Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Dè sẽn và nhún nhường



  Tự bao giờ, mình luôn giữ cái tật hơi-dè-sẽn của mình trong mọi khía cạnh, mọi lãnh vực của cuộc sống. Đó là điều nói thật chứ không hề điểm trang tô vẽ, hoa hòe gì. Đôi khi ngồi một mình giữa thinh lặng của không gian chung quanh hay một mình đếm bước vòng quanh công viên buổi sáng (dĩ nhiên là một mình đầu óc mới thảnh thơi nghĩ ngợi bâng quơ), lòng nhẹ thênh, nghĩ về những ngày tháng xa xưa và khắc nét một điểm tính cách của riêng mình. Cái tật hay dè sẽn!

Hồng trong vườn nhà cũng dè sẽn nở lai rai
Tức là làm gì cũng chừa lại một ít. Không bao giờ đụng tới cái cuối cùng. Nôm na là đụng tới đáy! Hồi nhỏ đi học ở Đà Lạt, bao giờ Mẹ và các Anh căn dặn xa nhà đừng để gần cạn tiền mới báo rồi bị hụt, thương cô út! Quần áo may nhiều cái, nhiều bộ nhưng không bao giờ đem mặc một loạt, luôn dè sẽn, còn vài cái mới toanh cất đó, đợt sau có loạt khác mới tiếp tục lấy đồ mới đợt trước ra mặc, như kiểu người ta mua bán hàng hóa trả vốn "gối đầu" vậy -cái tật này cho đến giờ vẫn y chang như cũ!- Đọc một quyển sách hay, cứ nén lại từng trang, sợ đọc tới trang cuối cùng thì...hết! Nhớ thập niên 80 của thế kỷ trước, mua được quyển sách dịch (hình như của Ấn Độ) "Mùa tôm", giấy vàng khè, mà nội dung hay quá, thương quá, chạm tới trái tim dễ bị tổn thương trong tình yêu của thời buổi bấy giờ, ngồi nơi cầu thang vừa đọc vừa khóc mà cũng không dám đọc hết, cứ để dành..., từ từ...cất đó, mỗi tuần đi dạy về đọc tiếp. Cái tật nó như thế nên gì cũng để dành, từ từ (Trong thời đại và hoàn cảnh cuộc sống hôm nay mà như vậy là...cạp đất như kiểu cô Ngọc Trinh nào đó nói thôi! Vì rề rề như vậy thì mọi cơ hội đều vuột qua mất rồi!) Cũng may là giờ mình đã già rồi, yên phận cậy nhờ con trẻ chứ bắt mình bươn chải thì không biết ra sao! Hi hi, có mấy chữ Anh văn con cái khuyến khích lâu lâu liếc mắt vô mà cũng làm biếng quá!


Công viên đi bộ và tập mỗi ngày
Cái sự dè sẽn cũng áp dụng trong tình trường luôn! Không bao giờ dám mở miệng một cách xa hoa nói lời của trái tim mình. Tình yêu mà giống như thùng gạo, sợ nấu cơm hoài sẽ hết, giống như ly cà phê, sợ uống thì sẽ cạn. Cứ dè sẽn, để đó nhìn. Hihi...Kiểu như:
" Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ..."
Hoặc là:
" Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái,
  Hoa nồng hương mà trái có khi chua!..."

  Vậy cho nên cũng đã có lần nghe một người nào đó nói là: sống chứ không phải chuẩn-bị-sống! May mà Trời thương cho gặp Ông Chồng cũng có tật dè sẽn từ tiền tài vật chất tới tình cảm giống mình! Dè sẽn, kỹ lưỡng chứ không phải 'kỹ tính" mà người đời thường gọi là ki bo! Sự kỹ lưỡng ấy đã thành một ấn tượng khó phai trong lòng con cái khi vừa mới đây, bà Ngoại định viết tên thằng cháu vô hộp đựng đồ ăn và lunch bag của nó đem vô trường mỗi thứ Sáu hằng tuần cho khỏi bị lộn, Mẹ nó nhắc viết một chữ được rồi Bà nhe! Nhớ hồi xưa trên cặp và sandal của con nhìn đâu cũng thấy tên. Ông Ngoại viết trên quai, phía trước, phía sau, rồi bên trong...vì sợ đứa khác cầm nhầm!Hihi...

Góc vườn nhà khiêm tốn, hoa cũng dè dặt nở vài chùm

Sau này trong cuộc sống gia đình, thời còn bao cấp, củi quế gạo châu, rồi con cái ra đời, cuộc sống dễ thở hơn chút xíu, mình với Ba sắp nhỏ cũng dè sẽn vun vén để cho gia đình không bao giờ thiếu thốn. Nôm na là liệu cơm gắp mắm, biết chi tiêu! Thói quen ấy đôi khi làm ngạc nhiên và tò mò cho những ai  ghé nhà chơi mà không chịu lên phòng khách trên lầu, chỉ thích ngồi ở phòng ăn nhà bếp cho thân mật và đỡ mỏi chân. Khách sẽ thấy một tấm bảng nhỏ màu trắng, khiêm tốn ẩn mình trong góc phía sau tủ lạnh. Trên bảng ghi: thay nhớt xe, gas, đường, gạo, dầu ăn...và ngày tháng. Trong thùng đựng gạo sẽ có những con số chỉ ngày tháng năm liên tục mỗi đợt...Hê hê...Chả có gì là bí ẩn. Cũng chẳng phải tính keo kiệt của một người "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành"! Đó là việc làm rất khoa học! Để biết được đến kỳ hạn thay nhớt xe chưa? Bình gas thay ngày nào, bình trước xài mấy tháng? Nay nhanh hay chậm hơn? Đường, dầu ăn bao lâu hết một bình, một ký? Làm như vậy để cân bằng chất béo, chất ngọt trong gia đình mỗi kỳ như thế nào cho ổn. Thế thôi! Ba sắp nhỏ không khỏe, sắp nhỏ đang tuổi lớn, mình phải quán xuyến mọi bề, đâu có nhớ hết cho nổi, đâu có lơ là được! Đó là cách tự nhắc nhở mình, một người vốn dĩ tưng tưng khùng khùng mà quá đa đoan! Cũng nhờ vậy mà sắp nhỏ không bị quá đẹt, quá lùn. Còn Ba sắp nhỏ cân bằng dinh dưỡng, ăn uống đúng, tinh thần thoải mái mới trụ được một con giáp với vợ con kể từ ngày bị tai biến đó chớ! Bây giờ, ở một nơi rất xa với quá khứ, đôi khi nhớ lại,cũng cho phép mình tự khen mình! Một chút thôi, cho nó ấm lòng.

Hoa nhà người
Cái sự nhún nhường của mình nó cũng luôn đi đôi với cách dè sẽn. Bởi vì khi con người ta hào phóng, vung tay quá trán thì ít lúc nào chịu đứng lùi lại phía sau, có phải không? Cho đến bây giờ, mon men bước tới thất tuần mình vẫn là người luôn đứng lùi lại phía sau ai đó và sẵn sàng mỉm cười vui vẻ nhường đường cho người đi sau muốn vượt qua! Nói thiệt chứ không phải trên tinh thần câu tục ngữ thể hiện thói khôn ranh "lội nước theo sau" đâu ạ! Cái sự nhường này để lại cho mình một kỷ niệm hai năm trước, vài lần đón bus ở Canada, thói quen rất tự nhiên, mình né ra và mời người hơi già phía sau mình lên trước. Nhưng họ đã vui vẻ từ chối và bảo mình cứ lên.

Thằng cháu cuốn tóc cho bà rồi tự selfie
Kể cho sắp nhỏ nghe, tụi nó nói đùa: may mà họ chưa nổi giận vì ý Mẹ chê họ già hơn đó chớ!...Haha...Mùa Hè đó, con út về chơi. Một lần, Mẹ rủ đi chùa ở Nhà Bè. Hỏi Google đường xe buýt để đi cho tiện. Rất thuận lợi, đón xe ngang trước trạm ở trường PTNK ra Chợ Bến Thành rồi từ công trường Quách Thị Trang đi thẳng trạm cuối chặng luôn. Hai mẹ con ngồi đợi một hồi lâu rồi có vài người nữa. Trong số hành khách chuẩn bị lên chuyến buýt đó có một vị cư sĩ già, mặc bộ đồ nâu, tay đeo nãi. Theo quán tính, mình đứng lùi lại sau gốc cây để vị ấy bước lên trước, nhưng mấy người khác cứ bình thản chen nhau bước lên, cuối cùng vị ấy rồi đến con út và mình cũng vội chạy tới cửa xe. Ngay lập tức, cậu phụ xế-coi như nhân viên xe buýt- phán vào mặt một câu xanh rờn: Sao không lên, bộ chờ ẵm mới lên xe hả má! Xe dừng thì lên dùm với bà nội!!! Mèn ơi, cái mặt tui từ xám ngắt rồi tới đỏ bừng vì tức giận và xấu hổ! ( Một chút tủi thân, chạnh lòng so sánh với xứ người... Nhớ những lần da vàng mũi tẹt già nua lụm khụm mò lên xe bus, tài xế mắt xanh mũi lõ còn lịch sự good morning, have a nice day... còn giờ chạy hộc tốc như ngựa cho kịp xe mà còn bị cái thằng đáng cháu con nó chửi) Hai mẹ con nhìn nhau. Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời! Rồi lũi thũi tìm chỗ đứng, chờ có ai xuống mới rón rén đặt mông lên ghế. Hê hê. Cho bỏ cái thói nhường!

Hoa vườn nhà cứ dè sẽn, vài ngày lại nở 2 bông
Hồi còn trong nghề dạy học, cứ tới phong trào thi đua là Thầy Cô chủ nhiệm cho tới học trò đều hộc-xì-dầu! Có đôi khi lớp này lớp kia sanh nạnh, tỵ hiềm, mất lòng nhau...Mình cứ chủ trương: Ai nhất thì tôi thứ nhì, Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba...bốn...năm...sáu...gì nữa cũng được nên lớp mình lúc nào cũng thoải mái, ít bị áp lực. Chắc nhờ vậy mà học trò giờ vẫn còn nhớ tới Cô của tụi nó!

 Trong cuộc sống, đối với mình, hai nét tính cách trên luôn đúng và tốt. Nhưng mà cuộc sống như dòng chảy, nó cuồn cuộn và thay đổi không ngừng. Có thể khi xưa đúng nhưng giờ không còn hợp nữa. Mà thật vậy. Nhất là ở một đất nước quá lớn như thế này và quan niệm hoàn toàn khác, tác phong công nghiệp, sự minh bạch, trí tuệ, công bằng, bình đẳng...nhiều thứ khác nữa thì cái sự nhún nhường chắc là không có chỗ chơi! Sắp nhỏ cứ nhắc Mẹ đi thẳng lưng lên mà!

 Lâu lâu nhớ lại ngày xưa, vài ba kỷ niệm nắng mưa một thời...

Hoa vườn nhà

Hoa quỳnh mới nở trong vườn nhà

Đóa quỳnh đầu tiên trong vườn nhà. Nụ thì ra nhiều nhưng nở thì dè sẽn. Hihi...



2 nhận xét:

  1. Thích nhất câu cuối: "Lâu lâu nhớ lại... " và những đóa quỳnh sao mà đẹp thanh thoát thế không biết!

    Trả lờiXóa
  2. Sư phụ ơi, mấy bông quỳnh nhà tui nó cũng tưng tửng, chỉ nở tươi được mấy tiếng à, giữa trưa là héo xàu rồi! Thế mới biết cái đẹp thường quý hiếm và ngắn ngủi he! :-)

    Trả lờiXóa