Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

LAS VEGAS - GRAND CANYON

Mùa Giáng sinh về. Các trừơng học ở Mỹ đã đuợc nghỉ từ Dec 17. Hơn 2 tuần cho tụi nhỏ nghỉ, phụ huynh cũng lấy ngày nghỉ để dắt tụi nhỏ đi chơi. Bà Ngoại tụi nhỏ cũng đi chơi với cả nhà. Tui đến Las Vegas đây là lần thứ 2. Hồi đầu năm 2017 tui đã đến nơi đây với nhóm bạn già. Thành phố náo nhiệt, sôi động, ồn ào với nhịp sống nhanh như gió thổi..Thành phố ngày và đêm đều sáng choang, người ta cũng gọi là thành-phố-không-ngủ.
Nhưng cái khu đô thị ồn ào náo nhiệt này cũng có những khoảng lặng, những Museum về khoa hoc, sinh học... mà vào đó, sự yên lặng lan toả, chúng ta dè dặt, nhẹ bước từng bước chân vì sợ phát ra âm thanh. Có những show, trò chơi 4D vô cùng thú vị vì cho chúng ta những cảm giác y như thật.
Nhưng tui vẫn thích nhất là những ngày đi dã ngoại. Khám phá và thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên, nhất là ở một đất nước quá rộng lớn về địa hình như nước Mỹ. Cả nhà thức dậy từ sáng sớm, mới 4 g đã bắt đầu đánh thức tụi nhóc. Ăn uống qua loa rồi chuẩn bị đón xe tới điểm hẹn tour Grand Canyon. Từ Las Vegas đến đó khoảng 4 tiếng, cộng thêm những lần dừng chân dọc đưòng để cà phê và khám phá đặc điểm của địa phương. Vậy nên xe phải khởi hành lúc 5g30 sáng.
Grand Canyon National Park nằm trong tiểu bang Arizona, mùa hèlaf nơi nóng nhất. Mùa này, hôm nay lạnh. Nghe nói có thể có tuyết khi đoàn đến. Khái niệm về Park, công viên, ở Việt Nam ngày trước tui hiểu một cách thông thường như mọi người hoàn toàn khác với khái niệm công viên, công viên quốc gia ở bên này. ( Tui bắt đầu hiểu được sự khác biệt ấy từ năm 2014, lần đầu tới Canada, được con út dắt đi chơi công viên. Lúc đó, tui có cảm giác như công viên ấy rộng bằng cả Sài gòn, Gia Định, Chợ lớn. Nhưng rồi khi qua Mỹ, đến Yellow Stone National Park bao la nối liền nhiều tiểu bang, công viên đá đỏ ở Uhta cũng quá lớn.) Giờ được trải nghiệm giây phút đối diện với Grand Canyon thật ngỡ ngàng, sửng sốt với vẻ đẹp lộng lẫy, lung linh kỳ ảo mà rất hùng vỹ, uy nghi và sự rộng lớn bao la của hẻm núi do sự tạo thành đầy bí ẩn, kỳ diệu của thiên nhiên. Tui thấy tuyết rơi nhè nhẹ trong chốc lát. Mọi ngưòi đến đây đông. Và ai cũng thú vị khi thấy những bông tuyết đang xuất hiện. Hai nhóc tì cháu ngoại hí hửng đưa tay hứng những bông tuyết rơi nghiêng nghiêng ... Một lát tuyết ngưng. Mưa như sương. Mọi ngưòi đi về phía các trails. Mọi người đứng phía trước các ngôi nhà nhìn ra hẻm núi. Bầu trời đầy mây bay là đà.Mây bay ào ào từ phía xa tới rồi lan ra.
Mây như sóng. Quá đẹp. Những thành núi đá hai bên như đối xứng nhau. Mõm đá của núi phía bên trái trên cao có những ngôi nhà. Những căn nhà có bán quà lưư niệm. Những căn nhà có các phòng trưng bày tranh ảnh thuộc về hẻm núi này. Có bức tranh treo giá 5k đô. Có cả những viên đá nhiều màu sắc rất đep.. Trong các căn nhà trên chõm núi này có khi ghi chữ open nơi cửa ra ban-công. Có nơi treo bảng nhỏ có chữ close. Và mọi người đều tuân thủ nghiêm túc. Tui cũng đã đứng ở những chỗ này. Một lát, mọi ngưòi theo con dốc bước xuống để đi tiếp đến nơi có thể thấy rõ hơn vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên thay đổi màu sắc và sự ảo diệu trong từng khoảnh khắc theo nhiệt độ. Mây mù cuồn cuộn như những đợt sóng ào tới. Mây chuyển động không ngừng. Trong chốc lát. Mây như gió. Cuốn đi từng lớp. Núi rừng hiện lên với những phân khúc màu sắc lấp lánh. Quá đẹp. Và tui đã được chiêm ngưỡng khoảnh khắc tuyệt vời bàn tay của thiên nhiên chấm phá nên bức tranh tuyệt tác.
Grand Canyon là tác phẩm tuyệt vời của tạo hoá với sự hình thành từ nhiều triệu năm. Hẻm núi có chiều sâu khoảng 1.600 mét. Dưói đáy là dòng sông Colorado uốn lượn, phía trên là những vách núi dựng đứng với vô số tảng đá nhiều màu sắc, lung linh thay đổi theo sự chiếu rọi của ánh sáng và sự thay đổi nhiệt độ. Thật ra, tui thấy đẹp quá. Ảo diệu quá. Vậy nên tìm hiểu và ghi lại cùng với cảm xúc của mình. Những gì các bạn thấy "chưa ổn", xin vui lòng bỏ qua. Tui chỉ nói lên với góc độ hiểu biêt rất hạn hẹp của minh, như một đứa trẻ háo hức vì bắt gặp được điều mới mẻ vậy thôi mà.

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

MÙA THU ĐẾN MUỘN

THU MUỘN. Mùa này ở phía Bắc nước Mỹ đã bắt đầu có tuyết rơi. Có vài nơi rơi dày và rất lạnh. Dĩ nhiên là những rừng cây lá vàng lá đỏ với vẻ đẹp rất quyến rủ không còn nữa , có nghĩa là mùa Thu đã đang đi qua, chuẩn bị cho mùa Đông đến. Thế nhưng ở phia Nam, nắng vẫn còn rộn ràng dưới bầu trời xanh ngát. Đôi khi bầu trời như sà xuống thấp với màu xám của những đám mây. Cũng có ngày mưa nhẹ nhẹ lất phất chút xíu vào buổi sáng sớm hay chiều tối. Nhiệt độ mùa này rất dễ chịu. Có khi tui nói là lý tưởng vì đi bộ không hề cảm tháy mỏi chân hay mệt. Mà cứ thích ngao du trên các ngả đường dưới cái lạnh năm mấy, sáu mươi độ F mà nắng thì reo trên từng bước chân hoặc nô đùa phía trước.
Chủ nhật nhiệt độ bảy mươi nhưng mà lạnh. Vô chùa, tui vẫn mặc áo khoác và vẫn giữ áo khoác bên trong khi mặc áo tràng, tụng kinh, lễ Phật. Sáng nay đầu tuần, nắng rất đẹp và ấm áp. Tui thích mảnh vườn đã bắt đầu có cải lên xanh. Chậu cúc vàng của tui nở hoa trĩu cành. Tui phải cắt bớt nhiều cành để thay hoa mới trên bàn Phật Quan Âm và bàn thờ Ông Ngoại tụi nhóc. Phòng tui cũng có bình hoa nhỏ. Mùa Thu vàng hoa cúc, đúng của mùa Thu. Còn lá ngoài đường ở đây có rụng mà không nhiều. Chưa nhiều. Cây vẫn còn nửa xanh nửa vàng hoặc nửa vàng nửa đỏ.
Hôm đầu tháng trước (04/11/2023) tui lên Austin, dự lễ cưới con út, dọc đường chỉ có cây xanh. Đường vào thành phố này nhiều đồi dốc và những khu rừng thông. Giống Đà-Lạt. Tui nói ở Texas không có những khu rừng lá vàng đẹp như ở phía Bắc. Đó là ý kiến của tui và cũng là câu hỏi mà Chị Nguyệt dạy Hoá Lê Hồng Phong, phụ huynh của tui đã nói 5 năm trước khi Chị ghé Houston chơi mùa Thanksgiving. Con gái lớn giải thích là ở bang này hầu hết trồng loại cây ever green. Nói vậy vì cũng có những khu trồng cây lá đổi màu khi mùa Thu tới nhưng khong nhiều, chỉ rải rác và không có những cây to. Trên đường quanh xóm tui, có những hàng cây cũng đổi màu lá sau vài đợt lạnh nhè nhẹ chuyển mùa. Tui vừa đi vừa nhìn và thấy người ta đã trồng xen kẻ giữa cây oak (tui gọi là cây sồi) và cây ngô đồng (tui đoán là tên rứa). Nên khi cuối mùa Thu, khoảng cuối tháng 11, hoặc vào giữa tháng 12, mình sẽ thấy xen kẻ giữa màu vang/ đỏ với màu xanh của lá 2 loại cây. Rồi khi lá của cây này đã rụng hết, trơ cành thì cây kế bên vẫn còn xanh um tạo cho người nhìn không có cảm giác trơ trụi, lạnh lẽo ( hihi, tui cảm thấy vậy và cũng đoán mò vậy thôi, không hẳn là kế hoạch của người trồng).
Một ngày có nắng và hơi lạnh lạnh dễ chịu làm cho tâm thế con người ta cũng vui vẻ, an nhiên. Tui đi pha bình trà nhỏ, uống một mình và cảm nhận từng sự chuyển vị thấm trong cổ họng, ấm áp len vào trong ...bụng. Hihi.

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

THẦY VỀ CHÙA CŨ

Hôm rày tui mở You Tube theo dõi Huế của Ta và Truyền thông Phật Giáo đưa lên những hình ảnh Thầy Tuệ Sỹ viên tịch và những nghi lễ Phật giáo trong tang lễ của Thầy. Thật xúc động khi nhìn được hình ảnh sống động của Chùa Già Lam trong các clip ấy! Từng góc hẽm ngoài đường Lê Quang Định đi vào...cho tới cả Chánh điện, hành lang, Điện thờ Phật Ngài Trụ trì xưa...Rất nhiều thay đổi... Tui lại nhớ những hình ảnh xưa. Tui lại nhớ những năm 70 của thế kỷ trước, có một thế hệ quý Thầy, Chú trí thức tu ở Chùa này. Tui chợt nghĩ tới những năm tháng tuổi trẻ của thế hệ ấy, cả hình ảnh của Thầy Tuệ Sỹ. Thời gian và cuộc sống. Thời gian và thời cuộc. Thời gian và dòng đời. Hồi tui học ở ĐH Văn Khoa, tui nhớ thỉnh thoảng vẫn thấy thấp thoáng những bóng dáng sv trong áo lam nhà chùa lẫn giữa màu áo đời thường trong giảng dường hay ngoài bãi giữ xe. Hồi học ĐH Sư Phạm SG, tụi tui cũng được hoc với Sư Cô Tịnh Anh ( Không nhớ rõ môn gì, hình như Khải Đạo, Tâm Lý Học.)
Thời gian trôi nhanh như chớp mắt. Đã hơn nửa thế kỷ qua. Có quá nhiều thay đổi trong cuộc sống, giữa cuộc đời, kẻ còn, người mất... Người trở thành bặc chân tu, hiền triết...cũng có người sau 1975 không còn được thuận duyên tu tập và đã trở lại thế trần. ( Sau 1975, lớp tui cũng có vài bạn là tu xuất từ học viện Phật giáo và cả Chủng viện Thiên Chúa Giáo) Tui từng ngưỡng mộ những bài thơ của Thầy từ thời tuổi trẻ và càng thấm thía hơn những thi phẩm của Thầy mà tui được đọc sau này. Hơi thở thanh thoát của một tâm hồn Thiền hoà vào cỏ cây, thiên nhiên, sông nước của cuộc đời. Những dòng chữ, ý thơ đậm chất vô vi, ảo diệu, phóng khoáng mà thâm trầm sâu sắc. " Đôi mắt ướt, tuổi vàng, khung trời hội cũ Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang..." Hồn thơ của Vị Thi sĩ Thiền sư và những lời dạy giản dị, đời thường của bậc Đạo Sư: " Chúng ta sống làm sao cho đến lúc chết không có gì hối hận, không có gì sai lầm. Đối với bạn bè không có sự lường gạt. Giao tiếp với mọi người không có sự gian dối. Cho tới khi mình chết, mình an tâm, an toàn. Chết đi về đâu không cần biết. Chỉ cần biết mình đã làm những điều chân chánh,hợp đạo lý thì khi chết nhất định sẽ đến những chỗ an toàn" Ngài là vị Giáo phẩm uyên bác với khối lượng tác phẩm dịch thuật lớn, nhiều bộ kinh, luật, luận quan trọng, là tác giả của các công trình nghiên cứu Phật giáo quan trọng. Ngài vừa là Thiền sư vừa là Thi nhân. "Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng. Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều"
Hôm nay, nhìn hình ảnh Chư tôn Hoà Thượng, Chư vị Sư Tăng Ni và Phật tử đưa Giác linh Ngài về Chùa Già Lam Lễ Bái Phật Tổ, trong lòng tôi tràn ngập nhiều cảm xúc xen lẫn nhau. Xin cung kính bái biệt Ngài, Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ.

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

NHỚ CHUÀ XƯA

( Tất cả hình trong bài đều trich mượn trên Net) Chiều hôm qua, tui coi trên You Tube về Thầy Tuệ Sỹ đã viên tịch ở Chùa Phật Ân, Đồng Nai VN. Rất xúc động về sự tôn kính của mọi người đối với Thầy và về cuộc đời của vị Hoà Thượng Thanh cao, trí tuệ và đức độ này. Tui được biết đến quý Thầy từ những năm đầu ở thập niên 70 thế kỷ trước. Năm 1972, tui về học Đại Học ở Sài Gòn. Anh Ngộ tui quen biết với mấy Thầy ở Chùa Già Lam, đường Lê Quang Định, Gò Vấp. Ba tui cũng được ký ảnh thờ ở Chùa này ( Và sau này, năm 1979, Mẹ tui mất ở Phú Nhuận Sài Gòn, tụi tui cũng đã thỉnh quý Thầy trong Chùa cúng thất cho đến thất tuần ở nhà. Ba Mẹ tui đều dược ký ảnh thờ ở Chùa này.) Hồi đó có một thời gian, gần như mỗi tuần tui đều đến lễ Chùa vào ngày Chủ nhật. Vừa lễ Phật, vừa để thắp hương cúng Ba tui, vừa để gặp mấy Thầy, mấy Chú bạn của anh tui, lấy cours ở lớp Phật học mà quý vị đã nhận dùm, gửi cho anh đang ở BMT. Thỉnh thoảng tui gặp được Sư Ôn Trụ trì Thích Trí Thủ. Có năm tui còn được Ôn lì xì vào chiều muộn Mùng 2 Tết. Hồi đó tui đã nghe về Thầy Tuệ Sỹ ở trong Chùa, dạy ở ĐHVH và tui cũng đọc thấy tên Thầy trên những xấp cours Phật học (Chỉ đọc thấy, chưa hiểu gì về triết lý cao siêu). Vài năm sau đó, mộtanh bạn tui, là đàn em của Anh tui, từng học trường Luật ở Huế, đang tập sự ở Sài Gòn,cũng là người quen thân với Thầy Tuệ Sỹ chở tui đến Chùa và đến gặp Thầy Tuệ Sỹ.Hai người nói chuyện thơ phú gì đó trong nhà tiếp khách của Chùa. Coi bộ vui vẻ, hào hứng lắm. Tui chỉ lễ Phật và đi quanh ngắm cây cảnh trong Chùa. Chờ đợi. Không được "diện kiến". Khi về, tui ngồi sau xe nghe anh bạn ấy nói về một bài thơ mới của Thầy. Nói say sưa. Tui chỉ nghe câu được câu chăng, trong đầu chưa biết cảm nhạn gì. Về sau này, được đọc Thơ của Ngài, tui nghe mấy câu quen quen như đã từng được đọc hoặc nghe qua đâu đó. Vậy nên, chuyện uyên bác, cao siêu, triết lý... Người phàm tui chỉ biết ngưỡng mộ mà thôi!
Cảnh chùa Già Lam đầy sắc thái Huế. Tui rất thích những hàng mai vàng được chăm chút, tỉa tót tỉ mỉ và dịp Tết nào cũng nở rộ một màu vàng rực, có cả hương thơm (mà người ta nói đó là đặc trưng của loài hoa mai xứ Huế). Sau này, khi Sư Ôn viên tịch, Chùa có ngôi tháp thờ rất đẹp, trang nghiêm, thanh tịnh và...rất Huế. Hồi đó, qua anh bạn ấy, tui được biết thêm về tâm hồn, trí tuệ của Thầy Tuệ Sỹ, được biết một số bài thơ của Thầy. Tui chỉ dừng lại ở chỗ yêu kính ngưỡng mộ tâm hồn thơ, còn sự uyên bác, trí tuệ của Thầy thì tui chưa hiểu tới. Năm 1986, sau mười năm đi dạy học xa Sài Gòn, (Chỉ về mỗi cuối tuần và các dịp nghỉ Tết, nghỉ Hè khi Mẹ tui còn ở Phú Nhuận. Từ khi mẹ tui bay về Trời, tui ít về hơn, việc đi Chùa Già Lam ở Gò Vấp cũng trở nên thưa thớt, ít dần) tui lập gia đình và về ở quận 5. Cuộc sống gia đình và công việc bận rộn, tui chỉ đến Chùa vào dịp Tết và giỗ Ba Mẹ. Quý Thầy quen biết ngày xưa tui cũng ít gặp lại.. Cảnh chùa cũng ngày càng khác hơn xưa.
Đẹp hơn. Rộng hơn. Khang trang hơn và cũng lạ hơn. Tui rất hãnh diện về ngôi Chùa đậm chất Huế và cảm thấy thân thuộc đối với mình. Tui khoe ngôi chùa với chồng và hằng năm tụi tui đều đặn đến Chùa lễ Phật, thắp nhang Ba Mẹ tui, đi quanh vườn Chùa rực rỡ sắc hoa và ngào ngạt hương hoa xen lẫn hương trầm trong gió, lan toả không gian êm đềm, tĩnh mịch dù luôn đông khách viếng Chùa ( Cái thuở người ta đến Chùa với tâm thế bình an, không chộn rộn; ăn mặc giản dị mà đàng hoàng, nghiêm túc). Gia đình tui cũng đã có những tấm hình kỷ niệm ở Chùa trong nhiều năm tuổi thơ của các con. Rồi tui theo con ra nước ngoài. Năm năm trước tui trở lại quê nhà, có đến thăm Chùa và đã rất vui mừng, xúc động khi thấy ngôi chùa ngày xưa bây giờ đã được xây dựng qui mô, rộng lớn, khang trang lắm lắm. Chánh điện rộng và điểm xuyết những câu liểng đối trên cột gỗ hai bên. Hành lang rộng, thoáng, uy nghi với những hàng cột gỗ đen bóng... Ngôi chùa xây dựng theo phong cách cổ của những ngôi chùa Huế. Tui rất ấm lòng. Tui đi quanh và đến ngôi tháp thờ Sư Ôn vẫn trang nghiêm giữa thiên nhiên cây lá, hương hoa và nhang trầm quyện trong làn gió ...
Chiều hôm qua, tui coi tin về Hoà Thượng Tuệ Sỹ viên tịch, nghe tiểu sử của Thầy, nhắc đến Chùa Già Lam - Học viện Quảng Hương Già Lam - tui bâng khuâng nhớ... nhớ ngôi Chùa với sự hãnh diện rất tự nhiên của một người con Huế về nơi chốn đã có rất nhiều kỷ niệm của mình. Nhớ cái thời vô tới Chùa là nghe rặt tiếng Huế, nhìn cỏ cây vườn tược đầy sắc Huế, chưng bánh trái cũng với bàn tay và cái nhìn của Huế. Tui nhớ bánh thuẫn bột bình tinh cắn vào miếng bánh như tan ngay trong miệng. Nhớ bánh đậu xanh vo tròn gói bằng giấy bóng màu trong. Nhớ mứt gừng cay mà ngọt của những củ gừng xứ Huế. Và nhơ nhiều nhất là những món ăn Huế của Chùa cúng rằm tháng bảy, lễ Vu Lan. Tui nhớ ở ngôi Chùa đó có Sư Ôn Trụ trì gương mặt và nụ cười nhân hậu. Giọng Ngài tụng kinh hay những lần Pháp thoại, hoặc cả những khi nghe Ôn hỏi thăm, dặn dò, nhắn nhủ, nói chuyện đời thường vang lên, vừa chạm vào trái tim vừa đi vào cái đầu tui. Tui nhớ...nhiều thứ ở đó đã trôi qua theo dòng năm tháng. Và ở ngôi Chùa này đã có nhiều bặc chân tu đại nhân, đại trí ẩn mình.
Xin ghi lại khoảnh khắc xúc động trào nước mắt khi xem video trên You Tube về Hoà Thượng Tuệ Sỹ viên tịch. Vị chân tu từng có một thời tuổi trẻ ở Học viện Quảng Hương-Già Lam, nay đã về cõi hư không. Xin cung kính bái biệt Ngài.

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

THỜI TIẾT CHUYỂN MÙA

Thời tiết ở Mỹ có 4 mùa rõ rệt tuy ranh giới giữa các mùa không cố định chỉ gồm 3 tháng. Và cũng tuỳ năm nắng nóng hoặc giá lạnh nhiều hay ít. Năm nay nắng nóng nhiều và kéo dài nhiều tháng trong năm. Có lẽ vì vậy mà cái lạnh cũng đến hình như sớm hơn, dù có hôm lạnh nhiều, có hôm lạnh ít. Tin thời tiết dự báo tuần này nhiệt độ rớt xuống còn năm mấy, sáu mươi ban ngày. Và tối nay thì còn bốn mốt. Lạnh. Lúc tối đi chợ và ghé người quen lấy bánh bột lọc, đi với con gái lớn. ra sân là thấy hơi lạnh và đến parking, xuống xe, vô trong chợ càng lạnh hơn. Đáng ra đi từ chiều với con gái nhỏ nhưng nó đang làm việc trên máy tính ở trong phòng nên tui không biết và cứ nằm chơi trong phòng tui mà đợi. Mãi sau, qua gỏ cửa, thằng chồng nó nói và thấy con nhỏ đang làm việc nên hai người lớn đi. Thương con gái,nhưng nó không muốn thấy mình thương và nói thương. Tụi nó có suy nghĩ của lớp trẻ hiện đại, nhất là những đứa đã tự biết lo cho mình từ khi còn đi học. Tụi trẻ bên này không muốn người lớn theo lo cho từng chút. Mấy nhóc cháu ngoại cũng có những suy nghĩ đó để tự mình làm những việc có thể tự lo cho mình như bỏ đồ máy giặt, sấy và lấy ra tự xếp.v.v. Lớp trẻ ở đây làm việc đáng đồng tiền bát gạo và nhất là con nhỏ, cứ cặm cụi với công việc của mình một cách chăm chỉ và cần mẫn. Thưong là tui không ở bên thường để lo miếng ăn miếng uống cho...vậy thôi chứ chẳng làm gì to tát đâu.
Tối trời lạnh, con Chị đưa thêm cái mền nữa cho tụi nó. Tui cũng thấy thương. Cứ nói nhẹ lòng khi con cái thành gia thất nhưng tình cảm là một cái gì không thể lý giải được và trái tim người Mẹ thì lúc nào cũng nghiêng xuống vì con. Thương chúng nó, đôi khi nhắc chúng nó sắp xếp cuộc sống, ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc cho hợp lý. Nhưng rồi cách sống của chúng nó không giống mình ở cái khoảng cách thời gian và không gian hoàn toàn khác, tính chất công việc cũng khác hoàn toàn. Nó đâu có rị mọ chợ búa nấu nướng như Mẹ nó mấy chục năm trước vừa dạy học vừa lo cho gia đình cơm nước chu toàn. Mọi cái đều được chúng nó thực hiện nhanh chóng, lẹ làng. Mà tui thì ưng từ từ, thủng thẳng, đủ đầy.v.v. Vậy nên nhắc nhở chúng nó cái ăn cái uống cũng thấy kỳ kỳ rồi lại thương thương. Bữa nay lạnh. Khi chiều tính nhổ mớ cải con đã cố ý để dành mong cho vừa ăn được, để làm bánh xèo cho chúng nó ăn. Lại đi chợ mua đồ nấu bò kho, thịt đã lấy sẵn ra rồi. Tối lạnh, quên nhổ cải. Lúc nãy coi thời tiết thấy 41 độ (độ F), tui ra đứng nhìn qua cửa sổ xem thừ cây cải có bị héo vì lạnh không, mà không nhìn rõ được. Vài hôm nữa Thanksgiving, chợ Kroger và HEB tối nay có nhiều người đi mua đồ buổi tối, dù trời lạnh. Chắc ai cũng nghĩ ngày mai sẽ đông lắm nên đi mua tối nay cho khoẻ. Ngoài đường đèn trang trí sáng trưng nhất là ở các ngả tư. Thời tiết chuyển mùa hàng năm, đây đó trên nước Mỹ rộng lớn này có nơi mưa gió, có nơi tuyết sẽ bắt đầu rơi và rồi trong mùa đông lại nghe tin nơi này nơi kia gió lốc hay bão tuyết.
Hồi sáng có nắng nhưng gió vẫn làm cho nhiệt độ hạ xuống. Tui đi bộ lại thấy dễ chịu khi mình mặc đủ ấm và trang bị găng tay kỹ lưỡng. Có nắng hôm rày nên chậu cúc váng trong vườn tui nở rộ. Giờ giữa khuya, không biết nó có bị lạnh cóng không. Ngày mai tui sẽ đem vào mái hiên sau nhà cho đẹp và cũng yên tâm.

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

CHIỀU NGẨN NGƠ CHIỀU...

Cuộc sống luôn có những bất ngờ thú vị. Và trong cuộc đời này vẫn còn đó những con người quá dễ thương với một tâm hồn giản đơn, hồn nhiên và cởi mở. Họ luôn chân tình và dung dị nhưng rất đỗi nghĩa tình... Đã một tháng qua, từ buổi chiều mưa tui rời cồn Thới Sơn về Sài Gòn trên chuyến xe do em nhân viên của học trò ngày xưa lái mà tình cờ trò chuyện tui mới biết. Trời đổ cơn mưa lớn giữa lúc ban trưa, con nuôi là học trò tui từ 40 năm trước lo cột, gói giỏ trái cây và một trái mít Thái to tổ chảng để đem ra phía con lộ trước cổng có lối đi nhỏ hẹp... Đứa cháu lấy xe chở tui đi cho nhanh kẻo mưa ướt. Cô học trò thế hệ thứ hai đang dựng xe máy để chuẩn bị đưa hành lý của tui lên ô tô. Tất cả đều hối hả, nhanh gọn, lẹ kẻo mưa đang ào tới. Cô con nuôi, đứa cháu cũng phải vội vàng chạy vô nhà . Tui đã ngồi trong ô tô. Tài xế lo kiểm tra hành lý và đóng cốp xe. Cô học trò thế hệ thứ hai (nghĩa là học trò của con nuôi của tui, con nuôi là học trò tui từ 1982 trường Nguyễn Đình Chiểu) chạy xe máy trở lại Mỹ Tho vì đã dẫn đường cho tài xế qua chở tui về SG. Trời cứ thế mà đổ mưa. Cơn mưa rào buổi trưa kéo dài trên đường về SG, mưa càng lúc càng nhẹ hạt hơn nhưng không hề tạnh. Lúc xe lên cầu Rạch Miễu mưa rơi nặng hạt và tui rất cảm động khi thấy Cô học trò thế hệ thứ hai chạy xe gắn máy trong mưa. Tui vẫy vẫy tay, qua cửa kính mờ nước mưa vậy mà Cô bé (Gọi thế thôi chư cũng đã gần 40 và là mẹ của một bé trai) cũng nhìn thấy và gật gật đầu chào. Chắc vì thấy chiếc xe và biết là tui đang vẫy chào chăng?
Chiều chủ nhật nên xe trên đường về SG có vẻ đông. Tài xế chào hỏi vài câu xã giao và nói phải 4 năm nữa mới bớt kẹt xe vì lúc đó mới xong cây cầu thứ hai. Tui cũng góp vài câu cho vui và cậu ấy bỗng hỏi: Bác về đây chơi thăm bà con hay con cái. Tui vốn hay dè dặt trước người lạ nên bảo về thăm con gái. Tức thì được hỏi thêm nay bác được 80 chưa? Có cảm giác như bị cho là già trước tuổi nhưng tui không hề khó chịu mà buột miệng bảo: Cũng gần, nay bác 78 tuổi đó con. Và câu chuyện cứ tiếp theo chiều hướng xã giao và rất kiệm lời của tui.
Tui là người coi bộ cứng rắn, dè dặt thế nhưng cũng dễ cảm động trước sự thân tình của người khác đối với mình. ( Cũng đã có nhiều lần cảm xúc bị đánh lừa nhưng không chừa, ví dụ như thời xa xưa mấy chục năm trước (1979) tui đi xe lam từ bến xe Chợ lớn về khu vực Lê Lai, bên hông Chợ Bến Thành để đi xe buýt Lăng Cha Cả về nhà, đã bị nhóm người lừa, rạch túi xách lấy cái ví, không còn một đồng trả tiền xe lam, phải cấn nợ bằng túi trái cây vú sữa và năn nỉ xe buýt không lấy tiền xe! Cớ sự là lúc ngồi trên xe lam, người mẹ trẻ có em bé ngồi sát bên tui cứ để cho em bé bi bô dễ thương rồi giật giật, vỗ vỗ cái nón lá cô ta úp trên túi xách của tui. Thế là tui cũng vô tư mỉm cười, nựng nịu nó. Ai dè đồng bọn của cô ta ngồi kế bên tui, là tui bị ngồi ở giữa, đã rạch túi xách, lấy cái ví rồi xuống xe giữa chừng, mà tui không biết. Lúc tới bến mới "tá hoả". Hihi )... Nghe cậu tài xế nói thỉnh thoảng lái xe đưa khách lên Sài-Gòn và lượt về thường chạy xe không. Bác cho số điện thoại, con sẽ ghé chở bác về thăm con của bác, con không lấy tiền đâu! Vì tụi con mua xe mà cũng ít đi. Lúc đầu còn chở vợ, con đi chơi nhưng riết rồi tụi nó cũng không ham lắm. Vậy nên bà xã con cũng đồng ý để con chạy hợp đồng đưa khách lên Sài Gòn hoặc sân bay TSN. Để xe không, ít đi, thấy cũng...hơi phí đó bác! Con làm việc bên Điện lực, thường chạy xe vào cuối tuần hoặc ngoài giờ. Anh em trong nhóm lên lịch cho con hoặc có ai đó bận thì con nhận hợp đồng của họ... Tui cảm động. Vì cái chất-Nam-bộ ở học trò và đồng nghiệp của tui từ bấy nhiêu năm trước và từ buổi gặp nhau ở nhà chị Lệ tuần qua đang đâu đó trong tính cách của cậu tài xế này (tui đoán là kỷ sư điện).
Mèn ơi, tui đang ngồi trên chiếc Inova bảy chỗ, màu trắng, mới tinh, sang trọng, rất sang trọng ở VN và nhất là ở Tiền Giang. Chủ xe là tài xế tốt bụng, trí thức và lịch sự. À, giờ tui đã hiểu. Thường tui được con nuôi và cô bé học trò liên lạc với H để đón tui từ SG về hay đưa tui từ Mỹ Tho lên. Hôm nay, chúng nó nói H bận nên sẽ có người khác. Và đó là cơ duyên tui gặp cậu tài xế dễ thương này. Tui bắt đầu nói với cậu ấy rằng từ 1976 đến 1983 tui từng dạy học ở trường Nguyễn Đình Chiểu và sau đó qua Cao Đẳng TG đến 1986 mới về lại SG. Hình như cậu tài xế reo lên nho nhỏ: Không chừng sếp của con đã học với Cô (bây giờ trở đi, tài xế gọi tui bằng Cô. Hihi. Một biểu hiện của sự hiểu biết!). Sếp con đã về hưu nhưng thỉnh thoảng tụi con vẫn gặp sếp, có khi để học hỏi kinh nghiệm, để được chỉ dẫn những kiến thức chuyên môn trong ngành, để ứng xử ở đời; có khi để chia sẻ tâm sự; và cũng có khi chỉ để ngồi uống với nhau lon bia. Tụi con rất kính trọng sếp... Lại mèn ơi! Cô chưa biết Sếp của con là ai nhưng nghe con kể với một người chưa quen biết về Sếp, Cô cảm thấy quý mến cả 2 người.
Tui hỏi: Con làm bên điện lực, có biết Tr không? Tức thì, như khơi được mạch nước, vòi nước tự nhiên phun lên mạnh mẽ từ lòng đất. Cậu tài xế bắt đầu nói về Sếp của mình với niềm ngưỡng mộ, tui cảm nhận được từ cung bậc của giọng nói. Hihi. Tui cũng kể vài kỷ niệm về Tr ,về những hiểu biết của tui về gia đình Tr hồi đó. Thật ra, tui có dạy Tr lớp 11, 12C5 ( ban Toán ) nhưng không thân với em ấy bằng T, dù tui chỉ dạy T một học kỳ 2 năm học 11C6 (1976-1977). Cả 2 anh em đều học rất giỏi. Thứ Mười và Mười Một trong một gia đình quá giỏi và đạo đức. Các anh lớn là Giáo Sư Đại Học từ trước 1975, là Tiến sĩ, Bác sĩ. Có các chị đều tốt nghiệp Đại học, là Kỷ sư, Giáo viên. Hồi đó, thân thiết với T nên tui cũng quen thân với gia đình. Với Người Mẹ phúc hậu đã từng vá cái túi xách cho tui và cột quai nón cho tui đi lao động đào kênh ở Mỹ Phong, đã có những vắt cơm để bé Mười đem cho Cô. Và cuối tuần về SG, Cô đều gửi cặp sách có giáo án và vài thứ quan trong nhờ Mười đưa Mẹ cất dùm kẻo để trong phòng ở Trường sợ trộm lấy mất. ( Đã vài lần bị trộm bẻ khoá lấy đồ vào dịp nghỉ lễ, Cô và Cô Liên về nhà; đã có lần ban đêm ngủ trong phòng nhưng phơi đồ bên cửa sổ bị trộm cuỗm mất lúc nào, sáng ra mới biết). Cô cũng đã nhờ các anh của T và Tr giúp vài việc cho gia đình, kể cả nhờ Anh Chị Bác Sĩ Thống-Trinh ở Chợ Rẫy khám bệnh cho Mẹ Cô vì hồi đó (1979) nhà Cô ở Phú Nhuận không đúng tuyến.v..v
Cậu tài xế tỏ ra tiếc nuối và nói: Tiếc quá, nếu biết Sếp con từng là học trò Cô thì lúc nãy con đã đưa Cô vào thăm và ở lại chơi đến tối đưa Cô về SG. Tiếc quá! để con gọi cho Chú ấy biết Cô nhé! Lại mèn nữa! Vì thương cậu tài xế quá! Thương cái tâm dạt dào tình cảm, cái cách sống tình nghĩa với người lãnh đạo mình trong công ty điện lực Tỉnh. Cậu ấy goi Trình bằng Chú. Bỗng dưng, tui thấy mình già tám mươi tuổi như cậu ấy đoán lúc mới lên xe. Và cũng bỗng dưng, tui thấy cả một bầu trời kỷ niệm thanh xuân của mình... Cậu ấy đã có đến 3 cuộc điện thoại cách nhau chừng 10 phút, gọi tới sếp cũ của mình chỉ để báo với người ấy rằng đang gặp Cô giáo gần năm mươi năm trước của Chú! Vậy thôi mà cậu ta rất vui và tui cũng cảm nhận được sự rộn ràng, náo nức trong trái tim cậu ấy, người cha của 2 đứa con đang học lớp Mười và lớp Bảy! Cậu không chịu ngừng gọi dù biết trời vẫn đang mưa. Rồi nói như phân bua với tui rằng mưa như thế này mà Chú ấy đi đâu(?), chắc đang coi sóc mấy cây cối sau vườn!
Và rồi tui cũng đã thấy được mức độ thân thiết của hai người ấy, sếp và nhân viên, họ đã quý nhau như thế nào khi người sếp ấy cũng gọi lại lúc xe vào trung tâm thành phố, tui cũng sắp tới nhà. Cậu ấy hào hứng trả lời lý do đã gọi cho Tr (tên sếp của cậu ấy, là học trò ngày xưa của tui) vừa đề nghị Tr nói chuyện với tui, vừa tính đưa điện thoại... Tui cảm động trước thái độ nồng nhiệt ấy và cũng nghĩ chắc cậu học trò ngày xưa của tui sẽ đủ bản lĩnh để không chào hỏi một người gần như xa lạ, đã biến mất, không hề gặp từ lúc ra trường Trung Học, hơn 40 năm, bỗng từ trên trời rơi xuống, đi trên xe nhân viên cũ của mình, mình phải chào hỏi như người quen thân! Không biết có đúng như tui đoán không mà sau một chút ngập ngừng, tui nghe từ điện thoại trên tay cậu tài xế đang cầm vô-lăng rằng: chú đang trên đường chạy xe máy, trời mưa nên nói điện thoại không tiện, cháu xin số của Cô Mai rồi Chú sẽ gọi lại sau. Tui cũng thở phào...vì nhiều lý do! Đoạn đường về nhà đang dần ngắn lại. Trời vẫn còn mưa. Mưa Thu. Cuối cùng tui cũng phải nói với cháu tài xế rằng tui về từ Mỹ và hai ngày nữa tui bay qua Mỹ lại. Cám ơn cháu đã có cuộc gặp tình cờ thú vị này và đã giúp Cô nhiều thứ. Cậu bé hình như hơi khựng lại một chút trong lúc chuyện trò với tui rồi chắt lưỡi "tiếc quá!". Cậu nói : con là Toàn, Cô lưu số của con, số của chú Trình (Cậu ấy gọi học trò tui bằng Chú thì phải gọi tui bằng Bà mới đúng. Hihi) rồi Cô gọi lại cho con để biết số của Cô nghe Cô. Tui nghe và biểu Toàn đọc để tui lưu. Nhưng mà tui về VN, cháu tui đã đưa điện thoại để tui dùng. Điện thoại của tui đã được khuyến cáo phải gỡ sim, chỉ có thể dùng viber và face book nếu có wifi, để không phải nghe và trả lời loạn xị những cuộc gọi từ Mỹ, sẽ bị charge tiền khủng hoảng luôn! Mấy ngày ở Mỹ Tho, tui không mang theo điện thoại VN cháu tui đưa, đã không liên lạc gì với ai vì thời gian về quê ít quá! Sau đó, tui đã gọi cho cháu Toàn lái xe như lời hứa và cũng dặn Cô sẽ gọi lại cho Trình.
Mèn ơi! Thời gian qua đi nhanh như chớp mắt! Tui trả điện thoại lại cho cháu mà chưa có cuộc gọi lại cho học trò, dù học trò già đã về nghỉ hưu thì cũng có khối chuyện đời để mà suy tư và tận hưởng. Nhưng tui cũng áy náy. Tui thuộc típ người đa đoan, đa sự lại hoài cổ tùm lum nên cái gì dính tới xưa xưa...hồi đó... là tui như rà trúng tần số, nói hoài không hết, kể mãi vẫn còn. Tui không thân lắm với Tr vì cái bóng anh Mười quá lớn đối với em mà tính em lại hay rụt rè, nhút nhát khi tiếp xúc với Thầy Cô dù em học rất giỏi.Nhưng giai đoạn dạy anh em Trình và Tuấn là những năm gần cuối thập niên 70 của thế kỷ trước...có biết bao kỷ niệm để ôn, biết bao biến động của gia đình và tuổi trẻ tui để nhớ. Có nhiều kỷ niệm với học trò thế hệ mà bây giờ đã làm ông bà Nội-Ngoại, học trò với tui như những đứa em, những người bạn thân, tri kỷ.
Cô muốn bài viết này đến với Thanh, cô học-trò-tri-kỷ, rồi Thanh share cho Tuấn. Tụi em là những người bạn thân thiết với Cô những năm tháng mới về trường Ng Đ C, bao kỷ niệm vui buồn và những biến động trong cuộc sống. Mong một ngày Cô Trò mình có dịp gặp nhau ôn lại kỷ-niệm-đời. Ơ, mong thì mong vậy. Nhưng khi gặp nhau đâu có thời gian rề rà ôn lại kỷ niệm xưa! Kinh nghiệm chuyến về VN lần này, có được những cuộc-hội-ngộ-vàng nhưng tất cả đều chỉ diễn ra trong khoảnh khắc! Dù có 8 tiếng hay 6 tiếng rồi 3 tiếng thì cỹng chỉ kịp có những cái ôm, cái nắm tay, những nụ cười, tiếng cười và muôn vàn kỷ niệm chỉ được lướt nhanh, tốc hành, chớp nhoáng! Làm sao mà ôn lại chuyện đời, ôn lại kỷ niệm đời! Cho nên, một cuộc điện thoại dỡ dang chưa kịp gọi. Một cuộc hẹn cứ "định" hoài mà không kịp, lại quên... đôi khi cũng quý và có cái hay của nó. Đó là sự tiếc nhớ ngẩn ngơ, là sự hoài niệm nồng nàn về ký ức của một thời...
Mùa Thu đang đến. Sáng nay trời lạnh. Trưa hôm qua tui đi chùa nhiệt độ ở số 90. Nhưng sáng nay thức dậy chỉ còn 45-46 độ F (khoảng 6-7 độ C). Tui chợt nhớ đến truyện ngắn "Gió đầu mùa" của Thạch Lam đã được đọc từ tuổi thơ ở Huế và dạy cho học trò lúc mình khoảng tuổi trung niên. Sự cảm nhận mỗi giai đoạn của đời người và cuộc sống khác nhau. đúng vậy, cảm nhận từ tác phẩm thì khác nhau tuỳ từng lúc và từng nơi, tuỳ không gian và thời gian của đời người. Nhưng sự hoài niệm và cảm xúc thì...hình như mãi mãi là vẫn vậy. Chỉ có thể hiện bên ngoài hay cất giữ bên trong tâm hồn của mình thôi. Vậy nên, một hơi gió, một màn sương, một sợi nắng, một khoảnh khắc hay một ai đó thuộc về kỷ niệm được khơi gợi lại, dường như vẫn "êm êm chiều ngẩn ngơ chiều".