Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Làng quê xanh bóng tre




(Tiếp " Người đi bộ trên đường làng ")



III/ VỀ LẠI LÀNG XƯA

Sau  nhiều năm xa làng, giữa khi công việc làm ăn không được thuận lợi, tôi về
thăm  lại làng và cảm  thấy vững  niềm tin. Bước chân qua khỏi cầu bến đò, tôi
vừa qua ranh giới xã Vinh Hưng và Vinh Mỹ, đặt chân lên vùng đất thiêng liêng
của quê mình. Làng Mỹ Lợi thân yêu!

Ngôi nhà xưa nơi anh em  tôi lớn lên trong tình  thương yêu của Cha Mẹ và bà
con còn đó. Đứa cháu gái thay các Chú, các Cô đi xa làm  ăn để giữ cho ngôi
nhà vẫn được khang trang. Mảnh vườn xưa  với những gốc dừa, gốc cau, gốc
gốc cam, gốc quýt...mà Cha Con chúng tôi đã từng gắn bó như chứng tích của
một đời người, như âm thầm nhắc nhở bao nhiêu thăng trầm buồn vui của cuộc
sống.

Những cuộc thăm viếng bà con, họ hàng, những lần  dự chạp mộ, cúng Chùa...
Cả những lần đưa ma, giỗ kỵ...đều để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc, khó
phai. Đi qua những phố  phường náo nhiệt, đi qua  những vùng quê mướt  xanh
trù phú hay xơ xác điêu tàn trên quốc lộ 1 A từ thành phố Hồ Chí Minh ra Huế
rồi qua Phá Cầu Hai bằng chiếc tàu đò cũ kỹ thân thương, tôi thấy quê mình vẫn
đẹp... Có trải qua một mùa bão lụt, có nhìn mặt nước mênh mông che khuất bãi
bờ, có nằm trong căn nhà xưa  cũ nghe ngoài kia gió thét gào  làm gãy gục cành
cây, tôi mới thấy sức sống của quê  hương mình, của dân   làng minh là tuyệt vời
và đáng khâm phục.


Tôi đã đi bộ quanh làng. Dự ngày hiến chương nhà giáo, tôi được gặp lại vị thầy
tiểu học dạy tôi hơn 30 năm trước, mái tóc bạc phơ của thầy như một vầng mây
trắng. Tôi nương theo vầng mây ấy để tâm hồn bay bổng trên  những mảnh vườn
xanh của  làng, để thấy thấm thía ý  nghĩa của trí tuệ, của văn hóa, của khoa học
kỹ thuật giúp cho đời sống vươn lên. Tôi  đi bộ quanh làng, qua từng bờ khe soi
bóng tre xanh, qua những rừng dương trên cát trắng, qua những vồng khoai non
tươi mơn mởn mà các em thiếu  niên tinh  nghich cười đùa với  nhau khi   trên vai
còn nặng  đôi thùng  nước tưới, tôi  nhận ra sức sống tiềm tàng mà mạnh mẽ của
tương lai.

Qua các đường làng, tôi nghe văng vẳng những bản nhac từ những chiếc cassette
chạy pin hay accu, thỉnh  thoảng  nghe được giọng  ngâm thơ quen thuộc của một
nghệ sĩ Sài Gòn, tôi thấy lòng ấm lại. Ngày Tết, tôi tận  hưởng một cái Tết ở làng
đầy đủ hương vị xa xưa. Tôi được dự lễ cúng đầu năm ở Họ, ở Làng, ở Chùa và
thăm viếng bà con láng giềng... Tất cả đều ánh  lên nét đẹp của văn hóa làng quê
Việt Nam. Biết loại bỏ những tục lệ rườm rà, biết  kế thừa  những vốn quý, làng
quê  mãi  mãi  là một vùng văn hóa  nhân  lên sức mạnh cho dân Việt  Nam vững
vàng đi vào thế kỷ 21.


Tôi có nằm mơ chăng? Không đâu! Có giấc mơ nào dễ thương cho bằng giấc mơ
mong quê  hương mình giàu mạnh, cho dân  làng mình hạnh phúc ấm no? Có hiện
thực nào mà không bắt đầu từ mơ ước? Có con chim nào bay lên mà không xuất
phát từ một cành cây hay bụi cỏ...? Cho nên đi bộ trên đường làng, tôi như  nghe
được hơi thở  đất truyền lại từ xa xưa, cho đến bây giờ, và cả tương lai.
Làng quê Việt Nam mãi mãi vẫn là niềm vui và nỗi nhớ cho những người con xa xứ
như tôi...

                                  Làng quê xanh bóng tre
                                  Cuộc đời còn nỗi nhớ
                                  Mỹ Lợi một miền quê
                                  Tương lai ta chờ đó.
               
                                                                            28 -7-1992  ( 29/6 Nhâm Thân )

                                                                                       PHAN NGỘ

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Làng quê một thuở...

( Tiếp " Người đi bộ trên đường làng" )




                     II/ MỸ LỢI QUÊ LÀNH

                 Cháu con ngưỡng vọng nhìn lên
                 Tri ân tám Vị Khai Canh
                 Tri ân sáu Vị Khai khẩn
                 Tri ân sự hy sinh dũng cảm của bao người
                 Cho quê lành Mỹ Lợi mãi còn xanh
                 Cháu con ngưỡng mộ - Ghi khắc thâm tình...

Dân làng Mỹ Lợi, từ ngày thành lập đến nay, đã không ngừng đóng góp dựng xây
cả  tinh thần lẫn vật chất để Mỹ Lợi xứng đáng là  vùng quê truyền thống của Việt
Nam.

-Về Văn hóa xã hội, đã có một vị họ Huỳnh thi đậu Tiến sĩ triều Tự Đức năm Tân
Dậu (1861 ) và làm Công bộ Thượng Thư. Con cháu của vị này có người đậu Cử
nhân, làm Ngự y  ( Thầy thuốc cho Vua ) và một người con gái  họ Huỳnh đã làm
Hoàng Hậu ( Từ Cung Thái Hậu ). Họ Phan cũng đã có hai người đậu Tú tài và có
một người làm Ngự y triều Nguyễn... Các dòng họ Đoàn, Trần, Nguyễn, Lê...cũng
không hiếm nhân tài. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân làng
đã đóng góp công sức rất nhiều cho đất nước. Những người không đi tập kết, hay
không vào chiến khu, chỉ ở lại làng hay đến các tỉnh thành làm ăn, học tập, vẫn liên
tục góp sức cho làng...

                                             
                                                        Đình làng Mỹ Lợi

-Về kinh tế, trong dân gian đã có câu:
              Dừa Mỹ Á, cá Mỹ Am, quýt cam Mỹ Lợi
             Quýt ngọt Hương Cần, cam đường Mỹ Lợi...
để ca ngợi các thứ đặc sản của ML cùng với các làng lân cận ( Mỹ Á, Mỹ Am )
hoặc với các vùng quanh Huế ( Hương Cần, Nam Phổ...). Cau Mỹ Lợi có giá trị
không  thua gì cau Nam Phổ. Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, ở Mỹ Lợi đã
có một bà buôn cau chuyên chở bằng tàu lửa ra Hà Nội, rất nổi tiếng ( *). Doanh
nghiệp ngành cau tươi, cau khô này đã lừng lẫy một thời, đã thu hút một lực lượng
lao động đáng kể, đã  giải quyết  công ăn việc làm cho dân  trong làng và các làng
lân cận.

 Hiện nay, cuộc sống tuy chưa được khởi sắc lắm  và đa số dân làng đi làm ăn sinh
sống xa quê. Nhưng những người đang  gắn bó với làng vẫn không ngừng tìm cách
cải thiện phương pháp canh tác, áp dụng kỹ thuật  mới vào canh tác, nuôi  trồng và
đánh bắt thủy sản. Điều đáng quý  là  lực lượng trẻ tham gia vào công việc này đều
thành công, đạt hiệu quả cao...Ngoài ra, ở ngoài  khơi và bờ biển duyên hải Mỹ lợi
cũng có nhiều  tiềm năng  khoáng sản...
Rõ ràng, Phú Lộc nói chung và Mỹ Lợi hứa hẹn nhiều cơ hội làm ăn để tạo nên một
vùng nông thôn mới trù phú. Những khó khăn, hạn chế về trình độ quản lý, về vốn
đầu tư...chắc chắn sẽ được khắc phục, tháo gỡ dần để thu  hút sức người, sức của
trong và ngoài nước ...



Dù  cho cuộc đời không suông sẻ như mưa bão triền miên mỗi năm lại vẫn cứ đày
đọa miền biển Việt Nam, làm cho cây lá xác xơ, cửa nhà gãy đổ:
                  Bão rồi ngành ngọn xơ rơ
                  Con chim không nơi đậu dật dờ thảm thương...
Con  người Mỹ Lợi  lại mạnh mẽ vượt qua những nỗi đau đớn, đỗ nát đó để cần cù
xây  dựng, kiên trì vun trồng cho khu vườn còn mãi giữ được màu xanh.

                                                                           (Còn tiếp)
                                                                               Phan Ngộ

                                             * * *
    ( *) Những năm 1930, bà nghiệp chủ Lư Thị Phương ở Mỹ Lợi đã bao thuê nhiều
toa tầu hỏa chở cau Mỹ Lợi ra cung cấp cho chợ Đồng Xuân Hà Nội. Sau 1954, bà
Cẩm Lợi, vợ của nhà văn Nhất Linh-một bạn hàng cau,  từ Sài Gòn ra Huế, về thăm
vườn cau  Mỹ Lợi và thắp hương trên mộ bà Lư Thị Phương.




Người đi bộ trên đường làng



                                                              Vài  năm đầu của thập niên chín mươi thế  kỉ
                                                               trước, Anh Phan Ngộ đã  về sống trong căn
                                                               nhà cũ ắp đầy kỷ niệm ấu thơ ở Mỹ Lơi. Đây
                                                               cũng là khoảng thời gian Anh được thảnh thơi
       

 
                                                               tìm hiểu về lịch sử Làng mình. Bài viết này thể
                                                               hiện tình quê chan chứa và  niềm tin vào sự đi
                                                               lên của  quê nhà. Rất nhiều  mơ ước ấy đã trở
                                                               thành hiện thực như:  sự phát triển về hệ thống
                                                               giao thông với những chiếc cầu lớn và các trục
                                                               đường bộ từ Huế ngang qua Mỹ Lợi,  cửa Tư
                                                               Hiền đến Mũi Chân Mây...
                                                               Bài viết này do Vũ Thị Xuân Bích (Bà quả phụ
                                                               cố dược sĩ Phan Ngộ) chọn và  in trong tuyển
                                                               tập thơ văn nhân buổi tưởng niệm 14 năm ngày
                                                               Anh mất do Hội Đồng Hương Mỹ Lợi tổ chức
                                                               22/4/2011.

                                                               Phan thị Như Mai ghi lại.


I/  TÌM LẠI DẤU XƯA.

Làng được thành lập gần 400 năm. Khi cuộc Nam tiến đời Lê phát triển, từng đoàn
người vào Nam lập nghiệp. Có một bộ phận dân cư không đi   trên đường cái quan
vượt qua đèo Hải Vân mà vượt sông về phía biển.

Phổ hệ của làng lưu lại nói rõ sự tích này : Tám người đàn ông không chịu nổi sự hà
khắc, sách nhiễu của bọn quan lại trên đường Nam tiến, đã đồng lòng vượt sông tìm
về phía biển.

Từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân, lữ khách nhìn về phía biển Đông sẽ thấy điệp trùng
những bãi cát được phân chia bằng các cửa biển : Cửa Tùng, Cửa Việt, Cửa  Thuận
An, Cửa Tư Hiền (hay Tư Dung),và người xưa đã gọi những bãi cát ấy là Đại Trường
Sa  và Tiểu Trường  Sa ( Sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An  và Việt Sử  Xứ
Đàng Trong của Phan Khoang ).



                                                                   Cửa Tư Hiền

Tám người đàn ông dũng cảm đã quen nghề sông nước từ quê làng Lương Niệm, huyện
Tống Sơn,  tỉnh Thanh Hóa đã bơi qua Phá Cầu Hai và dừng bước tại một vùng đất cao
ráo. Họ gọi đó là  Khe Long. Từ chỗ đất  lành  này, tám người  đàn ông, mạo hiểm can
trường, chịu đựng gian khổ và đầy mưu lược đã vươn lên trên vùng đất mới như tám con
rồng  oai dũng. Dưới bầu trời xanh  ngắt của  vùng duyên hải, giữa không  khí trong lành
của  vùng cây cỏ thênh thang, họ vẫy vùng chẳng khác gì những con rồng ở hào 5 của quẻ
KIỀN trong Kinh dịch " Phi long tại Thiên ". Có lẽ đó là thâm ý mà tám vị tiền bối ấy muốn
gửi lại đời sau cho con cháu trong làng, bởi vì con số 8 là tượng quẻ KHÔN. Họ đã sống
giữa KIỀN KHÔN ( Trời Đất ), nên họ phải xây dựng cuộc sống ấm no, tạo lập gia đình,
lưu truyền nòi giống để hưởng phúc lộc của Đất Trời...Tám người đàn ông ấy đã dựng một
dãy lều 10 gian bằng lá : 8 gian cho 8 người và hai gian làm nhà bếp, nhà kho. Mồ hôi của
họ đã đổ xuống và xóm làng đã lên xanh.

Tám người đàn ông ấy là tám vị Khai Canh của làng Mỹ Lợi (khu 3), huyện Phú Lộc, tỉnh
Thừa Thiên-Huế:
                Lê, Trương, Nguyễn, Nguyễn
                Sào, Đỗ, Đoàn, Trần
Về sau có sáu Vị khác được dân làng tôn làm Khai Khẩn.



Những bước chân  của tám vị Khai Canh  đã dấy  lên trong tâm  tư của dân làng biết bao
niềm tri  ân sâu sắc. Nhiều đời đã qua, thế hệ này nằm xuống, thế   hệ khác đứng lên  xây
dựng cho làng ấm no, hạnh phúc. Triều nhà Nguyễn, thời chống Pháp, chống Mỹ và hôm
nay, trong hòa bình, dân làng tiếp tục công việc của Ông Cha. Thành công và thất bại, bất
công và  công lý, khổ đau và  hạnh phúc, thời nào và ở đâu cũng  có. Nhưng niềm  tin vào
cuộc sống hạnh phúc ấm no của dân làng luôn luôn tỏa sáng.
Một người con dân của làng về thăm quê sau nhiều năm xa, đã chân thành ghi lại khi đứng
trước cổng đình làng:
                       ... Từ một ngày xa xưa
                       Có tám người đàn ông
                       Dựng lều vui sống ở Khe Long
                       Mồ hôi tưới xuống
                       Cải tạo đất hoang thành ruộng đồng
                       ...Tám người dựng mười gian lá
                       Tổ tiên quê mình tuyệt vời quá
                       Đã tìm đường dựng được Đất Thiêng!
                     
                                                                 ( Còn tiếp )

                                                       Phan Ngộ (1942 - 1997)

                                                           

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Dưới tán lá phượng xanh




Tôi xa trường đã bao năm
Đi qua nhiều miền đất nước.
Trở lại thăm trường,
Tán lá phượng vẫn màu xanh.



Những năm tuổi trẻ
Học trường Trung học Bán công
Nắng mai trải vàng sân cát.
Tán lá phượng xanh đẹp đến nao lòng...
Tiếng giảng bài vang trong lớp học
Bên ngoài chim sẻ vẫn chuyền bay
Ánh mắt bạn bè thầm trao gởi những gì đây,
Sao bỗng thấy lòng mình ngây ngất thế!


Những sớm đầu hè cây phượng trổ bông
Bao nhiêu kỷ niệm vấn vương bên lòng
Tán lá phượng xanh như bao niềm tâm sự
Cho tuổi học trò ấp ủ mãi những buồn vui.



Tôi trở lại thăm làng
Sau những năm dài xa cách
Tôi ghé lại thăm trường
Nhìn hai cây phượng già vẫn những tán lá màu xanh
Mắt mình phút bỗng long lanh
Hạt lệ xúc động ấm tình ấu thơ
Còn đây hình ảnh ngày xưa
Những tán lá phượng như chưa phai màu
Còn đây giấc mộng ban đầu
Dưới tán lá phượng xanh câu hẹn hò
Còn đây ngày tháng tuổi thơ
Bán công Vinh Lộc như chờ đợi ai...

                         Mỹ Lợi, hè 1990
                                 Phan Ngộ

Tình tự quê hương



Mỗi người đều có một nơi chốn để nhung nhớ và tự hào những lúc đi xa .
Tôi  cũng vậy. Quê hương tôi  là môt làng  nhỏ nằm khiêm  nhường  ven bờ
biển của dải  đất miền Trung, ngoại ô Thành phố Huế. Chúng tôi đã lớn  lên
từ Mỹ Lợi quê nghèo mà giàu ý chí và truyền thống. Tiếng  hát của rừng phi
lao êm đềm ru tuổi thơ chúng tôi những buổi trưa hè đã nuôi dưỡng tâm hồn
dạt dào tình cảm. Và cái nóng nung người  trên trảng cát mùa hè hay bão lụt
mùa  đông  khắc nghiệt...đã  hun đúc nghị  lực cho con người Mỹ Lợi chúng
tôi luôn biết vươn lên và đi tới.



Xa quê đã lâu, bạn học thời tuổi  nhỏ mỗi  người một hướng. Có đôi khi giữa
cuộc sống bề bộn lo toan, thoáng một vài hình  ảnh bất chợt  gặp trên đường
cũng gợi nhớ quê nhà và kỷ niệm ấu thơ...

Thật vui khi có dịp họp mặt những người bạn đã một thời hồn nhiên cắp sách
dưới mái trường làng xưa. Được góp mặt với Anh Chị Em Hội Cựu học sinh
Mỹ Lợi trong tập san là niềm hạnh phúc lớn. Xin  ghi chép lại  một số bài viết
của anh Phan Ngộ về quê hương của chúng minh..