Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

Chuyện bao đồng




Đúng là chuyện bao đồng!
Nhưng có cái đầu và trái tim còn đập nên cũng có thất tình hỉ nộ ái
ố. Tức là những cảm xúc đời thường của con người.

Hôm trước Bảo Cung, Người Sài Gòn, học trò tui, gửi cho coi bài viết
của Lan Lê kể về cái sự ngu của một giảng viên trường Đại Học tỉnh
Thái Bình trả lời câu hỏi trong Ai là triệu phú từ t. 1 năm 2007, về Tự Lực
 văn đoàn, bảo chưa nghe tên ấy bao giờ (câu hỏi: Trong tứ trụ của Tự
Lực văn đoàn Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng, Hoàng Đạo, ai trong
nhóm không phải là anh em ruột với 3 người kia?) và suy luận: Đây chắc
là gánh cải lương và Nhất Linh chắc là nghệ sĩ cải lương. Rồi dùng quyền
trợ giúp hỏi người thân, anh bạn đồng nghiệp đang chờ để trợ giúp ở nhà.
Cô ấy giới thiệu người trợ giúp có kiến thức rộng, đọc nhiều sách...chắc
chắn là anh ấy biết. Qua kết nối, đầu dây bên kia nghe cô nhắc lại câu hỏi
rồi trả lời rất dõng dạc, dứt khoát: Hoàng Đạo không phải là anh em ruột
với Thạch Lam, Nhất Linh và Khái Hưng...Rồi khẳng định đúng một trăm
phần trăm. Dĩ nhiên là Cô giảng viên Đại học trả lời theo lời trợ giúp ấy!
Tui nhớ lại, hồi ấy tui cũng đã coi chương trình này.Cũng đã hỉ nộ vì cái sự
nghèo nàn của kiến thức về nền VH nước nhà qua cái đầu của người dạy
Đại học! Cho nên chẳng trách những thế hệ học trò càng về sau càng...
không biết! Nhứt là phía ngoài, xin lỗi, tui không vơ đũa cả nắm, nhưng đó
là một sự thật.
Tui có những học trò đã làm cho tui cảm động vì cái sự yêu văn chương
chữ nghĩa, tìm tòi nghiên cứu của "tụi nó". Chẳng hạn như gửi kể câu chuyện
trên.Cậu học trò của tui thuộc thế hệ lớp Sáu, sinh năm 1975, lứa học trò đầu
tiên tui dạy từ trường Cao Dẳng Sư Phạm Tiền Giang, chuyển về Sài Gòn
sau 10 năm dạy học ở Mỹ Tho, về dạy trường cấp 2 Thực Nghiệm Sư Phạm.
Tui dạy cậu những năm cuối cấp 2. Đó là lứa học trò có quá nhiều kỷ niệm
và rất nhiều em đã thành công, trong nước cũng như ngoài nước.
Cũng có những em không tránh được sự truân chuyên của số phận. Nhưng
có một điều tui rất vui và hạnh phúc vì đã được dạy một thế hệ ham học,
lễ độ, nền nã truyền thống của một thể chế giáo dục từ trước còn sót lại.
Tui phải rất cám ơn quý phụ huynh của tui đã cho tui những em học trò
thông minh và tình nghĩa. Những vốn quý đó đã được hun đúc từ gia đình
mà có lẽ càng về sau, giáo dục VN càng khó tìm thấy. Những năm tui dạy
học dưới mái trường TNSP đã có những thế hệ học trò thật đáng quý và
đáng để hãnh diện. Đồng nghiệp, học trò và phụ huynh còn...trong veo!
Thật đáng quý biết bao!


Tui đã già, thuộc thế hệ cổ lai hi, loại đồ cổ mà không quý hiếm. Đôi khi
nhìn về đường cô lý, thấy thế sự nhiễu nhương... thương cho một trời kỷ
niệm và nhiều thế hệ trẻ trẻ...giờ...bỗng dưng... khó nói quá! Đã dặn mình
nên-không-biết-gì! Thế mà vẫn có lúc nổi xung thiên, như sáng nay, cuối tuần
ngồi chơi với cháu, hân hoan niềm vui thấy cháu như bông hoa. Cháu đi
ngủ trưa, bà cũng tiện tay mở game show "Nhanh như chớp". Có nhiều hoa
khôi, trai thanh gái lịch! Mà sao đầu óc...làm cho người già như tui giận
và buồn...khôn tả! Cả hai đội đều không trả lời được câu hỏi: Vụ án Vườn
Lệ Chi nhắc chúng ta nhớ tới vị anh hùng dân tộc nào? Đều trả lời Võ Thị
Sáu! Cả 2 đều nói nghe lạ quá, chưa nghe lần nào! Ô hô! Ai tai! Thượng
hưởng!!! Sự nghiệp trăm năm là thế này sao!
Câu hỏi: Sân bay lớn nhứt của Singapor là gì? Đội 1 trả lời: Tân Sơn Nhất!
Đội 2 trả lời: Tên gì! Thì sân bay Singapor chớ gì! Một cách dứt khoát! Câu
hỏi: Biên giới trên bộ của Singapor tiếp giáp với những nước nào? Đội 1 trả
lời: chung quanh là biển, đâu có tiếp giáp nước nào! Đội 2 trả lời: Việt Nam!
Câu hỏi: Bài thơ "Bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương được làm bằng thể thơ
gì? Đội 1 trả lời sau khi xòe bàn tay đếm đi đếm lại: Thất ngôn bát cú! Đội 2
trả lời cũng sau khi đã cẩn thận đếm mấy lần trên những ngón tay: Thể thơ
lục bát!

Thôi, không coi nữa! Buồn ơi là buồn! Tắt ti vi. Vô nằm chèo queo với cháu
Nhìn gương mặt thiên thần của cháu cho quên nỗi buồn tào lao, bao đồng...
Rồi lọ mọ mở máy tính, gõ những dòng này để ghi lại cảm xúc, kẻo nó lại
qua đi.
 Chiều ngồi chơi nói chuyện với tụi nhỏ về cảm xúc này. Nó lại trách Mẹ hay
phê phán. Nên hài hước một chút sẽ nhẹ nhàng hơn. Biết đâu người ta cố tình
nói sai để cho chương trình thêm sôi động. Đây là game show, chỉ để giải trí
thôi mà!
Ôi, tui là người nhẹ nhàng lắm đó chớ!







Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Hình như trời vào Thu




Mới hôm kia và những ngày trước đó, nhiều ngày tháng trước đó, thời
tiết ở Houston nóng vô cùng nóng.
Có những hôm trời hơi dịu chút, nhiều mây, mưa được vài hột rồi lại nóng
tiếp. Mong thiệt là mong mưa.
Và hôm qua, trời dịu hẳn. 92 độF. Nhưng khu vực này hiện lên trên điện
thoại 82 rồi tối qua còn 76. Quá thích luôn.
Cháu ngoại cưng của tui bắt đầu mặc áo dài tay đi học. Và đòi Bà ngoại đeo
shot ngay sau khi tắm. Hình như chỉ có 2 bà cháu tui là mẫn cảm với thời tiết
chuyển mùa.
Đêm nằm nghe mưa rả rích ngay bên ngoài cửa sổ. Tiếng ríu rít của chim
trong tổ trên cây phía sân nhà nghe rộn ràng, sinh động. Chừng tuần lễ
nay đã nghe tiếng chim ríu rít, xôn xao. Chắc sắp qua mùa nắng nên  chúng
nó bay về. Cũng có thể từ phía Bắc đã vào mùa lạnh nên bay về phía Nam
ấm áp hơn chăng?


Ờ,chỉ thời tiết thôi mà, mắc mớ chi tui không ngủ được! Có thể vì ly trà nóng
lúc xế chiều với miếng bánh Trung Thu làm cho mình khó ngủ. Lọ mọ dậy
tìm 1/4 viên thuốc đỏ dị ứng hỗ trợ cho giấc ngủ, hơn nửa đêm về sáng rồi mới ngủ được. Vậy nên dậy rất trễ.
Trời chỉ còn mưa lâm râm. Chưa đi bộ. Ngồi nhâm nhi cà phê một mình. Tận
hưởng mùi hương cà phê và vị quen thuộc của sữa. Thiệt thú vị.
Con út text hỏi về thời tiết, con lớn ở bên nhà nhắc cả nhà giữ ấm. Ừa, nghe
lòng thật vui...


Trưa trời mát dịu. Cây cỏ sau ngày mưa hình như tươi xanh hơn. Hồ nước bên đường đi bộ đầy hơn chút sau những tháng nắng nóng. Thật sảng khoái giữa không gian thoáng đãng. Hai hàng cay oak lá vẫn xanh, dưới gốc những cây
thông bắt đầu đầy lá rụng. Nhưng những hàng cây ngô đồng chưa thay đổi.

Hình như mùa Thu đang bắt đầu bước tới gần hơn.