Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Làng quê một thuở...

( Tiếp " Người đi bộ trên đường làng" )




                     II/ MỸ LỢI QUÊ LÀNH

                 Cháu con ngưỡng vọng nhìn lên
                 Tri ân tám Vị Khai Canh
                 Tri ân sáu Vị Khai khẩn
                 Tri ân sự hy sinh dũng cảm của bao người
                 Cho quê lành Mỹ Lợi mãi còn xanh
                 Cháu con ngưỡng mộ - Ghi khắc thâm tình...

Dân làng Mỹ Lợi, từ ngày thành lập đến nay, đã không ngừng đóng góp dựng xây
cả  tinh thần lẫn vật chất để Mỹ Lợi xứng đáng là  vùng quê truyền thống của Việt
Nam.

-Về Văn hóa xã hội, đã có một vị họ Huỳnh thi đậu Tiến sĩ triều Tự Đức năm Tân
Dậu (1861 ) và làm Công bộ Thượng Thư. Con cháu của vị này có người đậu Cử
nhân, làm Ngự y  ( Thầy thuốc cho Vua ) và một người con gái  họ Huỳnh đã làm
Hoàng Hậu ( Từ Cung Thái Hậu ). Họ Phan cũng đã có hai người đậu Tú tài và có
một người làm Ngự y triều Nguyễn... Các dòng họ Đoàn, Trần, Nguyễn, Lê...cũng
không hiếm nhân tài. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân làng
đã đóng góp công sức rất nhiều cho đất nước. Những người không đi tập kết, hay
không vào chiến khu, chỉ ở lại làng hay đến các tỉnh thành làm ăn, học tập, vẫn liên
tục góp sức cho làng...

                                             
                                                        Đình làng Mỹ Lợi

-Về kinh tế, trong dân gian đã có câu:
              Dừa Mỹ Á, cá Mỹ Am, quýt cam Mỹ Lợi
             Quýt ngọt Hương Cần, cam đường Mỹ Lợi...
để ca ngợi các thứ đặc sản của ML cùng với các làng lân cận ( Mỹ Á, Mỹ Am )
hoặc với các vùng quanh Huế ( Hương Cần, Nam Phổ...). Cau Mỹ Lợi có giá trị
không  thua gì cau Nam Phổ. Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, ở Mỹ Lợi đã
có một bà buôn cau chuyên chở bằng tàu lửa ra Hà Nội, rất nổi tiếng ( *). Doanh
nghiệp ngành cau tươi, cau khô này đã lừng lẫy một thời, đã thu hút một lực lượng
lao động đáng kể, đã  giải quyết  công ăn việc làm cho dân  trong làng và các làng
lân cận.

 Hiện nay, cuộc sống tuy chưa được khởi sắc lắm  và đa số dân làng đi làm ăn sinh
sống xa quê. Nhưng những người đang  gắn bó với làng vẫn không ngừng tìm cách
cải thiện phương pháp canh tác, áp dụng kỹ thuật  mới vào canh tác, nuôi  trồng và
đánh bắt thủy sản. Điều đáng quý  là  lực lượng trẻ tham gia vào công việc này đều
thành công, đạt hiệu quả cao...Ngoài ra, ở ngoài  khơi và bờ biển duyên hải Mỹ lợi
cũng có nhiều  tiềm năng  khoáng sản...
Rõ ràng, Phú Lộc nói chung và Mỹ Lợi hứa hẹn nhiều cơ hội làm ăn để tạo nên một
vùng nông thôn mới trù phú. Những khó khăn, hạn chế về trình độ quản lý, về vốn
đầu tư...chắc chắn sẽ được khắc phục, tháo gỡ dần để thu  hút sức người, sức của
trong và ngoài nước ...



Dù  cho cuộc đời không suông sẻ như mưa bão triền miên mỗi năm lại vẫn cứ đày
đọa miền biển Việt Nam, làm cho cây lá xác xơ, cửa nhà gãy đổ:
                  Bão rồi ngành ngọn xơ rơ
                  Con chim không nơi đậu dật dờ thảm thương...
Con  người Mỹ Lợi  lại mạnh mẽ vượt qua những nỗi đau đớn, đỗ nát đó để cần cù
xây  dựng, kiên trì vun trồng cho khu vườn còn mãi giữ được màu xanh.

                                                                           (Còn tiếp)
                                                                               Phan Ngộ

                                             * * *
    ( *) Những năm 1930, bà nghiệp chủ Lư Thị Phương ở Mỹ Lợi đã bao thuê nhiều
toa tầu hỏa chở cau Mỹ Lợi ra cung cấp cho chợ Đồng Xuân Hà Nội. Sau 1954, bà
Cẩm Lợi, vợ của nhà văn Nhất Linh-một bạn hàng cau,  từ Sài Gòn ra Huế, về thăm
vườn cau  Mỹ Lợi và thắp hương trên mộ bà Lư Thị Phương.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét