Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Ớt

Các thể loại ớt nhà tui. Huyền thoại kể rằng có một nơi trên đát nước tui, con người ta rất ưa thích vị cay nồng của ớt. Đó là một thứ gia vị được dùng nhiều trong chế bién các món ăn. Có tác dụng làm giảm mất di mùi tanh của cá biển. Cũng có thể giúp cho người ta cảm thấy ngon miệng dù bữa ăn kham khổ ( " Thương trái ớt biết đánh lừa cái lưỡi! " - Bui Giáng ). Tui lớn lên ôm theo huyền thoại ấy trong cuộc đời mình mỗi khi đến từng vùng đất mới. Biết ơn món quà quý của quê hương đã nâng đỡ tâm hồn tui thêm phong phú. Tui cũng có thể trổ tài khéo tay làm các món muối ớt, nước mắm ớt, nước tương ớt... để mời bạn bè tui khi đến chơi nhà. Ơi, Huế của tui! Ơi, Ớt của tui! Răng mà cay rứa hè!

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

Lớp chúng mình

Lớp chúng mình... Gặp lại lớp 9A7 năm học 1995-1996, giữa thập niên cuối của thế kỷ truớc, tui lại có vài đêm mất ngủ, vài ngày tâm trí cứ bận rộn về những kỷ niệm của một thời chủ nhiệm chúng nó. Bốn năm trước , khi đang trong mùa dịch CV19, chúng nó tìm ra tui sau nhiều năm không liên lạc. Rộn ràng, í ới và có một buổi họp mặt trên zoom. Lần đầu tui tiếp cận với công nghệ kiểu đó, nhờ con, cháu chỉ mới biết. Và hơn nửa ngày nói chuyện không dứt. Coa đứa vừa chăm con vừa nói chuyện, có đứa thay phiên nhau giữa hai vợ chồng để nói chuyện... Rồi cuối cùng chúng nó cũng sực nghĩ ra phải để cho Cô nghỉ ngơi. Lần này gặp lại chúng nó tren group. Kỷ niệm ùa về...hành hạ tui. Hihi Viết bài thơ tặng cho chúng nó, một trong những lớp đi qua cuộc đời dạy học của tui.
Cứ thế đi! Cho cuộc đời vui. Học trò A7 của tui ơi, Mái trường ấm áp ngày thơ ấy, Ngoảnh lại, hai mươi chín năm rồi!... Những gương mặt ấy, thuở mười lăm Trong veo, mát rượi ánh trăng rằm Ngồi trong lớp, hồn có bay ngoài cửa? Mộng ngày mai, mộng của xa xăm... Lớp chúng mình cuối dãy hành lang, Khoảng trời, cây lá...ngát màu xanh Đôi khi vẳng tiếng chim xa hót, Lá chao mình theo gió...cũng bâng khuâng Văn nghệ lớp mình: Sớ Táo quân, Náo nức chờ hội diễn mừng Xuân Là tâm huyết, tài năng cả lớp. Nhớ lại...Vui mà sao rưng rưng! !
Nhớ vô cùng hình ảnh thân yêu Ríu rít ban mai...Rộn rã chiều, Cả những ngày ôn thi cuối cấp Hè chia tay...lưu luyến biết bao nhiêu! Tháng năm qua. Học trò lớn lên Bước chân in dấu khắp bao miền Mộng đời rực rỡ khi thơ ấu Đã chạm tay vào lúc hoa niên... Nhưng mỗi khung đời rất khác nhau, Như vườn hoa muôn vạn sắc màu Như cuộc sống, mỗi nhà mỗi cảnh Quý ở nghĩa tình, vẫn nhớ về nhau!...
Mỗi chúng ta là một cuộc đời Đủ đầy cung bậc những buồn vui, Biết ơn như đã từng trân trọng Khi trái tim vẫn nhịp bồi hồi. Gặp lại đây, thương thiệt là thương Vẫn bên nhau dù xa cách dặm trường Như quy luật muôn đời vẫn thế, Mây của trời, sóng của đại dương. Houston, Oct 02 2024 Phan thị Như Mai

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

NGHĨ VỀ NHIỀU THỨ

Nãy giờ ngồi trước máy tính. Trong đầu nghĩ tới nhiều thứ mà cũng như không nghĩ gì. Vì mỗi thứ nghĩ một chút, không có đầu có đuôi, không dừng lại để lắng sâu một điều gì đó... Thiệt là phiền! Phiền vì cái đầu bây giờ không biết tập trung và mọi thứ với tui đều không thích tập trung. Mấy hôm trước, đọc, xem và thấy ớn vì cái sự lừa lọc, dối trá, dè bĩu, bươi móc, người ta bằng mọi cách moi cho được những khuyết điểm, hạn chế của đối phương để triệt hạ nhau. Không có cũng tìm cách nói cho có. Tui thấy sợ cái thế giới mạng. Và rồi " kinh cung chi điểu " một cách vô duyên! Và bỗng dưng làm biếng suy nghĩ, làm biếng hỏi han bạn bè, làm biếng viết những gì mình vẫn nghĩ, vẫn làm như trước. Trong đầu tui như đã " set up" Chú Đại Bi. Lúc nào như cũng chỉ cần click là tui có thể không cần nghĩ tới chi khác nữa. Điều này khiến cho tâm tui cảm thấy bình an.
Hôm qua, giàn mướp lủ khủ đầy trái đã đén lúc thu hoạch một đợt luôn. Vậy nên tui đã nhắn với Sư Cô từ sáng sớm, lúc chưa đi với cháu ra bus stop ngay gần trước nhà rồi đi bộ, đến khi đi bộ về thì Cô nói sửa xe xong Cô sẽ ghé qua. Vậy là gặp Cô và cắt mướp nhờ Cô đem về Chùa để các bạn ghé qua nhận về xào ăn lấy thảo. Tui vui lắm luôn! Và tui cũng đã có những phút giây bên Cô đi tới đi lui ríu rít chuyện trò trong khoảnh vườn nhỏ xanh tươi...đủ thể loại ớt!
Sáng nay, tui cũng vừa nhắn tin hỏi thăm bạn Tuyết vì từ hôm bạn ấy ở Canada về nhà, tui mới hỏi thăm một lần lúc bạn ấy mới về đến nay. Dù không thường xuyên trò chuyện nhưng bạn bè tui vẫn luôn có mặt trong từng ý nghĩ trong đầu tui. Hôm qua thấy con thằn lằn ngoài vườn tui nhớ bạn Thuần. Ti gôn ti geo Tí ti bạn tui vẫn là hình ảnh bé nhỏ hay sợ mấy con vật nhỏ nhỏ, hay sợ tiếng cánh cửa đập trong gió.v.v. nhưng vẫn nhỏ hơn tiếng hét của bạn ấy mỗi khi hốt hoảng. Tui cũng nhớ bạn Khanh, bạn Dzoãn... mỗi khi tui làm gì đó, đọc gì đó hay nghĩ về gì đó... Tui nhớ bạn Liên với những năm tháng dạy học ở N Đ C có rất nhiều kỷ niệm. Riêng bạn Tuyết thì vô cùng... Mới bữa chủ nhật, tự dưng tui nhớ bạn ấy khi tui bứt mấy cây sả vô nấu cà ri. Nhớ bởi có sự liên tưởng tới món cà ri Má Tuyết nấu từ Quận 4 mà Tuyết đã đem qua cho mấy O cháu tui ăn hồi nẳm, cái thời những ngày mùa Thu Đông năm 1975. Và những bữa đi học về hai đứa tui nằm ăn đậu phụng rang, nghe mưa ngoài sân không phải tí tách mà rào rào ngả nghiêng mấy nhành mai tứ quý. Cho đến bây giờ, mỗi khi treo những chiếc áo sơ mi trên móc, dù ở đây không có bụi nhưng tui vẫn nhớ bạn ấy đã từng kéo ngược cổ áo trên móc khi treo và tui đã học được thói quen tốt ấy nhiều chục năm trong cuộc đời mình... Tui rất nhớ và luôn nhớ, luôn nghĩ về những người bạn trong những chặng đời của mình. Nhưng không lẽ cứ nhắc hoài, kể hoài... Cũng có khi tui muốn có dịp gặp lại nhau, sống lại với nhau vài khoảnh khắc như trong kỷ niệm. Nhưng thiệt là bất khả thi! Bởi vì đôi khi chỉ có lòng tui muốn thế còn những bạn bè tui đang bận rộn với những sự việc khác rồi! Hoặc không gian chừ đã khác, thời gian cũng không phải như xưa. Năm ngoái, tui về thăm lại bạn bè. Tui hạnh phúc khi gặp lại những người bạn một thời học chung, với những người một thời tui mới ra trường, với những người tui sẻ chia những năm tháng dạy chung dưới mái trường trước lúc về hưu. Với ai cũng ắp đầy kỷ niệm và tràn ngập thương yêu. Những phút giây gặp nhau, dù gần một ngày, dù cả buổi sáng, Dù từ sáng đến xế chiều... Tui vẫn cảm thấy bỗng dưng lòng mình vẫn thiếu vắng, vẫn ít ỏi, vẫn hụt hẫng lúc trở về nhà sau khi họp mặt. Tui vẫn thấy như mình vẫn chưa nói được gì. Vẫn chưa sống lại cái khoảnh khắc của ngày xưa mà tui muốn có. Ví như khi tui đến nhà Dzoãn. Tui muốn ngồi bên nhau, nói chuyện tào lao, kể về kỷ niệm một cách rề rà, về bài hát Niệm khúc cuối vào một đêm có trăng sáng trước khoảng sân nhỏ, về món che bà ba và rau muống luộc, tôm rim ngày xưa xa. Về chuyến đi Đà Nẵng trong ngày xưa gần. Muốn nghe bạn tui kể nhiều chuyện buồn vui... Nhưng mà đâu có được! Dù ngày xưa chỉ mới 2018 đây thôi cũng đã thành xa vắng. Thành khác lắm rồi! Và thời gian là sự hối hả của công chuyện và cuộc sống. Ai tìm lại được cái sự rề rà thong thả của...hồi đó được đâu! Thế nên uống vội ngụm trà bạn pha cho, quá thơm, quá ngạt ngào hương vị, quá đặc biệt nhưng rồi chỉ biết... khen thôi! Rồi hai đứa lại lật đật dắt nhau xuống lầu, lên taxi đi họp mặt bạn bè.
Cũng như khi tui gặp lại những người bạn, và các tiền bối từ mấy mươi năm trước, khi tui mới ra trường...Rồi cũng trở thành quá ư chóng vánh! Tui vẫn nghĩ về chị Lệ, ân nhân của tui lúc tui mới ra trường, chân ướt chân ráo lớ ngớ về Mỹ Tho. Chỉ hai tuần lễ đầu đã cùng Chị từ trường Gioan 23 về Nguyễn Đình Chiểu. Được Chị giúp đỡ từ việc nhỏ cho tới việc to, lo cho ăn nhờ ở đậu đủ thứ trên đời. Suốt 5, 6 năm trời. Cho đến khi không còn dạy chung trường ở Mỹ Tho, tui cũng được Chị coi như em út. Những lúc cần đến Chị là Chị sẵn sàng. Cả những lần ghé nhà mới của Chị ở Phường 5, mỗi lúc ra về đều được giúi cho trái mướp, nắm rau, nải chuối... Nhiều năm trôi qua. Nhiều lần nhớ về Chị với những bữa ăn đầm ấm ngày nào. Vẫn mong còn có dịp gặp nhau, ngồi bên nhau ăn lại món ăn đơn giản ưa thích ngày nào. Muốn tặng Chị cái gì Chị thích... Nhưng rồi khi gặp lại nhau, vui thì niềm vui tràn trề, hạnh phúc chứa chan khi còn được họp mặt với các bậc đàn anh và các bạn một thời tuổi trẻ nữa! Mà sau đó vẫn thấy một khoảng trống không thể lắp đầy được: mong ước trở lại kỷ niệm xưa! Không có được thời gian ngồi bên nhau riêng tư ôn lại niềm vui trong ký ức. Và Chị nói không thiếu thứ gì, già rồi cũng không thích thứ gì nên tui cũng không tặng được gì cho Chị. Về phía tui với các bạn cũng thế. Liên và Hằng đã dành thời gian tìm đến nhà gặp tui để cùng nhau có thêm phút giây bên nhau sau mấy chục năm mỗi đứa bận rộn với cuộc sống và công việc của mình... Nhưng tui cũng đành xin lỗi. Vì đã không có mặt ở nhà, phải đi tới đi lui lo giải quyết mấy việc trước khi về lại bên ấy...
Những cảm giác tiếc nuối cứ bâng khuâng tâm hồn tui. Dù biết rằng đó là điều quá hiển nhiên của cuộc đời. Đâu có ai tắm được hai lần trên một dòng sông! Thời gian cứ trôi đi, năm tháng qua và tuổi đời cũng thêm lên với những cung bậc cảm xúc mà mỗi một khoảnh khắc qua là không thể tìm lại được. Có muốn tìm chăng, có gặp lại chăng cũng đã hoàn toàn khác hẳn rồi! Vậy nên, với một người tuổi đời thất thập như chúng mình càng quý hơn phút giây hiện tại, tình cảm hiện tại. Cứ nhớ nhau. Cứ thương yêu nhau. Cứ mong ước kỷ niệm xưa với tất cả lòng trân quý! Cám ơn bạn Tuyết đã gửi cho hình bạn ấy đang ngắm hoa quỳnh đẹp nhà bạn nở giữa đêm khuya. Vậy mà bài viết cứ lưu lại, tới bữa nay mới up hoa lên được. Dù sao tụi mình cũng đã giữ được khoảnh khắc tâm giao, hơi trễ xíu. Hihi

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

TƯỞNG MUÀ THU TỚI

Mấy bữa trước thời tiết rất dễ chịu. Êm đềm . Nhẹ Nhàng. Mát mẻ. Gần 2 tuần như rứa. Ai cũng tưởng mùa Thu đã tới. Hoá ra ảnh hưởng cơn bão đâu đó ngoài biển. Nó cứ ra vô qua lại từ ngoài xa, chờn vờn một hồi rồi ghé Louisiana và đi ngược lên phía trên tí. Tuần này, trời nắng như chi chi. Tui đi bộ sau khi đứng với cháu ở trạm bus trước nhà, nắng đã chói chang trên đường đi.
Buổi sáng có khi tui ra coi mấy bông bí bông mướp nở trước khi đi bộ, tưới cho chúng nó chút. Ngó qua mấy cây ớt nhiều trái chín chưa, chút nữa về hái. Có khi dậy trễ xíu, rề rà thì không kịp ra vườn. có khi về nắng đã lên, cảm thấy như tụi cỏ cây hoa lá đang đợi chờ mình, rồi vội váng xin lỗi chúng nó. Haha. Đôi khi tui thấy tui khùng khùng. Có lúc lại thấy mình đa cảm quá. Lại vài lần thấy thiệt sự đa đoan. Rồi mệt cho mình quá! Chi mô trên trời dưới đất, chuyện của người ta mình cũng xen vô. Ôm đồm. Thôi kệ, coi như tuổi già còn ngo ngoe được nhiêu hay nhiêu! Tui lên Chùa là tui quên tui đã ngoại thất tuần! Tui bước những bước dài như tuổi trẻ. Tui chạy như thiếu niên. Tui cũng lạy mấy trăm lạy như các cháu Phật tử trẻ của tui. Rồi sau đó về nhà bước đi như bị chuột rút. Ngồi đập đập hai bắp chuối như...đập gì không biết! Hihi. Rồi ít nhất, hôm sau mới trở lại bình thường. Vậy nên con bé út cứ hay hỏi tuần này mẹ đi Chùa không? Tui cười qua điện thoại là nó biết rồi! Và hình dung ra Mẹ ngâm nếp từ hôm trước, dậy từ 4, 5 giờ sáng hôm sau để hông xôi. Mỗi tuần mỗi thứ xôi đậu để lên chùa cúng Phật và cúng hương linh. Của ít lòng nhiều. Con em sợ Mẹ cực vì nó đã từng ở trên Chùa cả ngày với Mẹ , vài lần, chia sẻ sự-làm-việc- không-biết-mệt của Mẹ khi làm công quả. Còn vợ chồng con chị và tụi nhóc thì quen với thời khoá biẻu của bà Ngoại. Tuần nào không đi mới lạ, bé gái mới chất vấn why Bà không đi Chùa?
Khoảnh vườn nhỏ đã qua mùa của trái bầu, giờ đang là mùa của bí đao và mướp. Lủ khủ mướp khía tui cho leo trên cây peach. vài bữa không ngó về phía đó là y như rằng sẽ hái một đống...già! Tui chặt ra bỏ vô gốc cây cho nó và các cây khác. Mướp ngọt cũng ra nhiều mà mình không phải chăm sóc gì ngàoi viêc tưới và lâu lâu cho chút ít phân organic, cỏ khô từng viên là thức ăn của ngựa trộn với phân bò đã xử lý và đất garden soil. Bí đao hai loại tròn và tui có thể để dành ăn từ từ, biếu tặng bạn bè và phơi khô nấu nước với rễ tranh, la hán quả, táo tàu và hạt kỷ tử. Mùa này nóng, tui nấu cho cả nhà uống. Và tui cũng tranh thủ mấy ngày nắng này phơi mấy trái bí đao để dành hôm trước. Riêng ớt thì đủ các thể loại.
Nắng. Mùa Hè vẫn còn trên những tia nắng chói chang trên sân. Giống như người già vẫn còn chút năng lượng tích cực trong tâm hồn. Cứ nghĩ như vậy đi để thấy cuộc đời vẫn đẹp và đáng sống. Hôm trước có cô cháu gái nhắc vài kỷ niệm xưa. Cô ấy cũng U60 rồi nên những kỷ niệm ấy cũng vào hàng xưa lắm. Cơ mà tui cũng đã quên nhiều. Kệ. cũng có những cái phải quên đi và cũng đừng nên nghĩ tới như những ồn ào cứu trợ bên nhà hôm rày. Cuộc sống có những ngày Hè nóng nực và ngày Thu êm đềm. Cho tui nghĩ tới mùa êm dịu nhiều hơn nóng nảy.

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

BỐN MÙA THƯƠNG MẸ

Kỷ niệm huý nhật Mẹ, lần thứ 45 Viết tặng những người thân yêu Thưa Mẹ, Con gái Mẹ nay ngoài bảy mươi, Vẫn như bên Mẹ, ấu thơ hoài Tung tăng chân bước trên đường nhỏ Mỗi lúc đi về quê Ngoại chơi... Những mùa Tết vui. Ngày Tết vui Sân đầy cát trắng... Mai vàng tươi... Mẹ tần tảo, bán buôn hôm sớm Để bữa Tân niên đủ ngọt bùi... Thương Mẹ, vào Hè nắng tháng Năm Đường quê quen bước...đã xa xăm Để đôi quang gánh cho người mượn Để cả... hoa cau rụng trước thềm. Thương mùa Thu, con dạy học xa Lâu lâu mới được về thăm nhà Mẹ ra ngoài cổng chờ con sẵn Gội tóc con, bồ kết Mẹ pha... ( Ơi mái tóc ngày xưa! Xoả kín bờ vai. phur kín lưng áo dài đi dạy học Mẹ đã nâng niu từng sợi tóc... Sao bỗng dưng, giờ con muốn khóc! Mái tóc phai màu. Lưa thưa. ) Rồi tháng năm qua. Những mùa Đông xa... Có dễ gì quên hơi ấm bếp nhà! Bóng dáng Mẹ trong lòng con cháu Mãi mãi sáng ngời. Rất đỗi bao la... Ký ức một thời khốn khó Bể dâu thay đổi khôn lường Bóng Mẹ như vầng mây trắng Thênh thang về phía cố hương... Mẹ ơi, Bốn lăm năm Mẹ đã về Trời. Con cứ thích cài bông hồng đỏ Vu Lan. Bởi Mẹ hoài rực rỡ Trong trái tim nồng nàn của con !... Houston, Aug 22, 2024 Phan thị Như Mai

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Olympic Paris

(Nhung hinh anh trong bai duoc muon tren internet) Hôm qua, tui ngồi trước màn hình tivi mấy tiếng theo dõi Opening Ceremony thiệt là hoành tráng. Cũng là để thử sức nhìn của đôi mắt và sự kiên nhẫn của bản thân. Trời mưa nhẹ nên không khí mát mẻ, dễ chịu. Cháu ngoại hôm nay ở nhà không đi học vì bị sổ mũi do đi bơi liên tiếp từ hai hôm trước sau gần một tháng nghỉ bơi vì chuyển khoá học và cũng thêm ngày nghỉ vì lý do thời tiết. Con nít thay đổi môi trường sinh hoạt xíu thì cũng dễ bị này nọ, nhất là đối với những đứa cơ thể mẫn cảm, tinh thần nhạy cảm. Hihi. Và nhất là những đứa ưa ỏ nhà để dễ nhõng nhẻo với Bà. Tui rủ bé ra phòng khách ngồi coi tivi với Bà cho vui. Nó hỏi coi cái gì. Bà bảo với nó là coi khai mạc Olympic Paris 2024. Dù tui lựa lúc có màn trình diễn thời trang, lúc mọi người nhảy múa hai bên bờ sông.v.v. không khí tưng bừng lúc đó trời còn sáng nhưng cũng đã bị từ chối một cách dứt khoát: Thôi, Bà coi đi, con không coi đâu! Đúng là khoảng cách thế hệ. Haha. Tui vừa nhìn những hình ảnh trên tivi, những chiếc tàu với những đoàn của các nước tham dự. Thầm hiểu được tầm cỡ của mỗi quốc gia và liên tưởng tới nhiều thứ.
Ngoài bảy mươi tuổi. Tui ôn lại những lần Olympic đã từng nghe và biết đến trong cuộc đời mình. Thật ra là nhớ tới thời điểm diễn ra của mỗi dịp như vậy và nhớ tới lúc ấy mình đang làm gì, giai đoạn nào trong cuộc đời mình. Tui nhớ hồi còn dạy ở N Đ C Mỹ Tho, lúc mới ra trường vài năm. Cùng mấy bạn đứng chơi ở hành lang khu nhà tập thể, đúng ra là dãy lớp học cổ kính ở lầu phía Nam, nghe mấy anh lớn trong Trường đánh cầu lông, tennis gì đó đi ngang qua bàn tán về những trận bóng đá đã qua và sắp tới...Mới đó, gần nửa thế kỷ trôi qua như chớp mắt! Những người quen biết, những bạn bè cũng xa cách theo với thời gian...
Tui coi đến cuối với bài ca khép lại chương trình của Celine Dion thật tuyệt! Tui lại miên man với những kỷ niệm thời đầu thé kỷ XXl, năm 2003, tui dạy học trò lớp 9, các em ở tuổi teen đã biết thích những bài hát của Cô ca sĩ này và bàn tán với nhau mỗi khi vào lớp nhưng chưa đến giờ học. Nhờ mấy đứa, tui cũng biết thưởng thức và mê luôn, nhất là khi coi phim Titanic. Bài hát quá tuyệt vời với giọng ca của Cô.Tui cũng tìm hiểu và đọc về cuộc đời Cô... Yêu quý và ngưỡng mộ, tài năng, tâm hồn... Mới đây, tui coi I'm Celine Dion... Tui bàng hoàng, xốn xang... Nhưng hôm nay thấy hình ảnh và tiếng hát vẫn toả sáng...Tự nhiên, tui thấy vui trong lòng. Một cảm giác ấm áp...và hạnh phúc với sự trở lại của tài danh ấy. Thiệt tình, tui thấy rất vui.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

Chồi biếc

Không lẽ đến một tuổi nào đó, con người ta không còn thú vui đã từng vô cùng yêu thích? Cũng như đến một lúc nào đó tình yêu cháy bỏng một thời cũng lụi tàn? Tui không có khái niệm tình-yêu-cháy-bỏng dành cho mình từ xưa đến giờ, nhưng thú vui vô cùng yêu thích thì rõ ràng là hình như theo tháng năm rồi cũng phôi phai. Tỉ như chuyện viết lách, tui có vẻ như bị bào mòn cảm xúc khi không thể làm một bài thơ như trước một cách dễ dàng. Và cũng không viết ra cảm xúc của mình về một sự việc gì đó cho đúng với tính chất của thời-gian-tính. tui ì à ì ạch, tui hẹn lần hẹn lữa với chính mình. Có hôm, thay vì ngồi trưóc máy tính định viết thì tui lại click vô cái khác. Và thế là mắc kẹt với những cái khác tiếp theo. Có hôm leo lên giường nghỉ ngơi và cũng tính là nghỉ ngợi về một tiêu đề, hệ thống ý tưởng lại để viết thì táy máy cầm remote bấm tivi, tìm nghe pháp thoại hay lạc vào Neflix. Hihi. Vậy nên rất nhiều cái muốn ghi lại rồi cũng vẫn chưa thành chữ nghĩa.
Tháng trước, Bạch Mai là bạn đồng nghiệp rất thân thương đã từng hơn 20 năm cùng dạy học dưới mái trường Thưc Nghiệm Sư Phạm, từ Atlanta qua Dallas ăn cưới con người bạn của anh Minh. Dù thời gian không nhiều và bạn ấy không khoẻ nhưng vẫn ghé thăm tui. Thật cảm động. Định viết gì đó nhưng rồi mãi vẫn chưa viết xong một bài thơ. Rồi sự-kiện-nổi-bật của Texas là cơn bão Beryl ghé qua Houston tối thứ Hai sau ngày Quốc Khánh của Mỹ mấy hôm ( July 08). Chỗ tui chỉ cúp điện từ 3g khuya đến 7g tối. Nước và gas không ảnh hưởng Nhưng vài nơi cúp điện mấy ngày. Texas mùa này rất chi là nóng. Bữa đó, tụi nhỏ không tivi, không computer, không wifi.v.v, đi vô đi ra, đi tới đi lui trong nhà ...rên rỉ...nóng quá! Tụi lớn khệ nệ kéo máy phát điện ra vườn, gắn máy lạnh vô phòng, sau khi đã đem đồ đông lạnh trong tủ đông qua gửi nhà Ông Bà Nội sắp nhỏ. Đang lui cui làm xong, bắt đầu vận hành thì có điện. cả nhà, già trẻ lớn bé đều vui mừng reo lên. ( Làm tui nhớ tới hồi xưa ở Sài Gòn cúp điện, mỗi khi có là cả khu phó la lên, hò reo vang dội ).
Phần tui, cứ lo mấy cây ớt, cây táo, cây hồng bị gió lung lay, sợ ngả nghiêng trốc gốc. Cuối cùng, một nhánh hồng mềm đã bị gãy, có lẽ vì nhiều trái, nặng quá nên không chịu nổi. Tui nhìn nhánh hồng và tiếc lắm luôn! mấy năm nay, cây hồng vẫn chỉ có vài ba trái. Nhưng năm nay nó đã trổ hoa, ra cành sum suê và đậu nhiều trái . Riêng cái cành gãy, tui hái trái và dọn dẹp, đếm được 97 trái. Tưởng chỉ để nhìn rồi phải đem bỏ gốc cây thôi. Ai dè khoảng 6 ngày sau tui coi lại thấy chúng nó đã mềm và chín hết luôn. Tui ăn thử thì rất ngọt. Không hề có chút vị chát nào như những trái hồng đến mùa chín cây mới hái chưa nhừ. Mừng thiệt! Và tui đã gom lại đem phơi để mai mốt tui làm hồng dẽo. Tui cũng bâng khuâng vì một cây ớt, trong số mấy cây ớt Mễ rất khó trồng mà tui vừa gầy giống được bị ngả nghiêng dù đã được đỡ lại và chăm chút nhưng vì bị trốc gốc nên héo queo duới cái nắng 90 độ F. Đành phải thay vào chỗ ấy một cây ớt chỉ thiên vẫn xanh tốt dưới bóng mát giàn bầu. Hổm rày tui phải che cho nó vào mỗi trưa nắng gắt.
Sáng nay tui nhìn mấy khóm hoa hồng trước sân khi đi bộ về. Ẻo lả, mảnh mai là thế nhưng vẫn chịu được cái nắng nóng mùa hè. Dù các em không có những bông hoa rực rỡ để khoe nhưng vẫn cố gắng vươn lên nhiều chồi biếc.Đó là dòng nhựa luyện của thân cây, cần mẫn, chắt chiu để nuôi từng mầm nụ non tơ. Thế mới biết nội lực thiệt là quan trọng. Hihi.

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

ĐOÁ HỒNG NÀY EM DÀNH TẶNG CHỊ

Chị về nhà mình vào mùa Xuân năm 1965, lúc đó em vừa bước vào tuổi teen, theo ngôn ngữ thời nay. Em vẫn còn nhớ rất rõ đám cưới đầu Xuân của anh chị ở quê mình ngày ấy...Chị hơn em gần đúng một con giáp. Cô em út với chị dâu đã gần gũi, gắn bó bên nhau suýt soát sáu mươi năm với rất nhiều chặng đời thăng trầm buồn vui, sướng khổ theo những cơn sóng biến động của thời cuộc và đời sống. Em nhớ những năm cắp sách thời thiếu nữ cho đến lúc trưởng thành, chị em mình đã có những kỷ niệm vàng ngọc quý báu mà em luôn trân trọng. Em lập gia đình khi Ba Mẹ của chúng mình đã về trời, Anh Chị là người đã "quyền huynh thế phụ" đứng tên trên thiệp cưới của chúng em. Chị đã đi chợ với em để muốn chính tay Chị chọn cho em những món đồ trong ngày cưới. Khi em sinh cháu đầu lòng, chính tay Chị đã chăm nom mẹ con em theo cái kiểu xông hơ truyền thống mà ngày xưa Mẹ của chúng mình đã làm cho Chị và cháu Xuân Khoa... Rồi năm tháng trôi qua. Rồi chúng mình già đi và các cháu lớn khôn. Những đứa con của Anh Chị, sáu trai một gái vẫn như là những đứa con yêu quý của em. Nhà mình vẫn có truyền thống yêu thương nhau như thế. Và em cũng đã dạy bảo các con em như thế.
Rồi em cách xa nhà mình nửa vòng trái đất. Thỉnh thoảng về thăm. Chị vẫn coi O Mai bé thơ như ngày nào, hỏi han chăm chút từng miếng ăn em thích như đã từng có những âu lo, nhắc nhở dặn dò em thời con gái và những ngày sắp lấy chồng... Chị vẫn đầy ắp trong em những yeu thương và kính trọng. Hôm nay , bỗng dưng bâng khuâng nhớ Chị, bồi hồi với những kỷ niệm xa xưa...em xin dành tặng Chị đoá hồng này.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

BỆNH CUẢ NGƯỜI-CÓ-TUỔI

Hôm qua, tui đi tái khám con mắt trái sau khi mổ cườm 3 tuần như lần trước đã mổ con mắt phải. Sau khi các em nhân viên y tế của phòng khám mắt lám các thủ tục đo mắt, chụp hình mắt, đo áp suất mà bên mình thường gọi là nhãn áp (?).v.v. (Gọi là văn phòng khám mắt của bs Hung Le nhưng thật ra là nguyên cả tầng dưới của một toà nhà plaza rộng lớn với nhiều phòng, nhiều khu đều có máy móc tối tân và cả một gian hàng trưng bày các kiểu, các loại mắt kính thuốc. Năm ngoái mới tới khám ở đây lần đầu, tui đã bối rối, không biết ngồi ở đâu giữa nhiều dãy ghế như một hội trường nho nhỏ. Rồi đuợc gọi tên, đo nhiệt độ mới vào làm các thao tác theo sự hướng dẫn của các em. Ngồi đợi và coi ti vi ở khu trong để sau đó gặp bác sĩ. Cũng có người trẻ trẻ nhưng đa số bệnh nhân là người có tuổi, nôm na là người già.
Lúc ngồi đợi để tới phiên vào cho bác sĩ khám, các bác, các cụ coi ti vi với những hình ảnh cực kỳ đẹp của thiên nhiên, những cảnh đẹp khắp nơi trên thế giới, giới thiệu du lịch, chỉ có hình ảnh, không âm thanh. Vậy nên khi ai nói chuyện thì mọi người đều nghe. Tui đang chăm chú nhìn hình ảnh một thành phố Bắc âu đẹp tuyẹt với những toà nhà đủ màu sắc từ trên đỉnh núi cao chạy dài thoai thoải đến bãi biển sóng vỗ trắng xoá và màu nước xanh mát mắt. Bỗng một tiếng "cộp", tui và mọi người thấy chiếc điện thoại của một bác trai rớt xuống sàn nhà. Ngay lúc đó, em nhân viên y tế ngang qua và chỉ cho bác. Bác ấy vui vẻ nhặt chiếc điện thoại lên (không nói cám ơn chi hết) và vừa nhét vào túi quần vừa kể chuyện với mọi người một cách hân hoan: Cái điện thoại này là đời mới nhứt của Samsung. Vừa mới ra là con gái tôi mua tặng cho tôi đấy. Con muốn tặng để tôi chơi các trò chơi ấy mà! Nhìn nó gọn nhưng mở ra là nó hình vuông, hình ảnh đủ cả, rất rõ nét.( Vừa nói bác ấy vừa mở ra, tôi thoáng thấy màu sắc thiệt là đẹp và đúng là từ hình chữ nhật mở ra thành hình vuông). Con gái tôi là luật sư và lấy chồng là bác sĩ đấy ạ. Mọi người vui vẻ nghe bác ấy kể chuyện một cách hồn nhiên. Và một thoáng trong tui nhớ bài dạy lớp Sáu của một đồng nghiệp " Lợn cưới áo mới " mà tui đã được dự giờ...
Ngồi đối diện tui có hai vợ chồng anh chị khoảng 75-78 tuổi (Vì khi đọc tên, có lúc nhân viên y tế nhắc sinh nhật để khỏi bị nhầm). Chị ấy nhỏ nhắn và lịch lãm. Rất đẹp lão với những nét sắc sảo trên gương mặt chịu khó trang điểm chút xíu nên càng rạng rỡ. Chị quàng chiếc khăn và mặc chiếc váy hoa nho nhỏ xinh xắn dài đến gót chân. Anh chồng cũng rất lịch sự tuy không quá chú ý trang phục nhưng áo bỏ trong quần rất chỉnh chu. Cả hai đều rất vui vẻ và thân thiện. Lúc ngồi ở sảnh bên ngoài, nhân viên xướng tên Lan Nguyễn mấy lần không thấy, anh chị ấy tưởng tên tui nên quay ra nhắc. Và tui đã lịch sự đáp trả nên giờ vào trong này xem như cũng đã biết nhau. Vậy nên khi chị ấy khen bác rớt điện thoại rằng: được con tặng cho vậy là quý quá rồi, bác có phước lắm đó nhé! Tui nhìn chị ấy cười đồng tình: Dạ, chị nói đúng rồi đó... Mọi người trước lần lượt khám xong ra về, đi ngang qua tụi tui nói lời chào xã giao. Bác rớt điện thoại được gọi vào gặp bác sĩ để khám. Có một bác ra, ghé ngồi lại bên chiếc ghế trống. Chị đẹp ấy hỏi: Bác có người con nào đưa bác đi không? Bác ấy nói có nhưng nó về đi làm, chút xíu ghé đón. Lúc nãy, chị ấy cũng đã hỏi một bác gái cỡ bằng tui rằng có ai đưa đi không và bác ấy nói không, lát nữa xe tới đón. Tui cười trong bụng, cười vui vì có người cũng giống mình. Tui sẽ có Uber tới đón sau khi khám mắt xong... Đến lượt chị đẹp được gọi tên. Chị đứng lên đi theo y tá (tui gọi tắt. Vì đôi khi y tá ở đây học 3,4 năm. Gọi chung là nhân viên y tế.) Nhìn dáng đi của chị và giọng nói lúc nãy thật tròn vành rõ chữ, tui cảm thấy chị ấy giống một người bạn thân của tui... Bây giờ, ngồi bên cạnh tui là một người trẻ hơn tui chút xíu, đang lục cái túi xách rồi lẩm bẩm một mình. Thoáng nghe như tiếng cằn nhằn: đã bỏ vô rồi mà, rớt đâu? Rồi lại thì thầm: Vậy là quên đem cái kính ấy theo rồi! Tui không cố tình lắng nghe nữa mà dõi mắt chú ý hình ảnh trên ti vi phía đối diện. Bỗng nghe tiéng cười vui, rất vui và tiếng reo nho nhỏ: Biết mà! Nhớ đã bỏ vô rồi mà! Hihi. (Rồi! Hiểu rôi. Đảng trí, hay quên. Để chỗ này tìm chỗ khác. Để vào ngăn này lại đi tìm ngăn kia.)
Từ hôm qua đến nay tui cứ nghĩ về buổi sáng ở văn phòng bác sĩ khám mắt ( Le eye institute ) và mỉm cười một mình cả lúc đi bộ, lúc ra vưòn, lúc ở trong phòng. Bởi vì tui nghiệm thấy rằng những biểu hiện về tinh thần, thái độ của các vị tui đã gặp hôm qua là những "thuộc tính" đang có trong tui. Ôi, cái bệnh của người già! Không ai hỏi mà cũng nói hoặc chỉ cần một chi tiết nhỏ nào đó gợi lên điều đang muốn nói trong lòng là ào ạt tuôn trào như khơi đúng mạch nước. Mèn ơi, cái bệnh ưa khoe con khoe cháu! Một biểu hiện khác của tuổi già là hơi "tào lao xi đế", quan tâm quá đáng đến người khác cũng dễ tạo nên sự hiểu lầm "soi" hơi kỹ người ta! Tui cũng rất nhiều lần hay quên và lẩm cẩm. Lấy cái này quên cái kia. Có khi cẩn thận quá, cất một đường, tìm một nẻo. Hoặc cất kỷ quá, tìm không ra. Lúc đi đâu cần chuẩn bị giấy tờ phải sắp xếp từ đêm trước. Thế nhưng có khi lên xe rồi mới phát hiện quên đem cái này, cái khác... Thấy được từ những giáo cụ trực quan, tui hiểu được người khác cũng đã có nhiều lúc nghe mình mà như bị tra tấn, tệ hơn thế nữa, đôi khi ...bỗng dưng thấy ghét và coi thường mình! Hey, người-có-tuổi thiệt là phiền phức quá đi thôi.
Thực ra, không có gì phiền phức! Hãy cứ sống chân thành. Biết ơn và trân trọng tình cảm quý hoá của những người thân thiết. Luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan để thấy rằng cuộc đời đáng sống, mọi người đáng yêu. Không hơn thua và phán xét. Tự bao giờ vẫn quan niệm rằng: Ai nhất thì tui thứ nhì. Ai mà hơn nữa, tui thì thứ ba. Huống gì ở tuổi này ! Tui yêu quý hết mọi người, yêu cái sự lẩm cẩm của người già và quý cả sự thông tuệ sắc sảo họ vượt qua tuổi tác.

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2024

CÁI SỰ NHỚ CỦA NGƯỜI GIÀ

Con út có việc ở company, đi công tác Houston, nhân tiện xong công việc ở lại chơi mấy ngày với gia đình. Tui được dịp nằm ngủ với nó, nói chuyện chơi với nó. Con chị nó mua một bag bự chảng, 35 pounds crawfish để thằng anh nó trổ tài nấu crawfish thơm lừng, cay toè loe cái miệng bữa thứ bảy. mấy đứa cháu cứ xoắn lấy dì của chúng nó. Tui thấy vui và ấm áp trong lòng. Sáng nay nó về nhà Austin. Tui thấy nhớ. Đi ra đi vô ngó cái giường, nhìn chỗ nó để đồ mấy bữa nay thấy trống trải. Ra phòng khách coi tivi, tui nhớ mấy chị em con cháu xúm xít coi game show Nhanh như chớp, cười reo ỏm tỏi hôm qua. Ngó tới bếp, thấy cái tô ăn hoành thánh sáng nay nó đã rửa úp trên rổ trong sink, tô lớn nên không xếp vô máy rửa chén.
Chủ nhật, vợ chồng con cái con gái lớn về thăm bên Nội. Tui đi quanh nhà rồi ra vườn. Tui ngó nghiêng mấy cây đậu bắp rồi vô. Hôm nay trời mát mẻ vì giữa trưa qua có trận mưa rào, lúc cả nhà đang ăn crawfish ở patio phía sau. Vườn cây xanh mướt và trĩu trái. Tui không ăn ớt mà trong bụng thấy nóng rứa. Kéo ghế ngồi vô mở computer, nghe gì cũng không thấy hấp dẫn. Tui mở điện thoại, coi giờ rồi text cho con út hỏi về tới nhà Austin chưa con. Nó trả lời về hơn tiếng trước và đã text qua viber trong group. Mèn, cái viber của tui hơi lộn xộn tí nên có khi bình thường, có khi không coi được. Vậy là tui bớt nhớ, đi ăn cơm! Hihi
Tui lại ra vườn coi mấy trái bầu trái mướp xíu rồi vô. Lòng nhẹ nhàng. Tui chụp mấy tấm hình cây trái post lên đây và viết mấy dòng cảm xúc của người già. Đó là những cung bậc của nỗi nhớ trong tần số cảm xúc của người già. Tui già lắm rồi. Cái tâm hồn của người già nua nó dễ dàng xao động và yếu đuối lắm luôn. Tui không thể nghĩ rằng đã có một thời mình rất bản lĩnh và mạnh mẽ khi hai con gái tui ở xa và tui xông xáo như một nữ tướng của gia đình. Chắc ai rồi cũng như rứa thôi. Tre già lưa thưa lá lao xao trong gió. Măng mọc vươn lên mạnh mẽ, cứng cáp để lại tiếp tục một thế hệ non tơ nương tựa. Và người già cũng bắt đầu như trẻ thơ, cứ thích loanh quanh những bước chân trong không gian quen thuộc của mình, cứ thích được thương yêu và che chở. Cũng có khi vòi vĩnh này kia, là vòi vĩnh để được ngồi chơi dưới giàn cây trái mướt xanh dù có là giữa trưa trời nắng. Là những chút nhớ mong chúng nó về ăn những món ngon mình nấu cho nóng sốt. Là cứ hỏi hoài mấy câu quen thuộc sau khi chúng nó đi học bơi, học võ mới về. Tui thật sự già. Sau khi mổ mắt con bên trái, nhìn mọi thứ đều rất rõ. Nhìn thấy luôn những nếp nhăn quá nhiều trên gương mặt với bao nhiêu là dấu hiệu lão hoá ở trên làn da. Tui chấp nhận mình già như trái cà nhưng cũng thích ngầu như những trái bầu lủ khủ trên giàn, một màu xanh mơn mởn. Hihi