Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Rung nhẹ dây đàn




Hồi đó, mỗi khi dạy bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến,  mình thường nói tâm hồn
Ông như một sợi dây đàn, chỉ cần động nhẹ vào thôi cũng đủ rung lên những cung
bậc làm xao xuyến lòng người. Đó là một tâm hồn phải ở-độ-thanh-thản-lắm giữa
một không gian yên ắng vô cùng mới cảm nhận được cái khoảnh khắc chóng vánh
của chiếc lá vàng rơi, chao nghiêng  để có được âm thanh "vèo" rất khẽ khàng mà
lại rộn-ràng-xao-động...Giảng như vậy cũng chỉ để nói một điều về tâm hồn đôn
hậu, nhạy cảm và gắn bó, tha thiết với thiên nhiên của nhà thơ Yên Đỗ. Hình ảnh sợi
dây đàn cũng chỉ là một liên tưởng còn mờ nhạt.

Vậy mà, khi không còn đứng trên bục giảng để nói chuyện văn chương với học trò,
mình lại cảm nhận được những-cung-bậc-của-sợi-dây-đàn-ấy một cách sinh động
ở những trường hợp khác, không liên quan gì đến bài thơ Thu điếu! Đó là tâm hồn
con người ta khi gợi nhớ về kỉ niệm. Chỉ cần động hờ thôi cũng xôn xao biết bao hồi
ức.

Chiều nay, buổi chiều áp út của năm Dương lịch 2013, vẫn hơi gió se se và bầu trời
như thấp hơn chút xíu. Thời tiết thật dễ chịu. Học trò cũ ở xa về ghé thăm.Thiệt là vui
và cảm động. Mới ngày nào nhỏ xíu giờ chuẩn bị bước vào lứa tuổi chững chạc của
"tứ thập nhi bất hoặc"! Bao nhiêu kỉ niệm của thời xưa cũ ấy được Cô Trò nhắc lại
cùng với những cái tên thật thân thương.

Ba mươi mấy năm dạy học, trải qua nhiều cấp lớp từ cấp 3, Cao Đẳng, rồi cấp 2. Cứ
mỗi lớp học, mỗi lứa tuổi, mỗi thế hệ học trò đều có những kỉ niệm gắn bó với một
chặng đường trong cuộc đời mình. Khóa 1986-1990 thật đặc biệt. Ngôi trường này đã
đón mình về sau hơn 10 niên khóa phiêu du trải nghiệm ở Tiền Giang.Thời gian này là
giai đoạn bước vào cuộc sống gia đình của 2 giáo viên tuổi đời không còn trẻ, kinh tế
rất ư là khiêm tốn theo nhịp điệu thời-kì-quá-độ của đất nước mình. Cũng là lúc vừa
chuyển từ dạy học sinh lớn (SV Cao Đẳng ở Tỉnh) về dạy lớp 6 còn rất hồn nhiên, thơ
bé ( Còn nhớ đang giờ dạy trên lớp mà học trò cứ đứng dậy tại chỗ lấy bi-đông nước
tu một hơi hoặc chạy lại tủ phía sau lấy nước uống ừng ực, nhìn Cô cười một cách tự
nhiên vui vẻ rồi về chỗ tiếp tục học-" Event" này hơi hiếm thấy khi dạy các em sv từ hai
mươi tuổi trở lên!). Vì thế, khi nhắc lại hoặc gặp lại học trò TNSP những năm ấy, lòng
mình bồi hồi, có những cảm xúc thân thương khó tả.


Riêng lớp 9A3 lại là lớp chủ nhiêm đầu tiên ở Trường. Hồi ấy Thầy Ngôn phân công
Chủ nhiệm nhiều lần trước đó nhưng năn nỉ Thầy hoãn cho vài năm vì môi trường mới
và bận lo con nhỏ. Nhưng rồi không thể khất hoài  nên cuối cùng nhận nhiệm vụ thôi!
Bao nhiêu là bận rộn! Từ  việc soạn một giáo trình mỗi năm dạy chưa tới trăm tiết, giờ
phải soạn 6 loại giáo án các phân môn và kiểm tra . Tất cả hệ số phải chia cho 17!!!
Mỗi tuần dạy 18 tiết với ba phân môn. Cải cách giáo dục, Tiếng Việt( Ngữ pháp), Tập
làm văn, Văn học( Giảng văn)...Rối tung mù mịt. Kiểm tra dự giờ. Dạy tốt. Thi đua lớp
Chủ nhiệm... Trời đất!  Tối tăm mặt mũi! Cộng trừ nhân chia các cột điểm cuối học kì!
Chưa có máy tính phổ biến( như máy tính dùng cho hs bây giờ) nên cứ bò ra mà cộng
điểm. May mắn cho Cô lớp có một nhóm con trai, con gái  trong ban cán sự  rất giỏi
giang, thông minh và có vẻ lớn khôn trước tuổi, sẵn sàng giúp Cô  những việc Cô nhờ.
Một trong những kỉ niệm về sự chia sẻ của học trò với Cô là hôm Cô dạy tốt giờ "Kiều
ở lầu Ngưng Bích" vào khoảng  tháng 11/1989. Hôm ấy, bé Cẩm Tú bị sốt viêm họng
mấy ngày  rồi chưa khỏi (bé vừa hai tuổi) nhưng lịch đăng kí dạy đã lên từ trước hai tuần.
Thầy trò mình thì không chủ trương màu mè dạy trước để giờ dạy chính thức thành giờ
biểu diễn nên vẫn tiến hành bình thường. Nhưng không ai biết rằng trong lúc Cô giảng
cho BGH và các Thầy Cô dự, cả lớp lắng nghe và phát biểu thì có một vài ánh mắt nhìn
Cô ái ngại. Chắc các em hiểu rằng lòng Cô đang như lửa đốt! Và, bạn Quốc Duy vừa
ghi bài vừa viết thư cho Bố là BS đang làm việc tại BV An Bình để nhờ giới thiệu Cô
với BS khoa Nhi, khám cho em Tú, sau khi Cô dạy xong tiết này ở lớp...

Có thể nhiều năm tháng trôi qua, nhiều sự việc đến với Thầy Trò mình, mỗi người đều
bận rộn với công việc, gia đình và cuộc sống, các em không nhớ những chuyện nho nhỏ
ấy. Nhưng với Cô, biết bao nhiêu chuyện-nhỏ-nhỏ trong cuộc đời cứ được sắp xếp
thứ tự, cất giữ trong ngăn kéo kí ức để lúc về già như bây giờ có thể nâng niu, nhìn
ngắm rồi lại cất giữ, yêu thương...


     
  (Tấm hình này không phải hs lớp 9A3 mà 9A6 thế hệ 85,cũng là lớp CN thương yêu)

Cho nên khi chiều, Dũng ghé thăm Cô. Rồi nhắc đến bạn bè và muốn đến thăm Duy. Tự
nhiên Cô cũng nói thêm vào là em nên tìm đến thăm bạn, dù chưa biết ai có cuộc sống
sung túc hơn nhưng mình ở xa về thì nên tìm đến bạn trước. Câu nói hơi trần tục và thực
dụng nhưng Cô đã nói với chân tình, không sợ em buồn và đánh giá Cô. Em vẫn lặng yên
nghe lời Cô như cậu học trò 14,15 tuổi ngày xưa nghe Cô giáo huấn dù bây giờ đã có
người bạn đời khôn ngoan khéo léo, có hai bé trai kháu khỉnh, thông minh,có cơ ngơi và
công việc ổn định ở nước ngoài. Cám ơn học trò cho Cô càng thấy rằng mình chọn nghề
dạy học là hoàn toàn hợp lí, càng yêu thương hơn cuộc đời này.

Cuối năm, tâm hồn của một nhà giáo già bỗng dưng vui hơn, ấm áp hơn. Sợi dây cảm xúc
cũng rung lên những cung bậc rộn ràng, xao xuyến đón chào năm mới.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2014!

CHÚC TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU, TẤT CẢ MỌI NGƯỜI QUEN BIẾT

SANG NĂM MỚI THẬT NHIỀU SỨC KHỎE, NHIỀU NIỀM VUI, HẠNH PHÚC

VÀ THÀNH ĐẠT TRONG CUỘC SỐNG.




4 nhận xét:

  1. Năm mới sang thăm nhà cô. CT thương chúc cô dồi dào sức khỏe và luôn bình an!

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn CT đã chịu khó đồng hành với mình :)). Năm mới chúc CT và bạn bè thân thiết luôn được an lành, hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  3. Chuc mung nam moi an vui va nhu y . Chua thay bai moi cua nam 2014 Nhu Mai oi oi !

    Trả lờiXóa