Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019
Cây Oak
Hồi xưa, đọc những tác phẩm nước ngoài, gặp rất nhiều hình ảnh "cây
sồi"nhưng không hình dung ra đươc!
Có khi nghĩ đó là những cây có tầm vóc lớn như cây đa vì đọc một đoạn
nói về nhân vật trở về thăm quê xưa sau rất nhiều năm, nhìn thấy hai
cây sồi hiện ra từ xa, gợi bao nhiêu kỷ niệm thân thương...Rồi lại thấy
đứa trẻ trong thời thơ ấu leo lên nhánh cây sồi nhìn tụi trẻ hàng xóm lúi
húi chơi trong vườn...
Giờ qua đây mới biết về loài cây đặc biệt mà quen thuộc đi vào tác phẩm
văn học nước ngoài và trong cuộc sống đời thường.
Bên đây loài cây này trồng ven đường và trước nhà để cho bóng mát. Lần
đầu hỏi, vợ chồng Nhung gọi nó là cây oak. Nói tiếng Việt chắc gọi là cây
sồi. Ồ, lòng vui khi nghe một cái tên đã từng đọc mà giờ mới biết. Mấy năm
trước, ở bên nhà Nội của cháu tui, mỗi khi đi bộ hoặc đi chơi ra willow lake
hai bên đường mát rượi vào mùa nắng nóng. Và khoảng tháng hai, ba lá cây
rụng ngập đường đi, chuẩn bị cho mùa lá xanh non mơn mỡn.
Loài cây này không thay lá vào mùa Thu. Vậy nên hôm chị Nguyệt qua, đi
chơi, chị đã nói có hỏi học trò vì lấy làm lạ sao có lúc thấy cây gì 2 bên
đường mùa Thu mà lá vẫn xanh um, học trò chị nói là cây oak, cây sồi, kêu
theo kiểu VN!
Đây là loài cây mà người ta thường cắt ngọn, hãm bớt chiều cao để tỏa bóng
lá sum suê. Mùa Xuân, qua đợt lạnh, các loài cây khác ra hoa, lá. Oak cũng
đón mùa Xuân nhưng bằng cây xơ xác, gốc đầy lá rụng, thân cành mọc ra
những cục u nần như phong cùi, u ghẻ trên "cơ thể" của cành cây. Đã có lần
tui tỉ mẩn tò mò nhìn ngó, quan sát từ cây này tới cây khác trên đường đi bộ
mỗi chiều mỗi sáng từ vài năm trước trên các cây còn nhỏ và cả các cây lớn
rủ cành tỏa bóng sum suê. Lạ kì thay! Những cục u nần đó gom dần lại thành những hột hình tròn rồi khô rụng, cành lại trơn tru ra lá, ra hoa li ti, thành trái
khô rụng trên mặt đất, giày đi bộ có thể dẫm lên những trái oak dập kêu lốp
bốp vui tai. Tui đi bộ trên đường bê tông, dẫm những trái oak lăn lóc rất thú vị.
Có khi quẹo vô play ground, với tay cành oak quan sát trái còn xanh, những
lúc ấy cành cây nhẵn nhụi, chẳng còn thấy cục u nần!
Lạ thiệt! Cũng khó hiểu thiệt! Nhưng đó là sự chuyển hóa bình thường của từng loại cây thôi mà.
Chắc vậy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét