Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

Hăm Ba Tháng Chạp





Sáng ngày hăm ba tháng Chạp trời nắng đẹp.
Đi chợ Tết Hồng kông.


Thật rộn ràng đông đúc. Người ta mua đồ, sắm sửa cho ngày Tết đã gần kề.
Hồi trước nhà ở phía trên kia, ít đi tới mấy khu chợ VN nên ít cảm nhận không khí Tết. Lúc này hay mon men ra những khu chợ lớn của người Việt nên thấy cái sự rộn ràng, nhộn nhịp của "chợ Tết" như ở bên nhà. Chợ Hồng Kông bán đủ thứ. Có thấy mấy Chị-già VN đứng lựa giấy áo về đốt cúng đưa Ông Táo. Hình ảnh này gợi nhớ ngày hăm ba hồi trước, ra chợ là chen chúc nhau mua chè xôi nước, mua mấy con tôm càng bị bán giá cắt cổ, mọi người rao bán 2 bộ giấy "cò bay ngựa bay" để đốt đưa và rước Ông Táo. Các hàng quán bánh mứt Tết, thèo lèo đã được bày bán từ trước Rằm tháng Chạp. Đến hăm ba, đôi chỗ đã vơi đi vài loại bánh, ví dụ như các loại bánh in từng phong giấy bao bên ngoài màu đỏ rực rỡ, những chùm bánh nhiều màu, bao giấy bóng, cột nơ đẹp thường chưng trên bàn thờ Phật để suốt cả năm vẫn bóng đẹp, không phai màu, không hư bánh. Mình cũng đã từng mua mỗi năm các thứ bánh đó để cúng trên bàn thờ Phật, bàn thờ Ông Táo. Đôi khi để trễ mới mua thì phải đi kiếm qua nhiều hàng bắt mệt với lý do là không còn kích cỡ mình cần cho vừa với bàn thờ (cao quá-nhỏ quá,không cân xứng) hoặc không đủ cặp giống nhau. Vì thế đã rút kinh nghiệm, nên mua từ sớm sẽ tha hồ chọn. (Năm nay, tuần trước mình đã thỉnh ở chùa Cam Lộ một cặp rất đẹp).



Cũng cái chuyện mua đồ cúng Ông Táo, hồi xưa, xưa gần, không phải xa xưa, mình đã từng có lần đứng xếp hàng chờ cả tiếng trong không khí náo nhiệt của chợ Nguyễn Tri Phương ngày hăm ba Tết. Vì cái tật làm biếng-thật ra cũng không phải làm biêng -mà nghĩ chỉ cần 3 chén chè xôi nước có 6 viên mà cất công nhồi bột, làm nhân thì cũng mệt nên mới ra chợ mua cho nó nhanh. Và ai cũng bận rộn cuối năm nên đã nghĩ như vậy thành ra mọi người chen nhau xếp hàng chờ mua. Và bà hàng chè ngày thường dễ thương, chiều khách bao nhiêu thì ngày này cả mấy mẹ con bà đều chảnh-thấy-ghét bấy nhiêu! Tui đứng một hồi đã được lên phía trước. Ngay trước mặt cô con gái bà bán chè. Nhanh nhẹn lấy tờ hai chục ngàn vừa đưa vừa nói bịch 6 viên. Nhưng tiền đưa rồi mà cứ bị đứng hoài trong khi những người phía sau cứ lần lượt kêu bịch 20 viên, bịch 12 kèm theo nửa ký, 1 ký xôi vò... Và dĩ nhiên là họ được lấy chè xôi ra trước. Tui cứ bị xô tới đẩy lui. Và một hồi lâu chịu không nổi, tui mở miệng nhắc với cô bán hàng rằng tui đưa tiền lâu rồi sao chưa có chè? Tức thì cô ấy nhìn tui, trợn mắt, quát đưa hồi nào? Đứng phân trần giải thích một hồi vẫn không được, lại còn bị nghe những lời không lọt tai nên tui hậm hực bước ra khỏi hàng, chịu mất tiền và ôm một cục bực mình to tổ bố. Tui đã đi bao ra phía bên hông nhà lồng chợ, gặp một hàng chè khác (hình như chỉ bán ngày này), tui tấp vào mua rồi lặng lẽ đi về. Từ đó, tui không bao giờ ghé hàng chè đáng ghét ấy nữa. 
Cho tới bây giờ, mỗi dịp 23 tháng Chạp là nhớ lại chuyện xưa, vừa bực mà cũng vừa cười cho cái tật nhanh-nhảu-đoảng của mình. ( Và cái sự nhiệt tình nhanh nhảu đó nó còn đem đến cho tui biết bao sự bực mình khác nữa, mà giờ đây phải học cách buông xả mới được nhẹ lòng! )


Ngày 23 tháng Chạp mỗi năm cũng gợi nhớ nhiều kỷ niệm, chắc kể không bao giờ hết. Nhưng nhớ hồi còn đi dạy, Trường TNSP lúc Thầy Ngôn làm Hiệu trưởng thường tổ chức văn nghệ tất niên thật xôm tụ. Nhiều năm trình diễn ở Rạp hát, bán vé đàng hoàng. Nhờ có nhiều phụ huynh là ca, nghệ sĩ nên đã hỗ trợ rất nhiều trong việc dàn dựng các tiết mục. Nhiều gvcn và cũng nhiều học sinh tài năng... Những buổi diễn thường vào khoảng 23,24 Tết. Nhớ năm tui chủ nhiệm lớp 9A7, nk 1995-1996. Đó là lớp quy tụ học sinh giỏi và xuất sắc của trường (được vinh dự làm CN lớp này rồi năm sau làm CN lớp 9A1! ), các em rất giỏi, năng động và hạnh kiểm tốt. Thời đó còn các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia từ cấp 2. Hai em Trịnh Học Nhơn và Ninh Thanh Cầu từ lớp 8 đã thi hs giỏi của lớp 9 và đều đạt giải rồi năm lớp 9 tiếp tục thi môn khác. Cả hai đều đạt cả 2 môn Toán và Lý, đều được bảo lưu tuyển thẳng vô trường chuyên Lê Hồng Phong (Pétrus Ký cũ) nhưng chỉ một em chịu vô còn một em thi tuyển vào trường chuyên Phổ thông năng Khiếu và đậu với điểm số rất cao, á khoa của môn em thi (không nhớ Toán hay Lý), đó là Ninh Thanh Cầu. Năm ấy bé út  mới 2 tuổi nhưng tui làm chủ nhiệm lớp này rất nhẹ nhàng. Em Cầu như một phó gvcn và các bạn trong lớp tự quản lớp rất nghiêm túc và chu đáo. Giờ sinh hoạt lớp vào thứ 7 không có gì để phải ngồi trong lớp nghe phê bình nhắc nhở như các lớp khác mà các em ra sân ca hát, sinh hoạt trò chơi... 15 phút sinh hoạt đầu giờ các em ngồi ôn bài hoặc lắng nghe bạn Cầu hay lớp trưởng Văn Vũ Kim Ngân phổ biến những vấn đề theo thông báo nhà trường. Có hôm tui vào trễ (rất biết ơn nhà Trường thương người có con nhỏ...) Hoặc ngồi ở phòng gv làm việc, nhìn xuống lớp thấy đang trật tự, im ru, chăm chỉ với công việc mà thương quá!


Em Cầu đã viết kịch bản Sớ táo quân và dàn dựng cho lớp tiết mục này. Thiệt là công phu và các em đã thành công. Năm ấy diễn vào sáng 23 Tết ở rạp nằm trên đường Trần Phú (quên mất tên). Từ sáng sớm một số em đã đến nhà Cô để chuẩn bị trang phục đi trình diễn. Thấy Cô bận rộn, mấy em phụ Cô lo pha sữa mang theo cho bé út, đứa thì lo hóa trang cho bạn "Táo bà", mặc chiếc áo đầm dạ hội màu xanh... Căn phòng bé nhỏ trên lầu 1 rộn ràng nhộn nhịp hẳn lên...Rồi các em đến rạp hát bằng taxi, còn Cô và em bé theo sau bằng xe gắn máy. Điều đáng nhớ là tiết mục các em dàn dựng quá xuất sắc, nội dung phong phú và ý nghĩa, diễn xuất linh hoạt, tự nhiên vừa có yếu tố hài hước, hóm hĩnh vừa mang tính giáo dục học đường... Các em thông minh thật, làm gì cũng thành công! (Trong số học sinh của lớp cô biết được hiện nay có 4 em đã học xong Tiến sĩ từ nhiều năm trước, đang giảng dạy Đại học và làm việc tại mấy bang phía Đông nước Mỹ, có em lấy học bỗng Tiến sĩ Y khoa của Pháp từ 2006, không biết học xong, em ở lại hay về, mấy năm sau này Cô không liên lạc).
Xem xong tiết mục của lớp mình, Cô phải chạy về đi chợ mua đồ cúng đưa ông Táo. Kỷ niệm vẫn nhớ hoài và như đang nguyên vẹn cảm xúc đó là sự tất bật của mình. Vừa chở con nhỏ phía trước xe, vừa phải kềm giữ 2 cây mía dọc theo chiếc xe chen chúc trong dòng người và xe cộ từ chợ về nhà! Ô, sao mà đa đoan thế! Theo tục lệ không biết bắt chước từ bao giờ, chắc từ khi lấy chồng, ra riêng, tự mình lo liệu mọi việc cúng kiếng trong nhà, cũng tại tính ưa bày vẽ(!)thấy mọi người chung quanh cúng mía(như kiểu dựng nêu ngày xưa), mà phải chọn cây nào lá tươi tốt mới chịu(!). Nên mình cũng dựng nêu bằng 2 cây mía dựng bên bếp để đưa Táo đi và  rước Táo về xong, chiều ba mươi Tết  mới chặt mía bỏ đi...


Bây giờ đang sống trong cuộc sống đơn giản hóa để con người được tận hưởng những khoảnh khắc thời gian quý báu của mình, chợt nhớ về kỷ niệm, thấy sao mình đã từng "đa sự" quá! Nào ai có bắt phải tất bật khổ sở như vậy đâu! Chẳng qua tự muốn "se dây buộc mình" đó mà thôi!
Năm nay, hăm ba tháng Chạp, ngày đưa Ông Táo, tiễn đưa Ông Táo về Trời với tấm lòng thành và ung dung dạo chơi chợ Hồng  Kông. Ngắm nhìn hàng hóa, bánh mứt ngày Tết. Tưởng tượng không khí những ngày cận Tết ở quê nhà....





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét