Rồi cũng tìm ra, rồi bạn cũng lật đật leo
lên xe buýt, rồi mình cũng đã dặn bạn cẩn thận ôm cái túi xách. Và minh đi trước
nhưng cũng nép bên lề chờ cho xe buýt đi lên...



Chiều về mới thấy "phê" thiệt. Mình mà phê vậy chắc Khanh mệt hơn vì mới về VN
có lệch múi giờ. Phải trưa nay hai đứa nằm dài ngã lưng nói chuyện cho đã he!
Coi như mừng sinh nhật Khanh, hai đứa mình có kỷ niệm. Cái thứ kỷ niệm nhẹ
nhàng mà sâu đậm, trong suốt như pha lê đó.

Mai Nguyễn ơi, mong cũng có dịp gặp nhau, cũng được bạn ôm eo như vậy dù người 
ngồi sau xe không nhẹ như Khanh. :)