Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Thanksgiving Day - Nghĩ về câu "Tiên học lễ, hậu học văn" đang bị loại trừ!

 


Ngày lễ Tạ ơn của người Mỹ năm nay rộn ràng hơn năm trước. Các phương

tiện truyền thông đều thông tin và thống kê, đưa tin qua những hình ảnh ở

khắp toàn quốc, dù có bang đông đúc hay bang ít người hơn đều có những 

hoạt động nhộn nhịp và vui tươi cho một kỳ nghỉ và buổi họp mặt của những 

người thân trong gia đình vào dịp Lễ Tạ ơn. Họ nói : điều này chứng tỏ kinh 

tế đang có chiều hướng lạc quan và người Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn, mua 

hàng hóa, đi du lịch nhiều hơn... Mặc dù nhiều nơi trên khắp nước vẫn có 

nhiều trường hợp tăng ca nhiễm Covid-19, đa số là nhừng người chưa chích 

ngừa...

Không khí của tiết trời chuyển dần sang mùa Đông lạnh có lúc hơn 40 độ F

nhưng cũng có lúc tạnh ráo, có lúc mưa nhè nhẹ. Tui cũng có được khoảng

thời gian giữa trưa để đi bộ gần tiếng rưỡi trong hai ba lớp áo ấm, rất thú vị.

Sau bữa ăn trưa với gia đình, con cháu và những món ăn truyền thống ở đây

trong ngày lễ Tạ ơn, tụi nhỏ xúm xít chưng cây thông Noel và trang trí. Bắt

đầu cho những ngày lễ hội cuối năm. Tuổi thơ thật dễ thương. Nhìn tụi nhỏ

lăng xăng, hí hửng với công việc yêu thích của chúng, tui vui trong bụng và

chợt nhớ những năm tháng tuổi thơ của mình ở Huế mỗi độ Xuân về, Tết đến

hăm hở phụ giúp các anh chị tui đổ cát trắng đầy sân, trên mặt bồn hoa và

con đường từ cổng vào nhà. Không gian như bừng sáng, rực rỡ hẳn lên với 

mấy gốc mai vàng nở rộ. Hoa mai ở Huế hình như lâu tàn hơn và tỏa mùi 

thơm ngạt ngào, tinh khiết... 

                             Ba thế hệ nhà tui lớn lên trên nền tảng giáo dục:

                                               " Tiên học lễ, hậu học văn"
 


Hôm nay là thứ sáu, Black Friday, trời cũng lạnh. Lạnh hơn hôm qua xíu. 

Nhưng không mưa. Coi tivi thấy mọi người nô nức đi mua sắm.Ở các cửa 

hàng, các khu thương mại rất đông người. Tụi nhỏ nhà tui không đi mua 

sắm gì nhưng cũng đưa các bé đi chơi. 

Tui ngồi nhà. Chiêm nghiệm cái vụ các nhà văn hóa ở VN, các vị giáo sư tiến 

sĩ  Thêm Bớt gì đó giải thích ý nghĩa câu tục ngữ, có người gọi là cách ngôn

"Tiên học lễ, hậu học văn" một cách rất chi là thông thái. Rồi nghe đâu họ 

loại bỏ câu ấy, nói là khẩu hiệu, loại bỏ câu khẩu hiệu ra khỏi nhà trường....

Ôi, Văn hóa và Giáo dục! Một nền giáo dục không lễ nghĩa! Không tôn ti trật 

tự! Một xã hội hồ lốn, tầy huầy! Buồn! Tui bỗng rất nhớ hình ảnh lớp học hồi 

xưa, từ thời thơ ấu của mình, có tấm bảng đen, có những dòng chữ đôi khi

được viết bằng chữ in hoa, đôi khi được cắt bằng giấy để dán lên bảng theo

chu kỳ hoặc chủ đề, những câu cách ngôn, tục ngữ được coi như là châm ngôn

hành động. Câu " Tiên học lễ, hậu học văn" luôn được trân trọng treo vào cuối 

lớp để học sinh vào là nhìn thấy ngay, hoặc trên khung cửa ra vào của lớp để 

học sinh ngồi trong lớp luôn nhìn thấy. Đó cũng là những vị trí mà khi người

Thầy đứng trên bục giảng luôn thấy đập vào mắt mình. Chẳng những đối với 

học trò mà đối với người Thầy, câu cách ngôn ấy cũng vô cùng cần thiết. Nó

nhắc nhở người Thầy phải hiểu mà giáo dục học trò mình và bản thân mình 

cũng phải nghiêm túc, vững vàng trên nền tảng đạo đức ấy.

Lâu nay, rất lâu nay, tui không còn muốn nghe hay nghĩ tới những-chuyện-

trời-ơi-của-những-người-tự-cho-mình-là-nhất, thế nhưng hôm nay tình cờ đọc

thấy sự việc nầy, tui thấy buồn cho quê-hương-khuất-bóng-hoàng-hôn quá!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét