Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

THẦY VỀ CHÙA CŨ

Hôm rày tui mở You Tube theo dõi Huế của Ta và Truyền thông Phật Giáo đưa lên những hình ảnh Thầy Tuệ Sỹ viên tịch và những nghi lễ Phật giáo trong tang lễ của Thầy. Thật xúc động khi nhìn được hình ảnh sống động của Chùa Già Lam trong các clip ấy! Từng góc hẽm ngoài đường Lê Quang Định đi vào...cho tới cả Chánh điện, hành lang, Điện thờ Phật Ngài Trụ trì xưa...Rất nhiều thay đổi... Tui lại nhớ những hình ảnh xưa. Tui lại nhớ những năm 70 của thế kỷ trước, có một thế hệ quý Thầy, Chú trí thức tu ở Chùa này. Tui chợt nghĩ tới những năm tháng tuổi trẻ của thế hệ ấy, cả hình ảnh của Thầy Tuệ Sỹ. Thời gian và cuộc sống. Thời gian và thời cuộc. Thời gian và dòng đời. Hồi tui học ở ĐH Văn Khoa, tui nhớ thỉnh thoảng vẫn thấy thấp thoáng những bóng dáng sv trong áo lam nhà chùa lẫn giữa màu áo đời thường trong giảng dường hay ngoài bãi giữ xe. Hồi học ĐH Sư Phạm SG, tụi tui cũng được hoc với Sư Cô Tịnh Anh ( Không nhớ rõ môn gì, hình như Khải Đạo, Tâm Lý Học.)
Thời gian trôi nhanh như chớp mắt. Đã hơn nửa thế kỷ qua. Có quá nhiều thay đổi trong cuộc sống, giữa cuộc đời, kẻ còn, người mất... Người trở thành bặc chân tu, hiền triết...cũng có người sau 1975 không còn được thuận duyên tu tập và đã trở lại thế trần. ( Sau 1975, lớp tui cũng có vài bạn là tu xuất từ học viện Phật giáo và cả Chủng viện Thiên Chúa Giáo) Tui từng ngưỡng mộ những bài thơ của Thầy từ thời tuổi trẻ và càng thấm thía hơn những thi phẩm của Thầy mà tui được đọc sau này. Hơi thở thanh thoát của một tâm hồn Thiền hoà vào cỏ cây, thiên nhiên, sông nước của cuộc đời. Những dòng chữ, ý thơ đậm chất vô vi, ảo diệu, phóng khoáng mà thâm trầm sâu sắc. " Đôi mắt ướt, tuổi vàng, khung trời hội cũ Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang..." Hồn thơ của Vị Thi sĩ Thiền sư và những lời dạy giản dị, đời thường của bậc Đạo Sư: " Chúng ta sống làm sao cho đến lúc chết không có gì hối hận, không có gì sai lầm. Đối với bạn bè không có sự lường gạt. Giao tiếp với mọi người không có sự gian dối. Cho tới khi mình chết, mình an tâm, an toàn. Chết đi về đâu không cần biết. Chỉ cần biết mình đã làm những điều chân chánh,hợp đạo lý thì khi chết nhất định sẽ đến những chỗ an toàn" Ngài là vị Giáo phẩm uyên bác với khối lượng tác phẩm dịch thuật lớn, nhiều bộ kinh, luật, luận quan trọng, là tác giả của các công trình nghiên cứu Phật giáo quan trọng. Ngài vừa là Thiền sư vừa là Thi nhân. "Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng. Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều"
Hôm nay, nhìn hình ảnh Chư tôn Hoà Thượng, Chư vị Sư Tăng Ni và Phật tử đưa Giác linh Ngài về Chùa Già Lam Lễ Bái Phật Tổ, trong lòng tôi tràn ngập nhiều cảm xúc xen lẫn nhau. Xin cung kính bái biệt Ngài, Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ.

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

NHỚ CHUÀ XƯA

( Tất cả hình trong bài đều trich mượn trên Net) Chiều hôm qua, tui coi trên You Tube về Thầy Tuệ Sỹ đã viên tịch ở Chùa Phật Ân, Đồng Nai VN. Rất xúc động về sự tôn kính của mọi người đối với Thầy và về cuộc đời của vị Hoà Thượng Thanh cao, trí tuệ và đức độ này. Tui được biết đến quý Thầy từ những năm đầu ở thập niên 70 thế kỷ trước. Năm 1972, tui về học Đại Học ở Sài Gòn. Anh Ngộ tui quen biết với mấy Thầy ở Chùa Già Lam, đường Lê Quang Định, Gò Vấp. Ba tui cũng được ký ảnh thờ ở Chùa này ( Và sau này, năm 1979, Mẹ tui mất ở Phú Nhuận Sài Gòn, tụi tui cũng đã thỉnh quý Thầy trong Chùa cúng thất cho đến thất tuần ở nhà. Ba Mẹ tui đều dược ký ảnh thờ ở Chùa này.) Hồi đó có một thời gian, gần như mỗi tuần tui đều đến lễ Chùa vào ngày Chủ nhật. Vừa lễ Phật, vừa để thắp hương cúng Ba tui, vừa để gặp mấy Thầy, mấy Chú bạn của anh tui, lấy cours ở lớp Phật học mà quý vị đã nhận dùm, gửi cho anh đang ở BMT. Thỉnh thoảng tui gặp được Sư Ôn Trụ trì Thích Trí Thủ. Có năm tui còn được Ôn lì xì vào chiều muộn Mùng 2 Tết. Hồi đó tui đã nghe về Thầy Tuệ Sỹ ở trong Chùa, dạy ở ĐHVH và tui cũng đọc thấy tên Thầy trên những xấp cours Phật học (Chỉ đọc thấy, chưa hiểu gì về triết lý cao siêu). Vài năm sau đó, mộtanh bạn tui, là đàn em của Anh tui, từng học trường Luật ở Huế, đang tập sự ở Sài Gòn,cũng là người quen thân với Thầy Tuệ Sỹ chở tui đến Chùa và đến gặp Thầy Tuệ Sỹ.Hai người nói chuyện thơ phú gì đó trong nhà tiếp khách của Chùa. Coi bộ vui vẻ, hào hứng lắm. Tui chỉ lễ Phật và đi quanh ngắm cây cảnh trong Chùa. Chờ đợi. Không được "diện kiến". Khi về, tui ngồi sau xe nghe anh bạn ấy nói về một bài thơ mới của Thầy. Nói say sưa. Tui chỉ nghe câu được câu chăng, trong đầu chưa biết cảm nhạn gì. Về sau này, được đọc Thơ của Ngài, tui nghe mấy câu quen quen như đã từng được đọc hoặc nghe qua đâu đó. Vậy nên, chuyện uyên bác, cao siêu, triết lý... Người phàm tui chỉ biết ngưỡng mộ mà thôi!
Cảnh chùa Già Lam đầy sắc thái Huế. Tui rất thích những hàng mai vàng được chăm chút, tỉa tót tỉ mỉ và dịp Tết nào cũng nở rộ một màu vàng rực, có cả hương thơm (mà người ta nói đó là đặc trưng của loài hoa mai xứ Huế). Sau này, khi Sư Ôn viên tịch, Chùa có ngôi tháp thờ rất đẹp, trang nghiêm, thanh tịnh và...rất Huế. Hồi đó, qua anh bạn ấy, tui được biết thêm về tâm hồn, trí tuệ của Thầy Tuệ Sỹ, được biết một số bài thơ của Thầy. Tui chỉ dừng lại ở chỗ yêu kính ngưỡng mộ tâm hồn thơ, còn sự uyên bác, trí tuệ của Thầy thì tui chưa hiểu tới. Năm 1986, sau mười năm đi dạy học xa Sài Gòn, (Chỉ về mỗi cuối tuần và các dịp nghỉ Tết, nghỉ Hè khi Mẹ tui còn ở Phú Nhuận. Từ khi mẹ tui bay về Trời, tui ít về hơn, việc đi Chùa Già Lam ở Gò Vấp cũng trở nên thưa thớt, ít dần) tui lập gia đình và về ở quận 5. Cuộc sống gia đình và công việc bận rộn, tui chỉ đến Chùa vào dịp Tết và giỗ Ba Mẹ. Quý Thầy quen biết ngày xưa tui cũng ít gặp lại.. Cảnh chùa cũng ngày càng khác hơn xưa.
Đẹp hơn. Rộng hơn. Khang trang hơn và cũng lạ hơn. Tui rất hãnh diện về ngôi Chùa đậm chất Huế và cảm thấy thân thuộc đối với mình. Tui khoe ngôi chùa với chồng và hằng năm tụi tui đều đặn đến Chùa lễ Phật, thắp nhang Ba Mẹ tui, đi quanh vườn Chùa rực rỡ sắc hoa và ngào ngạt hương hoa xen lẫn hương trầm trong gió, lan toả không gian êm đềm, tĩnh mịch dù luôn đông khách viếng Chùa ( Cái thuở người ta đến Chùa với tâm thế bình an, không chộn rộn; ăn mặc giản dị mà đàng hoàng, nghiêm túc). Gia đình tui cũng đã có những tấm hình kỷ niệm ở Chùa trong nhiều năm tuổi thơ của các con. Rồi tui theo con ra nước ngoài. Năm năm trước tui trở lại quê nhà, có đến thăm Chùa và đã rất vui mừng, xúc động khi thấy ngôi chùa ngày xưa bây giờ đã được xây dựng qui mô, rộng lớn, khang trang lắm lắm. Chánh điện rộng và điểm xuyết những câu liểng đối trên cột gỗ hai bên. Hành lang rộng, thoáng, uy nghi với những hàng cột gỗ đen bóng... Ngôi chùa xây dựng theo phong cách cổ của những ngôi chùa Huế. Tui rất ấm lòng. Tui đi quanh và đến ngôi tháp thờ Sư Ôn vẫn trang nghiêm giữa thiên nhiên cây lá, hương hoa và nhang trầm quyện trong làn gió ...
Chiều hôm qua, tui coi tin về Hoà Thượng Tuệ Sỹ viên tịch, nghe tiểu sử của Thầy, nhắc đến Chùa Già Lam - Học viện Quảng Hương Già Lam - tui bâng khuâng nhớ... nhớ ngôi Chùa với sự hãnh diện rất tự nhiên của một người con Huế về nơi chốn đã có rất nhiều kỷ niệm của mình. Nhớ cái thời vô tới Chùa là nghe rặt tiếng Huế, nhìn cỏ cây vườn tược đầy sắc Huế, chưng bánh trái cũng với bàn tay và cái nhìn của Huế. Tui nhớ bánh thuẫn bột bình tinh cắn vào miếng bánh như tan ngay trong miệng. Nhớ bánh đậu xanh vo tròn gói bằng giấy bóng màu trong. Nhớ mứt gừng cay mà ngọt của những củ gừng xứ Huế. Và nhơ nhiều nhất là những món ăn Huế của Chùa cúng rằm tháng bảy, lễ Vu Lan. Tui nhớ ở ngôi Chùa đó có Sư Ôn Trụ trì gương mặt và nụ cười nhân hậu. Giọng Ngài tụng kinh hay những lần Pháp thoại, hoặc cả những khi nghe Ôn hỏi thăm, dặn dò, nhắn nhủ, nói chuyện đời thường vang lên, vừa chạm vào trái tim vừa đi vào cái đầu tui. Tui nhớ...nhiều thứ ở đó đã trôi qua theo dòng năm tháng. Và ở ngôi Chùa này đã có nhiều bặc chân tu đại nhân, đại trí ẩn mình.
Xin ghi lại khoảnh khắc xúc động trào nước mắt khi xem video trên You Tube về Hoà Thượng Tuệ Sỹ viên tịch. Vị chân tu từng có một thời tuổi trẻ ở Học viện Quảng Hương-Già Lam, nay đã về cõi hư không. Xin cung kính bái biệt Ngài.

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

THỜI TIẾT CHUYỂN MÙA

Thời tiết ở Mỹ có 4 mùa rõ rệt tuy ranh giới giữa các mùa không cố định chỉ gồm 3 tháng. Và cũng tuỳ năm nắng nóng hoặc giá lạnh nhiều hay ít. Năm nay nắng nóng nhiều và kéo dài nhiều tháng trong năm. Có lẽ vì vậy mà cái lạnh cũng đến hình như sớm hơn, dù có hôm lạnh nhiều, có hôm lạnh ít. Tin thời tiết dự báo tuần này nhiệt độ rớt xuống còn năm mấy, sáu mươi ban ngày. Và tối nay thì còn bốn mốt. Lạnh. Lúc tối đi chợ và ghé người quen lấy bánh bột lọc, đi với con gái lớn. ra sân là thấy hơi lạnh và đến parking, xuống xe, vô trong chợ càng lạnh hơn. Đáng ra đi từ chiều với con gái nhỏ nhưng nó đang làm việc trên máy tính ở trong phòng nên tui không biết và cứ nằm chơi trong phòng tui mà đợi. Mãi sau, qua gỏ cửa, thằng chồng nó nói và thấy con nhỏ đang làm việc nên hai người lớn đi. Thương con gái,nhưng nó không muốn thấy mình thương và nói thương. Tụi nó có suy nghĩ của lớp trẻ hiện đại, nhất là những đứa đã tự biết lo cho mình từ khi còn đi học. Tụi trẻ bên này không muốn người lớn theo lo cho từng chút. Mấy nhóc cháu ngoại cũng có những suy nghĩ đó để tự mình làm những việc có thể tự lo cho mình như bỏ đồ máy giặt, sấy và lấy ra tự xếp.v.v. Lớp trẻ ở đây làm việc đáng đồng tiền bát gạo và nhất là con nhỏ, cứ cặm cụi với công việc của mình một cách chăm chỉ và cần mẫn. Thưong là tui không ở bên thường để lo miếng ăn miếng uống cho...vậy thôi chứ chẳng làm gì to tát đâu.
Tối trời lạnh, con Chị đưa thêm cái mền nữa cho tụi nó. Tui cũng thấy thương. Cứ nói nhẹ lòng khi con cái thành gia thất nhưng tình cảm là một cái gì không thể lý giải được và trái tim người Mẹ thì lúc nào cũng nghiêng xuống vì con. Thương chúng nó, đôi khi nhắc chúng nó sắp xếp cuộc sống, ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc cho hợp lý. Nhưng rồi cách sống của chúng nó không giống mình ở cái khoảng cách thời gian và không gian hoàn toàn khác, tính chất công việc cũng khác hoàn toàn. Nó đâu có rị mọ chợ búa nấu nướng như Mẹ nó mấy chục năm trước vừa dạy học vừa lo cho gia đình cơm nước chu toàn. Mọi cái đều được chúng nó thực hiện nhanh chóng, lẹ làng. Mà tui thì ưng từ từ, thủng thẳng, đủ đầy.v.v. Vậy nên nhắc nhở chúng nó cái ăn cái uống cũng thấy kỳ kỳ rồi lại thương thương. Bữa nay lạnh. Khi chiều tính nhổ mớ cải con đã cố ý để dành mong cho vừa ăn được, để làm bánh xèo cho chúng nó ăn. Lại đi chợ mua đồ nấu bò kho, thịt đã lấy sẵn ra rồi. Tối lạnh, quên nhổ cải. Lúc nãy coi thời tiết thấy 41 độ (độ F), tui ra đứng nhìn qua cửa sổ xem thừ cây cải có bị héo vì lạnh không, mà không nhìn rõ được. Vài hôm nữa Thanksgiving, chợ Kroger và HEB tối nay có nhiều người đi mua đồ buổi tối, dù trời lạnh. Chắc ai cũng nghĩ ngày mai sẽ đông lắm nên đi mua tối nay cho khoẻ. Ngoài đường đèn trang trí sáng trưng nhất là ở các ngả tư. Thời tiết chuyển mùa hàng năm, đây đó trên nước Mỹ rộng lớn này có nơi mưa gió, có nơi tuyết sẽ bắt đầu rơi và rồi trong mùa đông lại nghe tin nơi này nơi kia gió lốc hay bão tuyết.
Hồi sáng có nắng nhưng gió vẫn làm cho nhiệt độ hạ xuống. Tui đi bộ lại thấy dễ chịu khi mình mặc đủ ấm và trang bị găng tay kỹ lưỡng. Có nắng hôm rày nên chậu cúc váng trong vườn tui nở rộ. Giờ giữa khuya, không biết nó có bị lạnh cóng không. Ngày mai tui sẽ đem vào mái hiên sau nhà cho đẹp và cũng yên tâm.