Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Nhớ.



Thật khó để khẳng định nhớ là một trạng thái cảm xúc bắt nguồn từ đâu. Ngày xưa môn Tâm lý học lớp 12 rất phong phú nhưng đến giờ không còn nhớ gì về các nội dung ấy nữa. Có điều trong cuộc sống, cái tâm trạng nhớ thiệt là đa dạng.

Hồi còn trẻ, vẫn có thói quen thích nhớ lại những gì xảy ra, những việc đã làm trong những "điểm mốc" nào đó. Ví dụ Giáng Sinh năm này thì nhớ lại những GS trước làm gì. Khai trường hoặc bế giảng năm học này thì quay lại thời điểm này những năm trước... Thậm chí có nhiều áo dài mặc đi dạy, mỗi lần mặc áo này, lại nhớ những lần trước mặc, có gì liên quan... Không biết nhớ như vậy để làm gì nhưng mỗi khi "ôn cố" như thế cũng thấy lòng nao nao, thú vị...

Tâm trạng đó được xem như hồi ức. Còn có một-nội-dung-nhớ nữa là "nhớ nhung". Cái nổi nhớ này hơi hức tạp vì nó liên quan từ hai phía. Vì thương mến nên khi ở xa nhau mới có sự nhớ nhung, là lẽ thường tình. Nhưng cũng có trường hợp chưa-chạm-vào-nhau mà cũng thấy nhớ! Hôm trước, Bà Ngoại nói chuyện với con gái của Bà, đã làm Mẹ, về đứa cháu yêu. Bà bảo càng ngày càng thấy thằng cháu "dễ ghét" quá, nhiều khi buổi tối một mình, xem hình Tũn, Mẹ thấy nhớ nó quá! Thế là con gái vừa nựng con vừa nói với Mẹ qua điện thoại, hình như có chút tủi hờn, Bà Ngoại chưa ôm cháu mà cũng nhớ cháu ạ? Bà ôm Tũn một lần đi rồi sẽ nhớ không chịu nổi luôn cho mà coi! Mà thiệt, nhiều hôm "đêm nằm nghe hơi ấm cháu bên mình". Không ngủ được, thức dậy mở đèn đi lên đi xuống thèm hơi ấm trẻ thơ, thèm được ôm cháu vào lòng...

Một trường hợp khác nữa, không biết nhớ vì đâu? Người bạn thân thiết từ mấy chục năm trước, vẫn nhớ nhau đầy ắp trong lòng suốt bấy nhiêu năm. Nhưng cuộc sống, công việc làm cho họ "quay đều không nghỉ ngơi". Mãi đến gần đây, tóc muối đầy hơn tiêu, đời đã qua nhiều con dốc mệt nhoài, tìm gặp nhau tình thân như ngày cũ. Người bạn ấy đi làm nhiệm vụ Bà Ngoại ở Châu Âu một thời gian. Mỗi ngày người bạn già trong nước ôm laptop trang trải nỗi lòng. Cách xa là thế nhưng nhìn lên bản đồ thế giới, thấy chấm vàng nhấp nháy ở trời Âu là tưởng như bạn đang trò chuyện với mình. Riết thành quen nghĩ rằng đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Cho nên, khi người bạn tạm thời ngưng sứ-mệnh-cao-cả-của-Bà-Ngoại,  về với Ông Ngoại. Khoảng cách địa lý thu ngắn lại bằng gang tay. Vậy mà người bạn già nhìn lên bản đồ, không có chấm vàng nhấp nháy, bỗng dưng thấy nhớ! Quái lạ, ngày mai vợ chồng bạn đến thăm mình, giờ nhìn chấm vàng thành chấm đỏ, tươi thắm thân tình, lòng cũng có chút nao nao. Bó tay!

Vậy thì không cần phải định nghĩa "nhớ" như thế nào cho đúng. Cứ để cho tâm hồn hướng tới những cảm xúc một cách tự nhiên vì đó là tình thương yêu trong sáng, đẹp đẽ của chúng ta trong cuộc đời này. Còn biết nhớ là lòng còn hạnh phúc.

1 nhận xét:

  1. Vâng, Chị Mai nói đúng đấy: "Còn biết nhớ là lòng còn hạnh phúc". Cả gia đình VH2 của chúng mình cũng đang rất hạnh phúc đấy thôi...Hẹn hò gặp nhau trên vườn Lá cỏ mỗi ngày nhé!

    Trả lờiXóa