Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Làng quê xanh bóng tre




(Tiếp " Người đi bộ trên đường làng ")



III/ VỀ LẠI LÀNG XƯA

Sau  nhiều năm xa làng, giữa khi công việc làm ăn không được thuận lợi, tôi về
thăm  lại làng và cảm  thấy vững  niềm tin. Bước chân qua khỏi cầu bến đò, tôi
vừa qua ranh giới xã Vinh Hưng và Vinh Mỹ, đặt chân lên vùng đất thiêng liêng
của quê mình. Làng Mỹ Lợi thân yêu!

Ngôi nhà xưa nơi anh em  tôi lớn lên trong tình  thương yêu của Cha Mẹ và bà
con còn đó. Đứa cháu gái thay các Chú, các Cô đi xa làm  ăn để giữ cho ngôi
nhà vẫn được khang trang. Mảnh vườn xưa  với những gốc dừa, gốc cau, gốc
gốc cam, gốc quýt...mà Cha Con chúng tôi đã từng gắn bó như chứng tích của
một đời người, như âm thầm nhắc nhở bao nhiêu thăng trầm buồn vui của cuộc
sống.

Những cuộc thăm viếng bà con, họ hàng, những lần  dự chạp mộ, cúng Chùa...
Cả những lần đưa ma, giỗ kỵ...đều để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc, khó
phai. Đi qua những phố  phường náo nhiệt, đi qua  những vùng quê mướt  xanh
trù phú hay xơ xác điêu tàn trên quốc lộ 1 A từ thành phố Hồ Chí Minh ra Huế
rồi qua Phá Cầu Hai bằng chiếc tàu đò cũ kỹ thân thương, tôi thấy quê mình vẫn
đẹp... Có trải qua một mùa bão lụt, có nhìn mặt nước mênh mông che khuất bãi
bờ, có nằm trong căn nhà xưa  cũ nghe ngoài kia gió thét gào  làm gãy gục cành
cây, tôi mới thấy sức sống của quê  hương mình, của dân   làng minh là tuyệt vời
và đáng khâm phục.


Tôi đã đi bộ quanh làng. Dự ngày hiến chương nhà giáo, tôi được gặp lại vị thầy
tiểu học dạy tôi hơn 30 năm trước, mái tóc bạc phơ của thầy như một vầng mây
trắng. Tôi nương theo vầng mây ấy để tâm hồn bay bổng trên  những mảnh vườn
xanh của  làng, để thấy thấm thía ý  nghĩa của trí tuệ, của văn hóa, của khoa học
kỹ thuật giúp cho đời sống vươn lên. Tôi  đi bộ quanh làng, qua từng bờ khe soi
bóng tre xanh, qua những rừng dương trên cát trắng, qua những vồng khoai non
tươi mơn mởn mà các em thiếu  niên tinh  nghich cười đùa với  nhau khi   trên vai
còn nặng  đôi thùng  nước tưới, tôi  nhận ra sức sống tiềm tàng mà mạnh mẽ của
tương lai.

Qua các đường làng, tôi nghe văng vẳng những bản nhac từ những chiếc cassette
chạy pin hay accu, thỉnh  thoảng  nghe được giọng  ngâm thơ quen thuộc của một
nghệ sĩ Sài Gòn, tôi thấy lòng ấm lại. Ngày Tết, tôi tận  hưởng một cái Tết ở làng
đầy đủ hương vị xa xưa. Tôi được dự lễ cúng đầu năm ở Họ, ở Làng, ở Chùa và
thăm viếng bà con láng giềng... Tất cả đều ánh  lên nét đẹp của văn hóa làng quê
Việt Nam. Biết loại bỏ những tục lệ rườm rà, biết  kế thừa  những vốn quý, làng
quê  mãi  mãi  là một vùng văn hóa  nhân  lên sức mạnh cho dân Việt  Nam vững
vàng đi vào thế kỷ 21.


Tôi có nằm mơ chăng? Không đâu! Có giấc mơ nào dễ thương cho bằng giấc mơ
mong quê  hương mình giàu mạnh, cho dân  làng mình hạnh phúc ấm no? Có hiện
thực nào mà không bắt đầu từ mơ ước? Có con chim nào bay lên mà không xuất
phát từ một cành cây hay bụi cỏ...? Cho nên đi bộ trên đường làng, tôi như  nghe
được hơi thở  đất truyền lại từ xa xưa, cho đến bây giờ, và cả tương lai.
Làng quê Việt Nam mãi mãi vẫn là niềm vui và nỗi nhớ cho những người con xa xứ
như tôi...

                                  Làng quê xanh bóng tre
                                  Cuộc đời còn nỗi nhớ
                                  Mỹ Lợi một miền quê
                                  Tương lai ta chờ đó.
               
                                                                            28 -7-1992  ( 29/6 Nhâm Thân )

                                                                                       PHAN NGỘ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét