Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Cổ hủ và ham hố.




Qua Rằm tháng Giêng rồi, Tết đã trôi qua hơn nửa tháng mới có thể ngồi thong
thả một chút để nghỉ ngơi và...suy nghiệm...về mình!
Có thể dùng một cụm từ để mà chỉ đích danh về con-người-của-mình: cổ hủ và
ham hố! :) Luôn giữ những tục lệ của người xưa và nếp cũ của gia đình rồi cái gì
cũng ham làm. Chưa làm xong hoặc thực hiện không đầy đủ thì đâm ra day dứt,
băn khoăn, ân hận.

Cái sự cổ hủ thì đã rõ trong cung cách và sự thể hiện nghi thức cúng kiến. Nhưng
có những cái cổ hủ khác nữa mà chính mình làm mệt mình và làm mệt cho những
người chung quanh. Nhớ có lần cô con út cũng tất bật theo Mẹ chợ búa trong những
ngày cận Tết, miếng xơ rữa chén cũng phải mua cho mới! Thấy vẫn còn tốt nên định
lơ luôn. Nhưng rồi chiều ba mươi Tết hai mẹ con cũng quanh chợ tìm mua cho được!
(kì cục là mua cho có để bên cạnh cái cũ và vẫn xài cái cũ! ) Ngoài ra, cây chổi quét
nhà, miếng thảm chà chân cũng phải thay mới . Nhất là màn cửa thì phải tháo ra giặt
sạch tư đầu tháng Chạp...Vậy cho nên con đã thỏ thẻ bên tai Mẹ rằng thời bây giờ có
hai xu hướng trong cách sinh hoạt gia đình mỗi khi Xuân về Tết đến là gia đình truyền
thống và gia đình hiện đại. Gia đình truyền thống là như cách của Mẹ và gia đình hiện
đại  Tết chính là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi, du lịch...Con thấy Mẹ cực, bận rộn quá!
Có lẽ vì  hiểu sự bận rộn của  Mẹ trong  những ngày ấy như thế nào, nhất là lúc giao
thừa, nên khi đi học xa nhà mỗi lúc Tết là các con gọi cho Mẹ trước và sau khi Mẹ
đã cúng giao thừa xong đâu đấy...


                                       ( Chè hạt sen cúng Nguyên Tiêu)
Có một sự cổ hủ nữa vừa mới đây mà mình mong là bạn thân hiểu để cảm thông cho.
Hôm nay ngày 17/ Giêng /Giáp Ngọ, có lẽ sắp đầy tháng cháu ngoại An Nhiên của
hai bạn Tuyết Bình. Nhớ hôm nhận được tin mừng, mình vội vàng tới Từ Dũ. Nhưng
không phải để thăm cháu mà (thật đáng trách!) để gửi quà cho cháu! Buồn cười là
gọi điện cho Tuyết thì cháu bắt máy vì Tuyết đang làm thủ tục để bế bé lên phòng, thế
là đợi một lát mình nhắn tin cho Tuyết dặn chút nữa xuống gặp mình ở vị tri đó và hai
đứa làm như không biết nhau, không chào hỏi chi hết, chỉ nhận món quà chuyển đến
cháu thôi! Trời ơi, đó là xuất phát từ sự cổ hủ, kiêng cử do mình ràng buộc đó mà!
Nhưng khi Tuyết xuống không tìm ra mình trong lúc trời chập choạng tối. Gọi cho mình.
Và rồi bắt mình ngồi xuống nói vài câu đã. Mình vừa nói mà vừa lo, sợ lát bé có khóc
đêm, khó ở thì thiệt là...May lúc đó có hai em học trò cũ tìm Tuyết thăm. Thế là mình
"bán cái"! Lâu nay cứ áy náy gì đâu...Cầu Trời cháu cutý An Nhiên ngoan ăn, chóng lớn.


Về mặt ham hố của mình thì cũng đã rõ! Làm gì cũng muốn cho thiệt nhiều. Thắp nhang
cầu nguyện cũng khấn lâu hơn người khác. Cùng quỳ xuống mà mọi người đã qua tới
bên mấy chỗ kia rồi, mình vẫn còn y như cũ! Nhớ hồi trước đi chùa Bình Dương cùng
mấy người bạn với Cô Em Chồng, lúc nào cũng dặn gặp nhau ở chỗ đậu xe chứ không
cùng đi một lượt vào lễ các chùa. Vì họ đã qua ba chùa trên rồi mà mình vẫn chưa ra
khỏi Chùa Bà! Cho nên từ nhiều năm sau này mình "độc lập tác chiến" thành ra rất ung
dung. Cái sự ham hố nguyện cầu đó cũng từng "được" Tú và Tuyết con  "ngán" vì đứng
canh cửa cho Mẹ thắp nhang hơi-bị-lâu!

Thành  thật kiểm điểm cái  tật ham hố tiếp theo là ham đi chùa! Trước Tết, trước  giao
thừa rồi trưa mùng một (Chùa Bà Chùa Ông bên Nguyễn Trãi, Phật Quang, Từ Nghiêm,
Ấn Quang, Bắc Sơn ). Ngày mùng hai theo đoàn  hành hương ( Chùa Huê Nghiêm, Hội
Sơn, Bửu Thiền, Huê Lâm 2 Đại Tòng Lâm, Ni  viện Thiện  Hòa, Thiền  Viện Thường
Chiếu, Thiền Viện Linh Chiếu, Chùa Viên Dung, Ấn Quang). Thế  nhưng  lòng vẫn cảm
thấy thiếu thiếu khi chưa đến lễ các chùa vẫn đến hằng năm. Cho nên mùng năm Tết vẫn
còn đủng đỉnh một vòng từ Việt Nam Quốc Tự, Xá Lợi, Đại Giác,Vĩnh Nghiêm, Kỳ Viên
 Linh Chưởng, Trấn Quốc đến Hưng Long.
Ngày 12 tháng Giêng leo ba chuyến  xe buýt  về Bình Dương lễ  mấy Chùa.


                                         ( Một góc chùa Bà ở  Bình Dương )
Và rằm tháng Giêng lại một vòng lễ các chùa quen, được ăn cơm tại Chùa. Cũng ngày này
đã có một sự kiện quan trọng làm cho đêm Nguyên Tiêu cứ lên sân thượng"ngó" trăng hoài,
không ngủ được: Quy y Tam quy Ngũ giới! Thật ra mình đã quy y từ thời sinh viên 1972 tại
chùa  Xá Lợi nhưng  năm  tháng trôi qua với những bộn bề lo toan cuộc sống. Tam quy ngũ
giới thì đã nằm lòng và vẫn cố gắng thực hiện từ trước đến nay trong cuộc sống đó chớ ;-)
nhưng pháp danh là gì thì không nhớ rõ được nên đôi khi cảm thấy có gì không ổn !Và thế
là hỏi ý kiến Thầy Trụ Trì và được quy y lại. Nghe  qua thì có gì đó hơi kì kì nhưng thực tế
là vậy, mình muốn "ổn". Có thể đó cũng là một sự ham hố chăng? Nhưng chắc ham tu thì
Đức Phật cũng bao dung hỉ xả thôi mà.

Tóm lại, ngồi kiểm điểm bản thân sau kì nghỉ Tết, tự thấy mình có những tồn tại như thế
đó. Phải cố gắng thay đổi làm sao đây cho phù hợp với nhịp sống chung quanh?...




Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Hương Thiền trong gió.



Mấy ngày Tết đã qua đi nhanh chóng. Những bận rộn tíu tit cũng đã trở thành quá
khứ ;)). Mùng 8 Tết rồi, mọi sinh hoạt phố xá đã ồn ào, bình thường trở lại. Các con
gọi về nhắc Mẹ giữ sức khỏe, tâm an. Tuyết con về  lại  trường tiếp tục công việc.
Không gian nhà yên tịnh. Chim hót ngoài balcon. Một thoáng nhớ ngày tháng này
năm cũ. Bâng khuâng...

Giờ  mới có thể đọc quyển giới thiệu về Phật Hoàng Trần Nhân Tông của Thiền
Viện Thường Chiếu, mình thỉnh về từ hôm mùng 2 mà chưa xem một chữ. Nay
đọc thật thú vị.

"...Ngài tên Trần Khâm, con vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng Thái
Hậu. Khi lớn lên, vua cha cho Ngài theo học Thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Một
hôm Ngài hỏi Thượng Sĩ về" Bổn phận tông chỉ thiền"Thượng Sĩ đáp " Phản quan tự
kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc"( Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, không từ
bên ngoài mà được )...Dù xuất thân trong bậc đế vương nhưng cốt cách của Ngài là
bậc xuất thế. Từ nhỏ miệng không thích thịt cá, thân không thích lụa là gấm vóc, tâm
không  đắm luyến thú vui thế gian, lớn lên xem cung vàng điện ngọc như đôi dép rách
cho nên ngài đã trốn lên Yên Tử nhưng không thành, đành phải miễn cưỡng lên ngôi
vua. Tại vị 13 năm, 6 năm ở ngôi Thái thượng Hoàng, sau đó mới thực hiện được hoài
bão xuất trần làm sơn tăng đầu núi và trở thành Đệ nhất Sơ tổ Trúc Lâm Yên Tử, khai
sáng ra dòng Thiền nước Việt..."


      ( Đây là tượng Phật Hoàng được tạc bằng khối ngọc bích nhập về từ Canada.
            Hình chụp tại Thiền viện Thường Chiếu-Long Thành-Đồng Nai)
         
 Vị Sơ  tổ Trúc Lâm Yên Tử  là một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn.  Mình chỉ  biết
tôn sùng và ngưỡng vọng chứ có hiểu biết bao nhiêu về Thiền đâu! Cũng có nhiều khi
"phản quan tự kỉ" nhưng vẫn  thấy hà-rầm vọng tưởng sân si còn  đọng  trong  người!
Mà  một khi phản quan ( Trời ạ, chữ "quan" là động từ chứ  không phải  phản quang
trên bảng số xe nhe mấy huynh! Đã có người cắc cớ hỏi theo kiểu từ đồng âm đó-chắc
để trêu ghẹo nhau chơi thôi chứ ai mà không biết ha! ) thì dứt bặt vọng tưởng, mặt trời
trí tuệ tự chiếu soi. Chưa phản quan thì  chưa nhận   ra  được bản  tâm  chân  thật, mà
chưa  nhận ra  được bản tâm chân  thật thì chưa an vui  tự  tại...Trời ơi, mới hiểu  được
tí chút thôi  chứ chưa phản quan, quán chiếu được gì...Cứ chạy lon ton suốt  ngày như
thế này thì làm sao tịnh yên mà soi rọi!


Cũng như bài này viết từ lúc trưa, nắng trong veo bên hiên nhà...nhưng đã  tạm dừng lại
để đi làm việc khác, chiều tối mới về. Giờ đêm khuya, cũng yên tịnh nhưng khác với buổi
trưa. Sân thượng có hương hoa nguyệt quế, có hương hoa mai nở muộn ( như kiểu"đêm
qua sân trước nở nhành mai" :) ) và có một tâm hồn tạm thời thấy nhẹ nhàng, vô ưu trong
khoảnh khắc này. Có gió nữa, gió Xuân xao động lá cây mang cảm giác se se dễ chịu.
Sao thế này? Có thoáng chút hương Thiền trong gió qua đây?...

                 
                          ( Hình chụp tại Chùa Vĩnh Nghiêm -mùng 5 Tết )


Cúng mùng ba Tết.




Rộn ràng chuẩn bị đón Xuân, mừng Tết. Rồi ba ngày Tết cũng qua .
Sáng mùng ba lại đi chợ sớm, làm mâm cơm đơn giản cúng tiễn Ông Bà.
Cái nếp sinh hoạt truyền thống nó đã ăn sâu trong con người mình từ xa
xưa, cái thuở còn nhỏ, lon ton theo Mẹ đi chợ, rồi cũng lúi húi theo Cha
và các Anh sắp xếp , lau dọn bàn thờ Tổ tiên mỗi lúc húy kỵ hay lúc Xuân
về Tết đến. Vì vậy, từ các nghi thức học được ở Cha, việc bếp núc , nấu
nướng thì thừa hưởng nơi Mẹ nên khi lập gia đình, mình "ôm show", lấn sân
luôn phần Ông Xã! Và cứ thế, bao nhiêu năm nay tự biên tự diễn luôn. May
mà bên-Nội-của-các-con cũng giữ theo nếp Huế nên mình cứ thế mà "phát
huy" chứ theo một khuynh hướng nào khác thì mình cũng trở thành vụng về
thôi!.Cám ơn Bà-Nội-cốt-cách-rất-Huế, là Thần tượng suốt cả đời Ba Hạ,
nên Con về làm dâu, gia đình Chồng cũng rất-cùng-giai-điệu-Huế:-))

Nhà ít người nên chỉ cúng theo đúng lễ, các món đơn giản thôi, không dám
làm nhiều. Kính dâng lên Trời Đất, Ông Bà tấm lòng thành kính và cầu xin
phò hộ cho một năm mới bình yên, no đủ, mạnh khỏe...

Mâm cơm cúng Ông Bà

                                                        Mâm cơm giữa nhà Cúng Đất đai đầu năm.                                            
                                                         


             Bàn Thiên ngoài Trời. ( phia thấp hơn treo chậu hoa Son Môi của Dzoãn Vân tặng )


                                                    Mâm cơm cúng ngoài Trời.

Mình vẫn theo nếp cũ "Xưa bày nay làm". Đôi khi thấy mình cổ hủ quá! Nhưng thôi
kệ, quen rồi. Vậy nên khi nào chưa làm xong việc gì là thấy lòng áy náy ,không yên.




Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Hành hương thập tự đầu Xuân



Thức dậy từ sớm lo bữa cơm đơn giản cúng Ông Bà và Ba Hạ . Hôm nay sẽ
hành hương mười chùa theo đoàn Chùa Ấn Quang. Có mặt từ 5g sáng. Đi qua
chùa Huê Nghiêm Quận 2 cho tới Bà Rịa-Vũng Tàu rồi quay về.
























Về đến Chùa Ấn Quang lúc 4g30. Vào Chánh điện lễ Phật và nghe Hòa Thượng huấn từ,
chúc Tết mọi người mới ra về.    Mùng hai Tết  Giáp Ngọ.