Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Đọc "Hương xưa Sài Gòn"




Tình cờ đọc bài trên fb của Huyền Linh share từ một người bạn, cảm xúc ùa về. Đó là bài viết của một người con nhà văn Nhất Linh về căn nhà của Mẹ -tức bà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam-. Bài viết thu hút mình, đọc một mạch từ đầu tới cuối dù rất dài.
Có nhiều chi tiết cuốn hút mình theo từng dòng chữ về không gian, thời gian cũ, con người của thế hệ ấy và những điều liên quan ít nhiều gợi nhớ trong tâm hồn mình.

Trước hết là về hình ảnh chợ An Đông, chung cư An Đông, con đường Nguyễn Duy Dương, ngôi trường bên kia đường hồi ấy của người Hoa, giờ là Trường Lý Phong, khung cảnh chợ búa, những hàng quán trên vỉa hè, những người buôn bán hoa quả trên lề đường được miêu tả từ trước năm 1975 cũng hiện lên rõ mồn một vì ngày xưa mình cũng từng thường đi trên những con đường, khu chợ ấy. Và sau này lại càng quen thuộc hơn, vẫn những người bày bán trái cây từ các tỉnh miền Tây lân cận rất tươi ngọt mà mình thường xuyên ghé ra mua... Đó là không gian gần gũi gắn bó với mình từ xưa xa và cả xưa..gần đây.

Kế đến là hình ảnh Người Mẹ, tức bà Nguyễn Tường Tam (tên chồng), bà chủ hiệu buôn cau Cẩm Lợi! Ơi, cái tên đã hơn một lần nghe Ba mình kể và là một nhân vật trong những trang viết của anh Phan Ngộ mình. Ngày xưa còn thơ bé ở làng Mỹ Lợi ngoài quê, một làng quê thời ấy rất là trù phú. Đã từng có câu ca dao địa phương dí dõm mà ngụ ý ca ngợi làng mình:
          Ai không lấy chồng Mỹ Lợi là quê,
          Trước sông, sau biển, chợ kề một bên!
Đó là một ngôi làng trải dài theo triền cát và bờ biển, mặt kia là những ruộng lúa với con lạch nhỏ ăn thông với đầm phá nước lợ Cầu Hai (Một phần phá Cầu Hai nối liền Vịnh Lăng Cô, bãi biển Mũi Chân Mây ngày nay là một trong những cảnh quang du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên Huế). Trong làng thời ấy trồng cau, quýt cam và mía...Thời xa xưa ấy, hình như từ 1945, đất nước còn thông thương với những chuyến tàu lửa xuyên Việt. Có một người buôn cau Hà Nội, Bà rất giàu có. Từ thời ấy đã có những căn nhà đồ sộ kiến trúc theo kiểu Pháp giữa vườn cây ăn trái sum sue những ổi xá lị, quýt Hương Cần, Cam Xã Đoài ...và rất nhiều cây cảnh. Bà cũng sở hữu những căn nhà lầu ở phố chợ Mỹ Lợi mà khi mình lớn lên, cuối thập niên 50, bắt đầu thập niên 60 vẫn còn sừng sững, vang dội tiếng tăm dành cho ba người con trai, lúc bấy giờ bà đã về Trời nên mình không biết mặt. Chỉ được nghe kể qua sự kính trọng của mọi người. Bà là vợ Ông Phan văn Lâu, có ba người con trai theo học vừa Hán học lẫn Tây học rất giỏi. Một trong ba vị ấy là thân phụ Phan Binh, em họ của mình. Ba vị ấy mình gọi bằng Chú, vai em của Cha mình. Vì Ông Nội mình và Ông Nội của Phan Binh là anh em.( Nhưng bên phía Ông Nội mình thì nghèo. Hihi..). Cho nên khi lớn lên, nghe mọi người kể về những chuyến hàng cau chở ra Hà Nội bằng tàu lửa, rồi anh Phan Ngộ viết người bạn hàng buôn cau ở Hà Nội của Mệ Thầy (Tên gọi đầy sự kính trọng của mọi người dành cho Bà vì Ông thường được gọi là Ông Thầy Lâu.) rất thân thiết phải kể đến Bà Cẩm Lợi là vợ của Nhà Văn Nhất Linh trong Tự lực văn đoàn. Ơi, sao mình nghe như những nhân vật trong truyện Cổ tích, đầy huyền bí và lôi cuốn! Những con người, những cái tên cứ nghĩ từ ở đâu đó mơ hồ, xa xăm lắm...Vậy mà khi đọc bài viết hôm qua thấy như hiển hiện cả một thời thơ bé...

Cũng không thể bỏ qua các chi tiết về Người Mẹ ấy với cái cân bàn để cân cau, về cách cư xử nhân ái với người ăn kẻ làm trong nhà và các bạn của con Bà. Tôi bỗng dưng nhớ Mạ mình da diết... Nhớ hình ảnh Mạ cũng buôn cau khô lẫn cau tươi trong suốt những năm tháng từ khi mình bắt đầu hiểu biết cho đến năm 1968, Mậu Thân, cả nhà rời khỏi Huế. Nhớ Mạ mua cau từ dưới quê, gửi từng giỏ cau tươi, từng bao cau khô lên Huế để những nhà buôn lớn ở đó đóng gửi vô Sài Gòn. Thời chiến tranh, không có đường giao thông tàu hỏa, lại càng không thể bằng đường bộ. Tất cả đêu bằng đường hàng không. Từ sân bay Phú Bài đến sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng máy bay vẫn có thể hoảng chuyến bay vài ngay, có khi tuần lễ là chuyện bình thường. Vậy cho nên cau tươi sẽ dễ dang héo úa và rụng trái, dễ dàng lỗ vốn. Có lẽ vì vậy mà Bà Cẩm Lợi khi di cư vô Nam rồi, chỉ buôn bán cau khô. Cái chi tiết mấy đứa con của bà, trong đó có tác giả bài viết, luôn được bà gọi đến để tính sổ mỗi chuyến cau về hoặc bán đi sao mà giống như anh em mình quá! Ôi những-bà-Mẹ-của-thế-hệ-tần-tảo-giỏi-giang-buôn-bán-và-tính-nhẫm bỗng dưng bừng sống dậy trong tâm hồn mình như những tượng đài vững chải dể cho tuổi thơ bé chúng tôi nương tựa. Hồi đó, Mạ mình có "nét cười đen nhánh sau tay áo", người phụ nữ có hàm răng đen hạt huyền ấy vẫn thường "nhờ" anh em chúng mình viết vào sổ, tính sổ và viết thư kèm theo những bao hàng gửi cho các tiệm buôn lớn là bạn hàng trên Huế. Vì vậy, mình xí xọn thêm vào những câu thăm hỏi, "quảng bá" hàng tốt...nên lâu lâu được theo Mạ đến chơi, luôn được các bà chủ xoa đầu khen, cho quà hoặc cho tiền ăn bánh trong chợ Đông Ba...

Cái vụ bửa và sấy cau khô mình cũng "rành sáu câu" vì dưới làng Mỹ Lợi nhiều nhà chuyên với công việc này. Người ta hái những buồng cau vừa"giầy", cau giầy nghĩa là vừa tròn đầy hột cau ở bên trong, trắng mịn màng có những tia hông hồng, nhai trầu vừa dẽo, -không còn non nghĩa là hạt quá mềm, còn chỗ khuyết, thậm chí có chút nước (những trái cau non có chút nước ngọt ngọt, tụi nhỏ thường mút mút và có lúc ngây ngây như say lúc ăn trầu)- cũng không để già nghĩa là hạt cau đã cứng, dao bổ không "ngọt". Cau hái về, vặt ra từng trái rồi róc vỏ, cắt chõm cau, bổ ra từng miếng đều đặn, đổ lên sề và được úp sấp miếng cau, sắp xếp thành hàng kín mặt sề, nhìn rất đẹp. Sề là những vật dụng bằng tre đan thưa như rỗ, sàng, đường kính có thể từ 1m -1,5m tùy theo đường kính của cái bồ. Bồ cũng được làm từ tre đan kín, cao khoảng ngực người lớn dùng để bên ngoài cái nhút (lâu lắm rồi, không biết đúng tên không) đắp bằng đất sét, đáy nhỏ, phía trên loe ra, đường kính phù hợp với bộ lồng bồ sề. Trong nhút để tro và than. Than luôn được ủ kín bằng một lớp tro vừa phải và luôn được "chăm sóc" để không nóng quá mà cũng không nguội lạnh quá. Than vừa nóng đều và cau cũng vừa lứa, không già không non, được sắp đều đặn...sẽ cho một mẽ cau khô vừa ý người mua. Nghĩa là hạt cau đỏ màu huyết dụ dính vào miếng vỏ cau cong cong, phía ngoài lưng màu trăng ngà tươi tắn, phía trong đọng nhựa cau lúc sấy ứa ra lợt hơn màu của hạt...Trong quá trình sấy cau, người ta có thể cho những hủ muối hột để dưới than hồng từ lúc đầu, sau một đêm, một ngày, cau vừa xong mẽ thì cũng có hủ muối hầm nhuyễn như muối i ốt sấy bây giờ vậy. Vào mùa làm cau khô, mọi người luôn được ăn những món hầm như giò heo, đuôi bò...chỉ việc để trong nhút than hồng rồi lấy ra, không cần nấu nướng. Sắp nhỏ có thể ké củ khoai , củ sắn vùi tro thơm lựng...

Nghề làm cau khô ngày ấy tuy không nhọc nhằn vất vả nhưng rất tốn thời gian. Mình vẫn tự hỏi sao người ta tiêu thụ nhiều thế! Nó là một nghề hẳn hoi và người ta buôn bán rất quy mô, phát triển. Giờ đây, thế kỷ 21, chắc không còn mấy ai giữ lại, tha thiết với nghề này vì cũng còn ít người trồng cau. Có chăng, chỉ dùng những buồng cau trong nghi thức cưới hỏi và ơ ngoài chợ, các Bà bán lẻ để mọi người mua về trong lễ nghi cúng Ông Bà. Nhớ hồi thập niên 80 thế kỷ trươc, sau lễ ăn hỏi và cưới, mình muốn tặng trầu cau cũng khó tìm người...


Đọc bài của bạn share trên fb có nhiều chi tiết nữa nhưng những hình ảnh vừa nhắc trên đây vừa quen mà vừa hiếm thấy, lại chạm đến những kỷ niêm từ thuở ấu thời. Cám ơn những cảm xúc quý báu mang chút gì hoài cổ, là hương xưa nên khó thể phôi phai.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét