Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

CÁI SỰ LƯỜI CUẢ TUỔI GIÀ

Tui là người có những lúc hơi bốc đồng chút xíu, nhưng cũng có lúc thích chui vào cái khoảng lặng của riêng mình. Khi càng lớn tuổi, nghĩa là càng già, tui có vẻ thích lui về không gian yên tĩnh của tâm hồn nhiều hơn. Đôi khi rất muốn viết những gì đã suy nghĩ rồi lại thôi. Cái tật hay nói dễ làm mất lòng người khác. Và không viết nó lại trở thành: thôi, không muốn viết! Lâu dần thành ...tật khó chữa! Hổm rày, thời tiết thật dễ chịu. đúng là mùa Xuân, ban ngày thường 60-70 độ. Nhiều hôm năm mấy, sáu mươi... Gió nhè nhẹ. Chim hót ríu rít trên cành cây hai bên đường đi bộ và trong vườn nhà con gái lớn. Mấy cụm hoa hồng trước sân nở rực rỡ và rau cỏ vườn sau bắt đầu lên xanh mướt. Tui bỗng dưng thích chơi với cây lá hơn là ngồi gõ phím trước computer. Thật ra thì một ngày tui cũng mất mấy tiếng với ba cái chuyện youtube và news. Rất tốn thời gian và rất sa đà. Tui cũng thích khâu nút áo, lục soạn quần áo ra, treo lên để nhìn cho đã rồi lại xếp cất. Một đống áo dài cũ mới ít có dịp mặc cho hết...
Coi vậy chứ cũng bận rộn và thời gian trôi đi rất nhanh. Tụi nhỏ đi học về là líu lo với Bà đủ thứ chuyện. Nhất là cháu gái, vừa là con gái ưa kể chuyện, vừa là đứa biết nói tiếng Việt trôi chảy, rõ ràng, có vốn từ và ảnh hưởng từ Bà Ngoại xíu về tính tình và cả tín ngưỡng, cho nên bé mà xáp vào với Bà là có biết bao nhiêu chuyện để nói. Hihi. ( Phần trên đây viết từ 21/4. Mấy ngày nay không mở ra để viết tiếp)
Bữa đi chùa, một ngày tu tập. Lạy Từ Bi Thuỷ Sám thôi mà về nhà cái chân cứng ngắt Trời ạ. Thế mới biết lâu không rèn luyện thì xương khớp bị gỉ sét thôi. Thế là hai ba bữa nay chịu khó uốn éo cái khớp bàn chân tí, xoay qua xoay lại cái cổ theo tư thế yoga... Thế là ổn. Mỗi ngày vẫn cứ đi bộ trong nắng ấm hoặc đôi khi trời đầy mây và có gió. Kể ra, tui cũng thuộc vào loại người trớt qướt! Tháng trước đi chùa về, buổi chiều nắng đẹp và cũng muốn ra vườn sau ngồi tí cho khoẻ. Chui vô đám ngò rí đang nở rộ hoa, đang thu hút rất là nhiều ong ruồi hút mật, dưới bóng cây hồng mềm cũng đang nở hoa đơm trái. Thế là hôm sau con gái thấy bên mí mắt Mẹ bị sưng. Nó hỏi tui mới soi gương và thấy sưng mọng. Thì ra mấy em ong đã tấn công mà tui không biết. Mất gần cả tuần mí mắt mới lại bình thường. Báo hại đến hẹn tái khám cái vụ cataract. Bác sĩ soi và nói còn sưng. Bị chích một mũi trong mí mắt và cho toa thêm thuốc nhỏ mắt.
Lần thứ 2 trớt qướt nữa là hẹn đi ăn với cô bạn Linh để cô ấy travel Việt Nam. Mặc cái áo lụa màu dịu nhẹ. Bạn chụp tấm hình ở parking lúc ghé shopping. Làm điệu ngoéo cái chân đứng ẹo ẹo. Tối về nằm ngủ bỗng dưng lắng nghe cơ thể (hihi) thấy chỗ mắt cá chân bị đau. Hôm sau đi bộ khớp bàn chân bị đau. Báo hại mất mấy ngày ngồi tập tư thế bàn chân này gác lên đùi kia và xoay bàn chân theo tư thế Yoga. Vài hôm đã ổn. Rồi hôm đầu thang Tư, nhật thực trên Bắc Mỹ, một số tiểu bang có nhật thực toàn phần đi qua, trong đó có Texas. Tui coi trên tivi trực tiếp. Vợ chồng con gái út coi ở Dallas. Tối hôm đó, định sẽ viết như kể lại một sự kiện sau này đọc lại chơi. Nhớ hồi năm 1995 hay 1996 gì đó, nhật thực đi qua VN, đâu ở Phan Thiết "nhiều phần" hơn, còn Sài gòn chỉ thoáng qua trong giây phút mà chỉ " một phần rất nhỏ", nên tui nhớ trời bỗng dưng tắt nắng thôi, chẳng thấy âm u gì. Và tui xách xe chạy vô trường cùng với lớp chủ nhiệm 9A7 xúm xít phía sân sau của lớp. Hôm ấy tui không có giờ dạy mà cả trường cũng cho học sinh ra coi nhật thực diễn ra rồi vô học lại như bình thường... Kỳ này tui đã định sẽ viết và có mấy tấm hình với video tụi nó quay trực tiếp ở Dallas, nhưng rồi cái tật lười đã làm trì trệ, mất thời-gian-tính, không có hứng thú để ghi lại nữa.
Hình như khi mập lên một chút, con người ta bỗng dưng lười. Khi già hơn một chút, người ta thích làm gì có vẻ tự do tự tại hơn là nguyên tắc, khuôn mẫu, giờ giấc. Nói vậy như là để nguỵ biện cho cái sự lười của tui. Tui có thể đi tới đi lui ngoài vườn cả mấy tiếng để thụ phấn cho cây bầu, cây mướp, dưa leo. Hoặc uốn éo cho cái vòi cây đậu, cây bầu leo đúng hướng lên giàn ( cũng có lúc mãi thì thầm với chúng, làm gãy cái đọt vì giòn quá, tui lại hối hận ngập tràn và thương cây vì sự hậu đậu của minh ), hay xới đất, tưới tẩm cho luống dền, tần ô... Chứ lười gõ bàn phím ghi lại những điều đã nghĩ và định viết, lười tập đầy đủ thời gian dành cho Yoga như trước đã từng. Nhưng mà phải cố gắng hoạt động trí não và cũng phải tự uốn mình theo nguyên tắc mình đã đề ra cho chính mình trong cuộc sống từ trước giờ để làm chậm bớt cái bệnh hay quên của người già

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

CATARACT

Hồi tháng Hai, sau Tết, tui khám mắt theo hẹn hàng năm. Bác sĩ cho hẹn phẩu thuật cataract, nôm na mình thường gọi là mổ cườm mắt của người già. ( Tui nhớ hồi xưa khám sức khoẻ ở VN để làm hồ sơ xuất cảnh, tui hỏi bs có bị cườm chưa thì được bs trả lời vui là : Chưa, Cô đừng lo, cứ đi rồi 9 năm nữa về mổ. Hihi. Tui thích những người vui vẻ, lạc quan nên nghe và nhớ cho đến giờ. Bs giỏi thiệt ta ơi! ) Mấy hôm chưa tới ngày đi phẩu thuật, tui lo lắng thể hiện trên nét mặt. Con gái, con rể trấn an đủ thứ, chúng nó cũng hỏi thăm kinh nghiệm của phụ huynh bạn bè đã từng và vừa mới mổ xong để biết cần làm gì v.v. Nhân viên phòng mạch bs gọi dặn dò kỹ càng sắp đến ngày hẹn, nhân viên bv cũng gọi phỏng vấn chi tiết những thông tin y tế của tui rồi dặn dò, nhắc nhở đủ thứ. Tui cũng nhớ hôm trước đi chơi với Tuyết và Nhung, Nhung đã kể về cái sự vui vẻ vì đã nhìn thấy cảnh vật, cuộc đời đẹp tươi rực rỡ hơn sau khi làm cataract. Tui thấy yên tâm. Con gái lớn theo Mẹ trên từng bước chân. Ấm lòng. Con bé ở Austin liên tục gọi hỏi thăm tình hình, nhắc nhở này kia, có cả trêu ghẹo chọc cười Mẹ đeo kính một bên như cướp biển, còn đeo thêm kính mát của bs cho khỏi chói dù ở trong nhà và cả lúc nằm "dưỡng thương". Hihi.
Bữa nay coi như tạm ổn. Tui đã nghỉ ngơi gần tuần lễ không sờ tới các em hoa lá cành ở ngoài vườn. Dù ngay ngày hôm sau khi phẩu thuật phải tới office của bs tái khám và được dặn là good, ăn uống làm việc bình thưòng được rồi nhưng tui vẫn còn "rón rén" xíu. Sau đó tui đã đi bộ như bình thường, không được tập thể dục mạnh quá và cũng chưa sì sụp cúi xuống lạy. Êh, tui sợ nó rớt ra. ha ha. Mấy hôm tuần rồi trời mát mẻ, cũng có hôm lạnh xíu nên cây cỏ, hoa lá mau ra cành tươi tốt. Tui đã đem mấy cây đậu bắp và bầu sao qua cho chị Hiền trồng trong dịp thời tiết thuận lợi và cũng trồng mấy cây dưa leo, mướp thơm ra đất. Thế nhưng ngoại trừ những cây và các thứ rau trồng trong các ô đất đã được rào lưới cẩn thận thì thứ nào trồng bên ngoài cũng bị em Thỏ xơi sạch không còn ngọn lá, te tua... Sáng nay dậy sớm nấu xôi lên Chùa cúng. Chủ nhật đi Chùa, tui thường nấu xôi mang lên cúng. Chơi với vợ chồng Hồng Hải tui cũng lây luôn Phật tính trong tâm hồn hai cháu ấy. Chúng nó đều ngoài năm mươi, không có con. Tui ngưỡng mộ về cái Tâm, sự hiểu biết về Đạo, sống chân thành, rất chi hướng Thiện! Hồi mới biết ở Chùa, tui thấy Hải còn trẻ mà tu thiệt là giỏi. Đơn giản với tui thấy "giỏi" ở cung cách thỉnh chuông mõ, tụng kinh hay và thái độ ứng xử với mọi người. Khi quen biết rồi, thấy được sự hiểu biết của nó về Phật pháp. Tui nể và thương. Rất quý chúng nó. Và cuộc đời này có rất nhiều điều vi diệu. Chúng nó mua nhà cũng gần khu nhà con gái tui. Vậy nên, không quản trời Hè nắng nóng hay mùa Đông lạnh, chúng nó luôn đón Cô đi Chùa mỗi ngày chủ nhật. Vui thay!
Vì cái sự cataract nên tui không mò vô blog viết gì từ mấy tuần này ( Hihi, cũng có thể chỉ là mượn cớ thôi, vì trưóc đó cũng ít mò vô mà! )và cũng rất it text més. Hôm kia đọc thấy bạn Doãn bị đỏ mắt nên sáng hôm sau đó đi bộ, chợt nhớ và sẵn đem theo điện thoai, lại gặp khi gió mát, trời xanh, ngắm cảnh sinh tình, nghĩ tới bạn, bèn bấm máy hỏi thăm. Quên mất cái vụ tuổi chúng mình không nghe điện thoại vào buổi tối. Có khi tui tắt, có khi tui để chế độ máy bay cho nó im, không làm ồn mất ngủ hoặc làm rộn khi buổi tối, thường khoảng tám, chín giờ tui cũng niệm Phật và thầm thì với Vũ trụ. Không gian và thế giới riêng. Con cháu yêu lắm cũng phải ra khỏi phòng Bà. Bà đi ngủ thường rất sớm. Có khi sớm hơn cả cháu. Vậy nên về VN, O Mai làm các cháu ngạc nhiên vì buổi tối không đi chơi, ăn uống theo kiểu Sài Gòn mà đi ngủ sớm, lại không gọi điện đường dài ban đêm gì hết! Riết rồi tui cũng có nguyên tắc riêng trong cuộc sống của mình dù tui là người rất xuề xoà, dễ tinh và sống đơn giản! Đơn giản và chân thành nghĩa là không kiểu cách, là không thảo mai nhưng phải có nguyên tắc. Hihi. Và tui biết bạn tui cũng thế. Sáng nay, sáng sớm, text thăm nhau vài câu. Gặp được rồi. Biết nhau ổn. Là an tâm. Và chúc nhau bình an. Tui yêu tiếng Việt. Tiếng Việt trọn nghĩa, tròn trịa, đầy đủ âm và tiếng. Từ Hán Việt và tiếng Nôm. Cái nào ra cái nấy. Một từ thì có tiếng Nôm, thuần Việt "ổn". Từ ghép thì phải giữ nguyên: "bình an". Nói lai lai, mất gốc tí thì "ok". HIhi.
Có thể tui thuộc kiểu già-xưa-lạc hậu nên nói chi cũng phải đủ đầy ý nghĩa. Tui có tật hay dị ứng với cách nói chỉ dùng 1 từ trong từ ghép (theo ý tui). Cụt ngủn, hụt hẩng, lưng lửng, chơi vơi! Nó phải trọn ven đi với nhau. Ví dụ: an lành, an bình, an vui, an nhiên..v..v. Ôi những tính từ ghép đáng yêu quý, nâng niu, trân trọng ấy ngày nay đã được các cao nhân tách ra theo cách nói thượng tầng, thuợng lưư tri thức của thời 4.0 hay 5.0 gì đó làm cho tui đôi khi tự khó chịu với chính mình. Haha. Đúng là tui tự làm khổ tui. Và đây cũng chỉ là nói cho vui thôi. Mỗi người đều có quyền thể hiện cách riêng của mình, trên vai trò và vị trí của mình. đây là quan điểm của riêng tui thôi nhé ạ.
Hey, dài dòng lan man quá chắc cũng vì hiệu ứng của Cataract, ai biểu mở kính ra, thấy bầu trời xanh, nắng đẹp quá làm chi rứa! Hihi

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

SPRING BREAK

Là kỳ nghỉ Xuân. Cũng có thể nghĩ rằng mùa Xuân đến. Tui nói là mùa Xuân bừng nở. Tui tạm dịch như vậy cho tui cảm nhận được cái sự bừng dậy của mùa Xuân trên đất Mỹ. Thật ra, nó nở rộ đối với những bang từng chịu sự ảm đạm lạnh giá của mùa Đông. Nhất là phía Bắc. Còn dưới phía Nam thì không lạnh nhiều. Thỉnh thoảng, mùa Đông có những đợt lạnh hơn bình thường chút xíu, có khi xuống tới 30 độ F, một hôm, rồi lên lại bốn mấy năm mấy độ, vài hôm. Sau đó vừa vừa khoảng sáu mấy, bảy mấy. Là bắt đầu với cái mức của trên dưới tám mươi để chuẩn bị bước vào mấy tháng của mùa-hè-rất-dài-gần-sáu-tháng mà có khi cao điểm là nhiệt độ lên tới 3 con số!
Cái lạnh giá, lạnh buốt của mùa đông ở đây chỉ thường xảy ra một hôm, có năm đặc biệt vài hôm. Nhưng dù chỉ một hôm, một đêm thôi, cây cối cam quýt, chanh quất, bưởi ổi, hồng giòn, hồng dẽo.v.v. Hay các thứ rau thơm, rau cải, mùng tơi, kale, su hào, tần ô, sả ớt.v.v.. cũng đều đông đá hay xẹp lép, nếu có trái trên cành thì cũng bị luộc chín bới cái lạnh của nhiệt độ hạ xuống bằng 0 hay âm vài độ. Vậy nên, sau nhiều lần bị uổng công chăm sóc cây như vậy, dân Houston phần nhiều không thèm trồng loại cây dễ bị phiêu bồng (hi hi). Hoặc họ không có đủ kiên nhẫn và dũng khí! Đúng ra là sức khoẻ để bưng ra bưng vô hoặc che chắn, hoặc làm luôn một nhà kính, gắn máy sưởi ấm cho chúng-sanh-cây-cối được tồn tại sau đợt lạnh. Vườn nhà con gái tui sau mấy năm trồng cam có, quýt có, cây tắc ( là cây quất, viết c hay t, tui cũng không nhớ) ngọt, tắc chua đều có trái chín vàng rất thích. Cả 2 cây chanh vàng và chanh Thái có mấy chùm trái ăn được một mùa. Sau đợt tuyết 3, 4 năm trước gì đó, bị luộc đá hết trơn. Giờ chỉ còn 2 cây táo, hồng dẽo, hồng giòn (mỗi năm một cây có vài trái, ( có cây không thèm đậu trái nào luôn, cho bõ ghét! )Và 1 cây đào không phải loại ra hoa màu hồng tươi rực rỡ vào dịp Tết, cũng không phải kiểu đào hoa nở vào dịp cuối tháng Ba, đầu tháng Tư như ở Washington DC, kiểu như Nhựt Bổn. Lại không phải là cây đào ra trái để ăn. Nó là hoa đào. Mỗi dịp Tết nở vài bông cho vui và tui cắt vài cành cắm một bình ở trong nhà cho có không khí. Rồi sau đó, cứ đầu tháng Ba, nó bắt đầu nở tươi thắm một góc vườn cho vui, để mọi người nhớ là luôn có mặt nó quanh đây. Hehe.
Cây đào có nhiều cành, con rễ tui cắt uốn nó ra vẻ như kiểu cọ cho đẹp xíu. Cũng xoè ra như bonsai. Nhưng nó có tính như Bà Ngoại. Nở hoa mà cũng dè sẽn như Bà Ngoại vẫn có thói quen dè sẽn trong cuộc sống trời ạ. Không hề thấy nở bung ra rực rỡ tưng bừng nhìn cho đã mắt mà chậm rãi nở một cách từ tốn như cái điệu dạ thưa, rề rà của mấy cô Huệ, bà Huệ. Thôi kệ. Miễn có nở là được rồi. Tui cũng cưng nó dữ lắm. Tháng 10- 11 là tui xới đất, bón phân... để trong thời gian ngủ, nó cũng có dưỡng chất đợi Xuân về, ấm lên là hé nụ. Mèn, năm nay nó nhiều bông hơn hẳn. Nhớ năm ngoái, tui dại dột tuớc lá đào. Cứ tưởng nó như những cây mai bên nhà hồi xưa, trước rằm tháng chạp là từ chiều cho đến quá nửa đêm, tui vừa nghe nhạc, vừa bắc ghế tước lá mai trên sân thượng. Cho đến bây giờ, tui vẫn còn cái cảm giác thú vị khi tận hưởng không khí trong lành của đêm giữa tháng Chạp, có hơi gió mùa Đông xứ nhiệt đới dịu dàng, mơn man... Và thích lắm khoảnh khắc giao thừa thoảng trong không gian hương trầm và âm thanh lao xao của gió lá trên cao... (lan man tí! Hihi). Kết quả là năm rồi ra hoa hơi trễ và ít.
Spring break là tuần lễ các trường học ở Mỹ đóng cửa cho học sinh nghỉ để tận hưởng sự nở rộ của mùa Xuân ấm áp. Người ta thường lấy ngày nghỉ để làm vacation ... Tui nhớ năm ngoái dịp Spring break Hồng Nhung tới nhà lấy quyển sách của bạn Dz Vân gửi tặng, lúc đó hai đứa cháu tui đang kỳ nghỉ, ở nhà chơi với Bà Ngoại, tui biểu tụi nó ra chào Ông Bà Hiếu Nhung và Nhung đã nói các cháu mau lớn quá! Sau đó vài tuần, Nhung đi VN chơi. Tui cũng nhớ những ngày Nhung đi chơi ở VN, ăn nhiều món lạ, cứ post lên FB là Minh Hải hỏi " Ngon hông?" làm cho tui ghẹo Minh Hải mấy lần. Nhanh thiệt. Mới đó đã một năm rồi.Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Và đời người cũng qua rất nhanh với những khúc quanh của từng giai đoạn. Vậy nên con người ta thường có những hoài niệm về quá khứ, thường nhắc nhở những năm tháng, những đoạn đời đã qua với muôn vàn trạng thái cảm xúc.
Lan man chút xíu khi mùa Xuân ấm áp lại về.

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

TUI ĐI TÌM PHẤN THÔNG VÀNG

Sáng nay, trời lạnh và có gió. Nhưng tui vẫn đi bộ. Trang bị cẩn thận đồ mặc ấm nên không bị cái lạnh làm khó.
Tui dừng lại bên đường chụp vài tấm hình hoa và trái thông. Lòng cũng muốn là lát nữa về sẽ Google tìm " Phấn thông vàng " của nhà thơ Xuân Diệu. Đi chợ Mỹ với con gái, mua ít trái cây và các thư cần dùng, trái cây chưng bàn thờ cho ngày đầu tháng Hai âm lịch. Tết đã qua 1 tháng. Nhanh thiệt. Cứ thế thời gian trôi. Cứ thế năm tháng qua đi, tụi nhỏ lớn lên, mấy đứa lớn trưởng thành và đứa già thêm tuổi. Cầu mong thế giới an bình, nhà nhà hạnh phúc. Vườn cây xanh lá, vườn hoa tươi thắm. Chúng sanh an lạc. Đủ đầy. Tui tìm tác phẩm của Xuân Diệu nhưng Google chỉ nhắc tên truyện ngắn Phấn thông vàng ( Truyện ngắn-1939 ) ngoài ra không có thêm một thông tin tư liệu nào khác nữa. Thiệt là... Thế mới biết ...
Thôi thì chỉ mình mình cảm nhận được cái sự thú vị đã từng đọc.

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2024

PHẤN THÔNG VÀNG

Hồi nhỏ, hồi trẻ đã từng đọc qua " Phấn thông vàng" của Xuân Diệu viết bằng văn xuôi mà đọc như thơ vậy. Mà lâu quá rồi cũng quên những nội dung trong đó. Chỉ ấn tượng nhất là cách diễn tả một mạch cảm xúc bằng một chuỗi câu văn xuôi trôi như dòng suối êm, mượt mà đến lạ! Tui không nhớ nhiều, chỉ hình dung là tác giả đang đi trên đồi Nam Giao " tôi càng đi, trời càng tối "... chỉ duy nhất câu ấy tui còn nhớ nguyên văn còn thì chỉ mang máng hình dung nhà thơ càng đi càng thú vị trong cái không gian rừng thông trên đồi xứ Huế và khoảnh khắc hoàng hôn vào tối. Thế thôi!
Tuyệt nhiên không nhớ gì về nội dung tác phẩm đã đọc cái thuở mười lăm mười sáu, tìm thấy trong tủ sách Tự lực Văn Đoàn của anh tui và hình như có lần đọc được một đoạn của tác phẩm được trích dạy trong sách giáo khoa đâu đó. Sở dĩ tui dài dòng như thế vì chẳng hiểu sao cứ mỗi lần đi qua những hàng thông trên đường đi bộ hoặc vào những dịp du lịch đến đâu đó có những hàng thông, đồi thông còn trẻ vào mùa cây thông thay lá, ra hoa, tui nhìn những chùm hoa thông phơn phớt những hạt phấn trên cành, tui lại nhớ tới tác phẩm văn xuôi của Ông Hoàng thơ tình Xuân Diệu. Và tui lại nhớ cái cảm xúc khi mình đọc, khi mình tưởng tượng hình ảnh rừng thông đã mê hoặc nhà thơ trong cái khoảnh khắc tranh tối tranh sáng của buổi hoàng hôn, cái thuở thiên nhiên, đất trời còn trong veo, thuần khiết từ nửa đầu thế kỷ trước ở xứ Huế mộng mơ. Cũng có thể tui không nhớ đúng nội dung trong tác phẩm ấy là như thế. Nhưng ba chữ " phấn thông vàng " đã gợi cho tui liên tưởng theo ký ức mờ nhạc của mình bằng hình ảnh thực của những bông hoa cây thông phủ đầy hạt phấn. Ký ức mà! Nó cũng có phụ thuộc vào chủ quan của bản thân người nhớ tới. Nếu có không đúng, xin hoan hỉ bỏ qua. Là hoa của cây thông.
Mùa Xuân đến, đất trời thay áo mới. Thời tiết ấm hơn, nắng đủ để hoa nở và la trên cành cũng bắt đầu xanh mát mắt, mượt mà, là chỗ đậu cho những chú chim hót vang những điệp khúc mùa Xuân, véo von, lảnh lót. Tui đi trong không gian ấy vào thời khắc giữa buổi sáng trong ngày. Có khi trời trong xanh, nhưng cũng có lúc mây bay từng đám, từng chỗ che ánh nắng. Duy có một điều là những cành thông cứ hiện ra trên đường đi và cứ gợi cho tui nhớ về bài văn xưa đã đọc. Rồi thú vị dừng lại níu cành thông sờ những cánh hoa đầy hạt phấn màu vàng... Vào những thời điểm khác, mùa khác trong năm, cành thông có nhiều trái sần sùi lủng lẳng trên cành. Thế nên khi nhìn những bông hoa nhỏ li ti hạt phấn, tui liên tưởng đén những trái thông theo thời gian dần dần lớn trên cành.
Sáng nay thức dậy trời trở gió. Nhiệt độ xuống thấp hơn ngày hôm qua nhiều nên lạnh. Hai tuần nay trời ấm, có lúc nóng, 85 độ F. Những hạt giống gieo đã lên mầm, lên cây mỗi ngày ra lá lớn lên thấy rõ. Hoa vàng đã nở trên những bãi cỏ khắp nơi. Sáng nay nhiệt độ còn 50 độ F, là khoảng 10 độ C. Rất dễ chịu. Lát nữa tui sẽ đi quanh để tận hưởng sự dễ chịu đó. Mặc đủ ấm, vừa đi vừa trì Chú Đại Bi ( Không phải vừa đi vừa ngước nhìn như của một nhà văn nữ trước đây đã viết. Hihi ). Và chắc chắn là có vin một cành thông bên đường để nhìn xem những hạt phấn thông vàng còn bám hay đã bắt đầu cứng cáp để hình thành trái thông bé xíu, xinh xinh. Được nhìn thấy sự chuyển mình phát triển của cây trái lá hoa là một điều vô cùng thú vị. Thế mới biết vũ trụ, thiên nhiên kỳ diệu đến nhường nào.

Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

HÀNH HƯƠNG ĐẦU XUÂN

Chủ nhật tuần trước tham gia đoàn hành hương về bang Louisiana. Hẹn tụ họp 5g sáng ở parking đối diện chợ Mỹ Hoa. Từ 3g tui đã lọ mọ thức dậy vì không ngủ được và sau đó con rễ cũng thức dậy chở mẹ tới nhà Liên cùng đi xe với Liên ra đó. Hôm trước chúng nó nghe Mẹ đi sớm ra đợi đoàn, lo Mẹ sẽ lớ ngớ nên hẹn cùng đi với Liên, đến nhà Liên từ 4 giờ rưỡi.
Chuyến đi vui và ý nghĩa. Đến những chùa trong xa, nơi có những cánh đồng, Thầy trụ trì chùa Phước Minh nói, về mùa lúa chín vàng nhìn rất giống VN. Còn tui thì trên đường đi , sau khi qua khỏi bang Texas, nhìn những đầm nước và cây mọc lúp xúp trên đầm sao giống như đường về Bạc Liêu, Cà Mau quá!
Chiều tối mới về lại Hóuton. Tui lại có cảm giác như hồi xưa đi về dự lễ truyền thống kỷ niệm ngày thành lập trường Nguyễn Đình Chiểu gần 30 năm trước, giữa đêm từ Mỹ Tho về lại Sài Gòn để sáng hôm sau còn lo đi dạy. Hôm rày trời ấm lên dù chưa tới mùa Xuân bên này. Có hôm nắng và nóng gần 80 độ F vào buổi trưa. Nhưng sáng sớm trời vẫn se se lạnh và đêm cũng vẫn còn cuộn tròn trong chăn và mặc áo len mới ấm.