Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Xao xuyến thời thơ ấu





Có mấy "sự kiện" trong ngày Chủ nhật tác động  đến cảm xúc, thôi  thúc mình phải 
viết: Như bạn Sư phạm mời dự tiệc cưới ở "thành phố Bình Đại" (lời của sư-phụ-hóm-
hĩnh Nguyễn Do ) mà cận ngày  quá nên muốn  tham dự lắm cũng không thể đi được!
Như chuyện Bà Ngoại-Cháu Ngoại ghiền  nhau quá, giờ   phải làm sao đây!... Nhưng
tất cả  đều dành ưu tiên cho nỗi xao xuyến thời thơ ấu   khi đọc bài của Nguyễn Nhật 
Ánh trên tờ báo sáng nay nói về bút mực thuở thế hệ tụi mình đi học ngày xưa.


Cám ơn nhà văn đã đưa tâm hồn tui về cái thời tiểu học ở làng của thế hệ 5X. Ôi,
cái thuở lòng ta còn trong veo như giọt sương trên lá, như nước giếng đình làng;
thanh tịnh như con đường quê chưa bị khuấy động bởi âm thanh của động cơ xe 
máy; ngọt ngào như những đốt mía mùa hè...



Đúng là  những  năm  tháng tiểu học, thế hệ  tụi mình đã  gắn liền với  ngòi viết bầu,
ngòi viết lá tre và bình mực tím. Những tờ giấy thấm màu hồng nhạt hay viên  phấn
trắng lăn qua lăn  lại để thấm những vết mực lem trên trang vở đã  trở thành những 
kỉ niệm nhớ đời, đáng yêu biết mấy! Thời Tiểu học tôi trải qua ở quê nhà làng Mỹ Lợi
thật êm đềm. Không thể quên được lớp Năm A, B và lớp Tư học ở trường thôn Tư ở
cách nhà một trảng cát nóng bỏng lúc chớm hè và lạnh co ro người trong hơi gió bấc
mùa đông. Gọi là lớp Năm A, lớp Năm B để phân biệt với lớp vỡ  lòng học buổi sáng
và lớp có-trình-độ-cao-hơn học vào buổi chiều. Nhưng vài năm sau tôi thì chỉ còn duy 
nhất một lớp Năm - tương ứng với lớp Một bây giờ. Cứ mỗi giờ ra chơi của buổi học,
bọn-xóm-Chợ chúng tôi thường được mấy-bạn-trong-làng dắt chạy về vườn nhà của 
các bạn ấy hoặc vườn-của-hàng-xóm hái cam, hái ổi, hái quýt một cách vô tư. Rồi ríu
rít kéo nhau về trường, nhét "thành quả"trong hộc bàn, lén chuyền tay nhau"tiêu thụ
sản phẩm". 

Thật không may có một lần bị phát hiện khi đám bạn trong "xóm nhà lá" cuối lớp đang 
lén Thầy, lột trái quýt chia nhau. Mùi tinh dầu của vỏ quýt"tỏa hương" thì còn che giấu 
làm sao được! Cho  nên có hai nhân vật được mời đứng lên vì cái tội ăn vụng trong lớp. 
Mà quan trọng hơn cả tội ăn vụng là đã làm cho lớp phân tâm vì mùi thơm của vỏ quýt, 
không chú ý nghe Thầy đang giảng bài toán khó! Biến cố này làm cho lớp học bỗng dưng 
dậy-sóng-ngầm! Tuy mắt mở to, chăm chú nhìn lên bảng, tai vểnh lên (!!!) như đang lắng 
nghe  lời giảng. Nhưng tay thì quơ quơ trong  cái hộc bàn chật ních vừa  lộn xộn tập vở 
vừa lủ khủ mấy trái ổi, trái quýt mới giấu vào. Và"họa vô đơn chí"! Quờ quạng như thế 
nào mà cái bình mực tím đang lủng lẳng trong  hộc bàn tối thui văng ra vừa dính đầy tay 
vừa lem đầy tập vở!  Báo hại mấy trái cây lăn lóc cũng cùng chung số phận bị nhuộm tím 
một phần luôn!

 Hồi đó bàn học của lớp chúng tôi có khoét những lỗ tròn, trong phạm vi mỗi người ngồi, 
trên bàn đều có lỗ tròn như thế. Không phải khoét một chút cạn cạn làm chỗ để bình mực 
trên bàn mà khoét  xuyên qua  mặt bàn để học sinh có thể "thả" cái bình  mực được làm 
từ lọ đựng thuốc Peniciline của các bác y tá sau khi đã dùng hết, bỏ đi... hoặc bất cứ chai 
lọ nho nhỏ xinh xinh nào cũng có thể dùng để ngâm viên  mực tím. Cái "bình mực" được 
cột bằng hai sợi  thép nhỏ quấn vào nhau  hoặc thanh tre  nhỏ  hơn chiếc đũa, gác ngang 
qua lỗ tròn, treo tòng teng trong hộc. Có lẽ  đây cũng  là một-sáng-kiến-táo-bạo-của-nhà-
sản-xuất bàn ghế học trò lúc bấy giờ để  cho các nhân vật  hiếu  động  quay qua quay lại, 
huơ lên huơ xuống trên mặt bàn cũng"bình yên" không làm đổ mực, lấm lem tập vở! Vậy 
mà đứa bạn ngồi kế bên tôi đã phá sản không thương tiếc cái công trình nghiên cứu được 
đưa vào thực tiễn ấy!... 

Thoáng thấy khu vực nghi ngờ cứ lùm xùm gì đó hoài nên Thầy tôi đã bước tới và bảo hắn 
rút  hai tay đang giấu trong hộc bàn ra. Luống cuống thế  nào mà hai ba trái quýt đua nhau 
"bịch, bịch" rớt  xuống  chân hắn, còn hai tay hắn  đưa ra thì lấm  lem  tím lịm... Nét mặt 
nghiêm nghị của Thầy lúc nãy bỗng dưng giãn ra trước vẻ bối rối của hắn, những ánh mắt 
giờ  không còn len lén như trước nữa  mà Thầy trò chúng tôi nhìn  nhau...  cười một  trận 
hả hê!...

Mực tím thời Tiểu học cũng còn một kỷ niệm để đời nữa mà mỗi khi nhớ lại, tôi không
ngờ đã có lúc mình...ngu như thế! Hồi đó, sau khi học hết lớp Tư ở trường Thôn, tất cả
học sinh lên lớp Ba sẽ được về học tại trường gọi là Trường Tổng cho đến hết lớp Nhất 
của bậc Tiểu học. Năm tôi học hết lớp Tư cũng vậy, chúng tôi học chung với học sinh cả
ba thôn khác  trong làng . Nhưng không còn  ở trường Tổng nữa mà học tại ngôi trường 
vừa  mới xây dựng  rất  khang trang gần Sân vận động và Đình làng. Mà hình như càng 
lên lớp, tôi càng dốt Toán!  Nhất là toán-vòi-nước, toán-phân-số và toán-động-tử! ( Sau 
này các con tôi may mắn được thừa hưởng gen của  Ba  nên đã học môn Toán một cách 
dễ dàng chứ không như Mẹ!):-)




Cái sự dốt Toán của tôi nó liên quan đến mực tím và tờ giấy thấm, kỉ niệm không thể nào 
quên thời thơ ấu của tôi. Chưa bao giờ tôi thấy tự tin khi làm xong đáp số một bài toán ! 
Năm ấy, tôi học lớp Nhì, đã bắt đầu phải làm những- bài-toán-rắc-rối. Vất vả lắm mới ra 
được  đáp số nhưng  vẫn chưa tin ở cách làm của mình, nên  lần  nào cũng muốn hỏi bạn 
xem có giống mình không thì mới yên tâm. Bạn tôi là đứa giỏi Toán và viết chữ rất to, nét 
đậm, con số rõ ràng. Bạn thường phải dùng giấy thấm mỗi khi chép bài, làm bài xong cho 
nét chữ khỏi lem. Và đó cũng là cách để bạn giúp tôi yên tâm rằng đáp số bài toán của tôi 
là  đúng:  bạn đưa tờ giấy thấm cho tôi như cho tôi mượn một cách  bình thường.  Nhưng 
không  ai biết rằng tôi đã đọc ngược những hàng chữ số  để biết rằng mình  giải bài toán 
ấy đúng  hay chưa? Với "biện pháp" này, bạn đã giúp tôi nhiều lần trong những lúc kiểm 
tra hay thi cuối học kì.

...Nhiều năm tháng trôi qua, bạn tôi có thể không còn nhớ những kỷ niệm đáng yêu thời 
xa  xưa ấy. Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên nét mực tím ngày nào, cô bạn thân thiết 
dưới  mái trường làng và hai năm Trung học dưới mái trường Vinh Lộc.

Nét mực tím với ngòi  viết lá tre  đã theo chúng tôi suốt thời thơ ấu. Mầu mực ấy cũng đã 
được bơm vào bút máy để viết thư và chép thơ cả thời thiếu nữ của tôi. Sau này ít có dịp 
dùng  bút mực, lại càng hiếm  hoi với mầu mực tím. Nên lúc tình cờ bắt gặp dòng thơ cũ, 
tờ thư  xưa ở đâu đó trong chồng sách, lòng bỗng dưng xao xuyến lạ kỳ...



.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét