Tháng Giêng hồi xưa thì vẫn còn là tháng-ăn-chơi, nhưng từ khi bắt đầu đi học xa
nhà, thấy tháng Giêng cũng bộn bề, tất bật như tháng Chạp!
Hồi học lớp 12 ở Đà-Lạt, mới mùng bảy Tết, cả nhà hãy còn không khí ấm cúng,
mình đã phải xách vali lên máy bay qua ĐL, tiếp tục năm hoc...Rồi thời Đại học
cũng vậy. Còn nhớ một lần, sáng mùng 6 Tết vừa ăn sáng với cả nhà xong là bay
về SG. Lo dọn dẹp phòng trọ, lấy xe đi đổ xăng. Đạp hoài không nổ. Giờ vẫn còn
nhớ cảm giác lúc ngồi chờ sửa xe bên đường, thấy người qua lại vẫn hối hả, đông
đúc, không giống không khí Tết ở nhà. Lại còn nhớ xa hơn một chút, thời học Trung
Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột, nghỉ Tết rồi, vô học lại vẫn còn không khí Xuân. Giờ
chơi kéo nhau qua cà phê Mây Hồng nghe nhạc TCS, ăn bánh bèo Huế rồi vô lớp ăn
vụng me chua, cóc ngâm trong giờ sinh ngữ hai Pháp Văn của Thầy Thân Trọng Sơn.
Phan Tú Lộc và Ng Minh Tú, Hoàng M Tú là học trò giỏi được Thầy cưng nên cả lớp
không hề bị la...Giờ tự nhiên nhớ lại hồi 1968-1970...
Đến Tết Ất Mùi của thế kỷ 21, khi mình đã có cháu ngoại, không khí Tết ở một thành
phố lớn trong thời đại mới cũng hoàn toàn khác. Trước 30 tết thì nhộn nhịp, đông đúc,
mọi người hối hả, tất bật... Ngày 30 Tết, sáng chợ búa đông đúc, xế trưa bắt đầu vắng
vẻ. Từ tối đến Giao thừa ở Chùa thật là đông. Còn tiết mục bắn pháo bông cũng đã
thu hút một lượng người không nhỏ. Sáng mùng một năm nào mình cũng đi Chùa, có
khi sớm thì 8-9 giờ, nếu oải quá vì thức nhiều sau giao thừa thì đi muộn hơn. Nhưng
lúc nào cũng thấy cửa Chùa đông vô cùng. Không biết Chư Phật có nghe hết được lời
cầu phước đầu năm của mọi người ? Nhưng chắc thấy ai cũng chen chúc, mặt mũi thì
mướt mồ hôi, có người phấn son bỗng trở thành lem luốt, tội nghiệp quá nên Ngài bèn
ban phước cho tất cả chúng sanh luôn! :-)
Thú vị nhất là chạy xe trên đường vào ngày mùng một tết đường rộng thênh thang và
không gian yên tĩnh, tưởng như đang ở nơi nào đó, không phải VN vì không hề có tiếng
còi xe.
Mùng sáu Tết, khi kỳ nghỉ đã qua, mọi người trở lại với công việc. Vì ngày đầu tiên đi
làm lại nên công việc ùn ứ, đông người chờ đợi. Và thay vì gặp nhau coi như đầu năm,
mở lời chào hỏi thân thiện, người ta lại dễ nhăn nhó, cau có, khó chịu. Có mấy trường
hợp vừa bực mình vừa buồn cười:
- Ăn sáng tại một tiệm phở gần nhà, đáng ra đi bộ nhưng nghĩ lát nữa có chút việc phải
ra chợ nên đi xe luôn. Xe phở này bán trên con hẽm mấy chục năm nay, từ trước 1975.
Không hiểu sao người bán rất khó chịu mà ai cũng thích đến ăn! Xe đông lắm! Khách
cứ hồn nhiên chạy xe vào phia trong, hàng xe cứ kéo dài. May quá, mình nép chiếc xe
cũ vào sát tường nên được ok và tìm ghế ngồi. Những người đi xe đẹp và sang trọng bị
la : Ra đi, ra đi anh/chị ơi, hết phở rồi!
Mọi người ngơ ngác một hồi rồi có người tiếp nối hàng xe, có người quay lại...Khách
ngồi đươc vào bàn chờ lâu quá, nhắc bà chủ là người đang thu tiền. Bà chủ nhắc ông
chủ đang đứng đó, không cho nhân viên nấu, bưng phở và phán: Bán buôn gi! Mắc coi
xe rồi làm sao bán được! Đã bảo hết phở, không ai giữ xe mà cứ vô hoài!!!
Ha ha buôn bán đắc hàng cũng có nỗi khổ của nó!...
xếp xe đang lui cui phía trước. Mới dừng xe, gạt chân chống bỗng nghe: Ê, có biết dựng
xe không vậy?! Dắt xuống, kéo ngang với chiếc Wave dưới kia! -Trời đất ơi, nó cỡ cháu
gọi bằng Bà mà nói giọng trịch thượng như ông nội mình vậy đó! May nó không làm cán
bộ! Tuy nghĩ thầm vậy nhưng cũng phải cười một cái rồi giã lã: Vậy hả, Bà không biết...
- Một giờ trưa có hẹn của trung tâm nọ, nhưng 12 giờ rưỡi phải có mặt tại đó rồi. Tưởng
mình đi sớm, hóa ra cũng có mươi người lo xa đến trước.Cổng đóng. Mọi người ngồi lại
quanh xe nước phía trước. Vừa dựng xe bước qua, Bà chủ quán đon đả: Ngôì đây cho
mát chứ tội gì đứng nắng nôi cục khổ. Biết ý rồi nên khi bà đặt ghế xuống có vẻ ân cần là
mình "xin"một chai nước suối. Mọi người tới mỗi lúc một đông, bà bắt đầu diễn thuyết
( mà nội dung giống y hướng dẫn của Trung Tâm đặt bên trong cổng ). Nói một hồi, bà
tóm lại: câu chuyện là vậy đó, khi người ta hẹn ngày thì nhớ coi lịch kẻo trùng ngày nghỉ
mất công đi tới đi lui... Cám ơn lòng tốt.
Nhưng ngay sau đó nhiều người tới mà cổng vẫn chưa tới giờ mở nên vô càng nhiều. Thế
là những người ngồi trước được dồn ép lại để có chỗ đặt các ghế mới. Cái sự-ân-cần-khi
-mới-tới biến mất! Bà bảo mình đi bao ra sau hẽm ngồi nhưng mình từ chối vì phải trông
xe. Chỗ cũ bị kéo ghế dành người mới nên mình xích qua chỗ đầy nắng chiếu!
Ô hô! Cuộc mưu sinh buộc người ta phải thế! Thôi kệ, cứ nghĩ vậy đi!
Tháng Giêng, nắng bắt đầu oi nồng. Cuộc sống cứ tiếp tục với công việc. Tâm hồn cứ tiếp
những nghĩ suy và cảm xúc...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa